Tu sĩ trẻ dấn thân – Kỳ 1: Gom nhặt tình người
Mùa hè của Đại đức Thích Minh Lộc và các bạn sinh viên thiện nguyện chùa Pháp Vân
Từ ngày vợ chê nghèo, bỏ đi, anh Nguyễn Trọng Hiếu, 35 tuổi (xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) làm quần quật cả ngày để có tiền nuôi con.
Ước mơ của anh đơn giản là làm sao có tiền cho con đi học thêm, sửa lại căn nhà đang dột nát, gắn được cái cửa kín đáo, để con không bị chúng bạn cười chê.
Tiếng lòng đó của anh Hiếu may thay được lắng nghe. Chương trình “Mùa hè tình nguyện 2022” của chùa Pháp Vân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã kịp đến với gia đình anh, để rồi ngôi nhà lá sụp xệ trống trước, trống sau, không cửa đóng then cài, sau mùa hè đã được thay thế bằng ngôi nhà tinh tươm, thơm mùi gạch mới.
Cha, con và mái nhà lá đổ vách
Ngày thầy Thích Minh Lộc cùng các bạn sinh viên tình nguyện đến thăm, nghe anh Hiếu kể, ai cũng thương: “Mình ly dị vợ, biết là bắt con sẽ cực lắm nhưng mình thà cực để nuôi con đàng hoàng chứ theo mẹ rồi cuộc đời biết đi đâu, về đâu”. Vợ chồng anh ly dị cũng đã lâu, đến hôm nay, con anh đã vào lớp 2.
Anh làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Vào mùa gặt lúa, cứ đến 4g chiều là anh nhờ con của chủ máy phóng đi rước con của anh giùm. Nếu nhờ không được, anh xin chủ cho anh về rước con, gửi bà rồi mới quay lại làm tiếp.
“Có nhiều lúc con gái nói ba ơi ba, ba xây nhà tường đi ba. Bạn con cười con, nói con là mày không có nhà đẹp, mày là con nhà nghèo. Lúc đó mình chỉ im lặng chứ cũng không biết nói gì với con. Trong lòng cũng buồn, cũng ước ao nhiều lắm. Nhiều đêm buồn, không ngủ được, nghĩ hoài nhưng không biết bao giờ mới có tiền cất nhà mới. Làm bạc mặt cả ngày ngoài đồng, bữa có bữa không nên tiền ăn đôi khi còn túng thiếu”, anh Hiếu trải lòng.
Bán mặt ngoài đồng cả ngày, nắng cũng như mưa, anh Hiếu gầy rộc nhưng luôn cố gắng làm tất cả, yêu thương con mình nhiều nhất có thể. Nhiều ngày anh nhịn ăn, ăn nửa chừng để dành đồ ăn, cơm cho con. Ai kêu gì anh cũng nhận, kể cả làm thêm, làm chèn đêm hôm.
Đại đức Thích Minh Lộc cùng các bạn sinh viên tình nguyện trực tiếp tham gia thi công ngôi nhà mơ ước cho anh Nguyễn Trọng Hiếu |
Bé Nguyễn Trần Diễm My học lớp 2, chương trình học nhiều đổi mới, anh học chỉ mới lớp 6 là nghỉ nên biết nhiêu dạy nhiêu, từng phép tính cộng trừ và bảng chữ cái. Anh không biết tiếng Anh nên không thể dạy cho con. Ao ước của anh ráng gom tiền cho con học thêm, để theo kịp bạn. Vì anh sợ mất căn bản thì con khó mà theo kịp chương trình.
“Thương nhất là khi con hỏi ba ơi, sao ai cũng có mẹ còn con thì không có. Chiều các bạn có mẹ rước đi học về còn con thì không có. Nghe con nói, mình xót ruột, xót gan”, sâu thẳm trong anh Hiếu là sự bù đắp cho con, là tình thương, là mái nhà, là tổ ấm.
Vậy nên, khi chương trình thiện nguyện của chùa Pháp Vân xây cho anh căn nhà mới, anh mừng lắm. Anh phụ các bạn sinh viên trộn hồ, đổ bê tông. Dù trời nắng nhưng anh làm không dừng tay, anh nói: “Không biết mệt”.
Ngày ngôi nhà xây xong, anh rướm nước mắt, vui mừng, vì từ đây cha con anh bắt đầu có mái ấm đúng nghĩa. Anh dự định cắt sắt vụn hàn lại để làm cho con cái bàn học, mua cho con bộ áo mới đến trường. “Chùa Pháp Vân, các bạn sinh viên đã cho cha con mình có cuộc sống mới, sự sống như được hồi sinh vậy”, anh Nguyễn Trọng Hiếu xúc động khi đứng trong ngôi nhà mới.
Người trẻ trưởng thành từ mùa hè tình nguyện
Trong cái nắng chói chang 30 độ của mùa hè, các bạn sinh viên thiện nguyện khẩn trương bưng bê gạch, trộn xi-măng, cát, đá để đổ móng xây cầu, xây nhà, lấp những “ổ gà” trên đường quê. Trong lúc thao tác luôn tay, Ngọc Ánh chia sẻ: “Chùa Pháp Vân nếu ai chưa từng biết đến thì đơn giản đó chỉ là cái tên quá đỗi bình thường nhưng đối với tụi em, cái tên ấy là cả thanh xuân, là cả quãng thời gian sinh viên đầy ắp những kỷ niệm tươi đẹp, đầy ắp những câu chuyện tình người”.
Nhóm sinh viên thiện nguyện Pháp Vân trực thuộc chùa Pháp Vân (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Là nơi tập hợp các bạn trẻ, sinh viên đã hoặc đang theo học trên giảng đường tại địa bàn thành phố, mang trong mình chí hướng và tinh thần thiện nguyện, khao khát được cống hiến cho xã hội.
Nhóm được Đại đức Thích Minh Lộc cùng một số bạn sinh viên từng tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi do Báo Giác Ngộ tổ chức, thành lập kể từ chương trình tặng quà đêm cho các cụ già neo đơn trên các con đường tại Sài Gòn nhân dịp lễ Vu lan Báo hiếu ngày 29-9-2012.
Từ năm 2012 cho đến nay, nhóm đã tổ chức thành công nhiều chương trình thiện nguyện. Trong đó là 3 chương trình lớn, thường niên, gồm: Xuân yêu thương, Tết Trung thu cho em và đặc biệt nhất là chương trình Mùa hè tình nguyện. Chương trình diễn ra thường niên vào tháng 7 hàng năm với nhiều hoạt động ý nghĩa: Xây nhà tình thương, xây cầu dân sinh, làm đường, tiếp bước đến trường, dạy kỹ năng sống cho học sinh, sửa chữa điện gia dụng, nấu cơm nghĩa tình, trồng cây, thắp nến tri ân, tặng quà cho hộ nghèo.
Nhóm đã đi qua 4 tỉnh: Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Tiền Giang. Nơi nào cũng để lại nhiều tình cảm tốt đẹp.
Đến với chương trình mùa hè tình nguyện của chùa Pháp Vân từ khi còn là một cô sinh viên năm nhất, nhưng sau chương trình đầu tiên, Ngọc Ánh đã gắn bó luôn đến hôm nay. Ra trường và đi làm nhưng Ánh vẫn quyết dành toàn bộ thời gian nghỉ phép năm để tham gia chương trình. “Em học được rất nhiều từ những chuyến đi. Em trưởng thành từ mùa hè tình nguyện. Quan trọng hơn hết, em nuôi dưỡng lòng từ, nuôi dưỡng tâm hồn mình trong mỗi chuyến đi nghĩa tình mà chưa chắc có tiền em sẽ có được”, Ánh nói.
Ngọc Ánh kể tiếp: “Em nhớ năm đầu tiên tham gia chương trình, đó là lần đầu em đi bộ 5-6 cây số cùng mọi người để xây nhà xây cầu, lần đầu xếp những viên gạch, lần đầu bị bù mắt cắn trong lúc phụ hồ, lần đầu tự nấu ăn cho hai mấy người, lần đầu được đứng lớp kỹ năng, lần đầu tổ chức các trò chơi, và lần đầu được vui như thế. Ở Sài Gòn, được bao bọc, em không có được những trải nghiệm bổ ích như vậy”.
Không chỉ riêng Ngọc Ánh mà rất nhiều bạn trẻ khác, dù là lần đầu tham gia cũng đều có cùng điểm chung: “Nhận được rất nhiều từ mùa hè thiện nguyện”. Phương Nhàn cho biết, lần đầu tham gia chương trình, lần đầu về vùng quê sống 14 ngày, bạn được “lột xác” hoàn toàn, trở thành con người mới, tính cách mới và hướng đến lối sống sẻ chia.
“Cùng nhau dạy học, nấu ăn, phụ hồ, sửa điện giữa những buổi trưa đầy nắng cùng với những giọt mồ hôi và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, buổi tối cùng các anh chị ngồi chia sẻ kỹ năng sống. Những góp ý chân thành, dễ thương khiến mình vỡ ra, cuộc sống bên cạnh những điều tiêu cực vẫn còn rất nhiều điều tích cực, nhiều tấm lòng rất đẹp và nhiệm vụ của mình là bắt nhịp, sống ý nghĩa”, Phương Nhàn đúc kết.
Có đôi khi những khoảnh khắc diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng đủ để người trẻ, trưởng thành, với Khánh An là như vậy. Thành viên gắn bó với mùa hè tình nguyện 4 năm chia sẻ: “Mình nhớ có lần sửa chữa điện cho gia đình một bà cụ neo đơn, cụ ông đã mất. Lúc bọn mình đến nhà bà vui lắm, bà còn nói ‘cháu của bà chắc cũng trạc tuổi mấy đứa mà lâu rồi nó cũng chưa về’. Nghe xong mình hiểu, cảm giác buồn khi thui thủi một mình của bà. Và mình có được một bài học, đó là tuổi già của ba, mẹ, mình nhất định phải cạnh bên”.
Mùa hè của các bạn sinh viên thiện nguyện chùa Pháp Vân |
Gieo, góp nhặt những câu chuyện tình người
Với sinh viên tình nguyện của chùa Pháp Vân, chuyến đi vào mùa hè luôn chứa đầy yêu thương, không chỉ là sẻ chia, mà còn đón nhận nhiều câu chuyện tình người. Các bạn đến giúp sửa lại cái đèn, bắc lại đường dây diện, xong việc người dân mừng, cảm ơn bằng những món quà quê đầy nghĩa tình.
“Đoàn sinh viên chùa Pháp Vân dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Minh Lộc đến chỉ 2 tuần, nhưng tổ chức đến 12 hoạt động, để lại dấu ấn rất lớn trong lòng người dân chúng tôi. Các em rất gần gũi và dễ mến, trực tiếp trộn hồ, bẻ sắt, bưng gạch xây cầu, xây nhà tình thương, làm đường bê tông, sửa điện… Tôi ấn tượng nhất là hôm phóng sanh 100kg cá, rất đông bà con đến tham gia, ai nấy cũng phấn khởi, nhờ vậy mà hiểu ra thả cá bảo vệ dòng sông, cân bằng hệ sinh thái. Sau khi đoàn rời đi, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát huy để làm nhiều việc lợi ích cho người dân trên địa bàn”, ông Trần Công Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Xuân.
“Nhà họ nghèo lắm, phía sau nhà có vài buồng dừa vừa chặt đang chờ bán nhưng một hai bà bắt bọn em ra chặt uống chứ không là giận. Hết mùa hè, làm xong cây cầu, chúng em về lại Sài Gòn, nhiều cụ tiễn tụi em bằng mớ cóc, ổi; ánh mắt cụ già, các cô rơm rớm, nhìn bọn em đi ra tận ngõ, cứ dặn đi dặn lại có dịp xuống đây thì thăm bà, thăm chúng tôi tiếp nha. Quà chỉ đơn giản là cây nhà lá vườn thôi nhưng em cảm thấy sao mà ấm áp, đáng trân quý đến thế. Từ đó tụi em cảm nhận rõ hơn câu nói của sư phụ chùa Pháp Vân: học cách cho đi để nhận lại nhiều hơn”, một thành viên gắn bó với chương trình từ ngày đầu tiên kể.
10 năm thành lập, mùa hè tình nguyện mang tên chùa Pháp Vân đã đón hơn 200 bạn trẻ đến với chương trình. “Có bạn vẫn duy trì trực tiếp tham gia chương trình, có bạn không thể vì phải lo toan cho bộn bề cuộc sống. Nhưng điều chắc chắn, bất kỳ ai khi đã đến với mùa hè xanh của chùa Pháp Vân thì lòng luôn đồng hành cùng Pháp Vân, chỉ là thay đổi hình thức từ trực tiếp sang gián tiếp, qua những tịnh tài đóng góp, qua sự dõi theo, và ai cũng vui khi nhìn thấy chương trình vẫn ‘sống’ qua từng năm”, Đại đức Thích Minh Lộc cho biết.