Tự quy

“Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác…” – Trích Kinh Đại Bát Niết Bàn – Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

Đây là lời Đức Phật nói với ngài A Nan trước khi nhập Niết Bàn. Có những ngày tôi viết đi viết lại những câu kinh ấy, không biết chán mệt. Nắng chiều chiếu qua ô cửa, lá trà vẫn còn hơi nóng. Tiếng bút loạch xoạch trên quyển tập và mùa xuân thì đã cận kề…

Mười tám mùa xuân đã trôi qua. Đời này của mình, tôi có duyên cùng lời kinh, tiếng mõ bầu bạn, nhàn nhã mà thong dong. Còn nhớ ngày xuân năm sáu tuổi, một mình ngồi ở chánh điện viết “Tam tự quy”, ánh nắng ban trưa dịu dàng soi vào tập vở. Không gian chốn thiền môn trầm ngâm, tĩnh mặc, tiếng lá rụng đâu đó vọng lại.

“Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.

Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải.

Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại.”

Ngẫm nghĩ, thật may mắn khi tôi được sống trong lời dạy của đức Phật, chư Tổ và quý thầy từ thuở ấu thơ. Tôi đã được học những điều nên học từ ngày còn tấm bé. Những tháng ngày tập lớn, phải va chạm với cuộc đời ngoài kia, nhờ vậy mà, tôi không hoang mang, bớt sợ hãi và gặp được những duyên phận nên gặp.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Cuộc sống có quá nhiều phiền muộn, tất cả đều do tâm sinh, chủ yếu chúng ta không làm chủ được tâm mình, và thế là bị cuốn theo nhân quả bao đời, khó mà thoát ra. Con người cũng từ đó, vào những lúc mỏi gối chùn chân sẽ lựa chọn đi tìm một chốn về, được nương nhờ vào một đấng siêu nhiên có thể ban phước hoặc giáng họa cho mình mà chấp nhận trở thành một thành viên của một tôn giáo chỉ để cảm thấy an tâm. Mỗi khi trò chuyện với một ai đó ở chùa, tôi lại thấy buồn lòng đi một chút vì họ chỉ đến để cầu xin Đức Phật những thứ mà Ngài đã lựa chọn từ bỏ là sức khỏe, giàu sang, may mắn…

Nhưng cũng thật kỳ diệu, nhờ có những cuộc trò chuyện đó, tôi lại có cơ hội để soi chiếu tâm của mình: “Vì sao mình lại lựa chọn tin tưởng hoàn toàn nơi Đức Thế Tôn dù Ngài đã nhập diệt hơn 25 thế kỷ rồi?”. Tôi tin Đức Phật vì Đức Phật ban phước lành cho tôi chăng? Không phải. Tôi hầu như không tụng kinh hay tham thiền để cầu xin Ngài một điều nào đó. Tôi tin Đức Phật vì gia đình tôi bắt ép chăng? Cũng không phải. Bố mẹ là người mang tôi đến nương nhờ của Phật nhưng không hề ép buộc tôi phải tin Phật, chỉ có một mong ước là tôi ngoan ngoãn hơn.

Vậy, tôi tin Phật vì điều gì? Bạn bè xung quanh tôi, ai cũng thích được đi cùng với tôi, bởi lẽ khi đồng hành cùng tôi trên các nẻo đường dù là đi chơi hay đi công việc họ đều cảm thấy bình an. Họ ưa thích sự điềm đạm, một chút hề hước, tinh nghịch nhưng quan trọng nhất là khí tràng của người tu hành mà tôi có. Những điều này, đâu phải bản chất ban đầu của tôi. Tôi có được chúng là vì có Đức Phật và chư Tăng của Ngài. Sự điềm đạm và khéo léo có từ việc thực tập chánh niệm; hài hước, vui tươi là kết quả của việc giữ gìn được bản tâm thơ ngây của chính mình. Và đó cũng là những gì mà Pháp của Đức Phật trao tặng cho tôi. Những điều tốt đẹp như thế chính là minh chứng của niềm tin mà từ nhỏ đến lớn tôi đã theo đuổi.

Chợt nhớ về những lời trong “phẩm Tùy Niệm” thuộc kinh Tăng Chi: “Khéo thuyết là pháp Thế Tôn thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu”. Tôi đã đến để mà thấy, đã tiếp nhận lời dạy của Đức Phật thông qua kinh kệ và chư Tăng, để rồi áp dụng được ngay trong giờ phút hiện tại của cuộc đời mình, không còn biên giới về thời gian giữa tôi và Đức Thế Tôn nữa. Và vì vậy, tôi đã nhìn thấy được Đức Phật và hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài với một tấm lòng không nghi hoặc, không sợ hãi, cũng chẳng hoang mang.

Đốt một nén trầm, khói bay nghi ngút, tôi nhắm mắt lại nhẩm bài “Tam Tự Quy”, “Quy y” có nghĩa là quay về, nương tựa; “Tự” có nghĩa là tự bản thân, “Tự quy y” Phật – Pháp – Tăng chính là tự quy y Phật tính, Pháp tính và Tăng tính trong mình. Những thứ như niềm tin lại không quá đáng tin nên đôi lúc gặp gỡ rồi đặt hết kỳ vọng vào một người khác chưa bao giờ là sự đảm bảo cho việc hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng nếu không đặt kỳ vọng và dành cho nhau những sự nghi ngờ thì dễ khiến cho con người ta chìm vào tuyệt vọng và bế tắc.

Vì vậy hãy tự nương tựa vào ngọn đuốc của chính mình và tiếp nhận cả những ngọn đuốc trí tuệ của những con người thiện lành xung quanh. Bởi lẽ tu không phải chỉ là thế giới của riêng mình, “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Nhiều ngọn đuốc hòa vào nhau sẽ tạo thành một ngọn lửa lớn và Tam Bảo sẽ ngày một vững mạnh, soi sáng cho con người những lúc mỏi gối chùn chân trước sóng gió cuộc đời. Và vì thế ta không nên phân biệt hay bị kẹt vào những khái niệm thực mà không thực như “Đại thừa” hay “Tiểu thừa” cũng như trong rừng cây của Đức Thế Tôn có đến tận tám vạn bốn nghìn cây nhưng chẳng có một cây nào phải tranh giành đất hay ánh sáng mặt trời để sinh tồn cả!

Nguyện mọi loài cùng tôi thường tinh tấn, an lạc và sẽ là những ngọn đuốc sáng.

*Bài viết được gửi từ tác giả Hoàng Mai Thanh Trúc; địa chỉ: Chùa Tế Độ, số 15 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, Tp. HCM.