Tự mình làm hòn đảo cho chính mình
Này Ananda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác…
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại làng Beluva.
Rồi Tôn giả Ananda đi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên:
Bạch Thế Tôn, con được chút an ủi rằng Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài không có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.
Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi Ta. Này Ananda, Ta giảng pháp không có phân biệt trong ngoài. Vì, này Ananda, đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư còn nắm tay. Này Ananda, những ai nghĩ rằng “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo”, hay “Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, Như Lai không có nghĩ rằng: “Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo”, hay “Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta”, thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?
Này Ananda, Ta nay đã già, bậc trưởng thượng, bậc trưởng lão, đã đạt đến đoạn cuối của đời, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thừng chằng chịt. Cũng vậy, thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ dây thừng chằng chịt.
Vậy này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?
Này Ananda, ở đây, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; quán thọ trên các thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Ananda, như vậy là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.
Này Ananda, những ai hiện nay hoặc sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác; những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.
(Kinh Tương Ưng Bộ V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh [trích])
Suy nghiệm:
Đức Phật Thích Ca là đấng giáo chủ, bậc khai sáng đạo Phật. Nhưng khi nói về mình, Ngài luôn tự xưng là Như Lai (người đến như vậy) hay Đạo sư (người thầy chỉ đường). Cho đến lúc sắp nhập Niết-bàn, khi mà công nghiệp giáo hóa đã viên mãn với tứ chúng đệ tử đông đảo, Ngài vẫn khẳng định chỉ là người thầy dẫn đường tu học cho những đệ tử hữu duyên mà chưa từng xem mình là vị lãnh đạo tối thượng của Tăng đoàn.
Như Lai phủ nhận vai trò lãnh đạo Tăng đoàn của Ngài hẵn có lý do. Trước nhất, Tăng già (Sangha) là một tổ chức nhưng dựa trên nền tảng thanh tịnh và hòa hợp mà hoàn toàn không có giáo quyền. Thứ đến, giải thoát và giác ngộ là nỗ lực phấn đấu để thăng chứng của tự thân mỗi Tỷ-kheo mà không nhờ ân sủng của đấng giáo chủ hay các thế lực siêu nhiên bên ngoài. Nhưng quan trọng hơn, sau khi Thế Tôn nhập diệt, hàng đệ tử đương thời cũng như hậu thế không vì thế mà mất đi nơi nương tựa. Vì bậc đạo sư, người thầy chỉ đường vẫn còn, đó là Chánh pháp và nỗ lực tu tập cá nhân.
Thế Tôn nhập Niết-bàn là chuyện thường nhiên. Như một cỗ xe đã cũ thì có ngày hư nát. Quan trọng là những gì cần trao truyền Như Lai đã truyền trao hết cho hàng đệ tử. Tất cả đã có trong Chánh pháp. Do đó, Chánh pháp mới là bậc thầy đích thực cho các Tỷ-kheo. Như Lai dù còn trụ thế hay nhập diệt thì Chánh pháp vẫn luôn là đạo sư tối thượng. Cho nên “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác” và “dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác” là phận sự chính yếu của các Tỷ-kheo.
Thế Tôn đã xác định tâm điểm của ngọn đèn Chánh pháp ấy là Tứ niệm xứ. Tu tập Tứ niệm xứ là một trong những con đường ngắn nhất thẳng đến Niết-bàn. Những ai biết nương theo ngọn đèn Tứ niệm xứ để nhiếp phục tham ưu ở đời, Thế Tôn gọi “những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta”. Mặc dù hiện nay có rất nhiều pháp môn tu tập nhưng lưu ý của Thế Tôn về nỗ lực của tự thân cùng với tu tập Tứ niệm xứ là điều mà hàng hậu thế chúng ta cần lưu tâm, nếu muốn nhiếp phục tham ưu và thành tựu giải thoát, an lạc.
Quảng Tánh