Tu không phải để thành tiên, thành Phật

Sách “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí – hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.

Sau cuốn Chia sẻ từ trái tim – tập hợp 50 bài giảng về nhân quả – ra mắt hồi giữa năm nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc gần xa, thầy Thích Pháp Hòa tiếp tục cho ra mắt cuốn sách thứ hai có tên Con đường chuyển hóa. Cuốn sách tuyển tập 50 bài giảng của thầy xoay quanh “Đạo đế” – con đường để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau và hướng đến mục đích cuối cùng là giác ngộ và giải thoát.

Sách Con đường chuyển hóa. Ảnh: FN.

Mục đích của tu học theo đạo Phật

Trong cuốn sách này, các bài giảng của sư Thích Pháp Hòa có xu hướng đi sâu hơn vào giáo lý của đạo Phật và các pháp môn tu tập, nhưng bạn đọc vẫn có thể dễ dàng tiếp nhận bởi cách tiếp cận Phật pháp giản dị, gần gũi và đầy từ tâm của thầy.

Ở phần đầu của cuốn sách, bạn đọc sẽ nhận diện đạo Phật nguyên bản thông qua “tám con đường chân chánh” (Bát Chánh đạo), bao gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định, chánh tinh tấn và chánh niệm. Đây là một pháp môn quan trọng, giúp người tu học đoạn trừ được cái gốc của bất thiện và đi tới chỗ an vui, hết khổ.

Trong từng bài giảng, Thượng tọa Thích Pháp Hòa không chỉ đi sâu vào từng khái niệm mà còn đưa ra nhiều ví dụ và cách để bạn đọc áp dụng Bát Chánh đạo vào cuộc sống của mình, chẳng hạn như: cách sử dụng lời nói cho có ý nghĩa, cách để chánh niệm và tư duy đúng đắn…

Như sư đã chỉ ra: “Nếu sống mà không có tỉnh giác, không rõ biết vị trí, hoàn cảnh hiện tại của mình, mình sẽ tự làm khổ mình và làm phiền người khác. Còn ngược lại, sống mà biết mình, biết người thì mình vui sống. Để được như vậy, chúng ta phải tu thiền trong mỗi giây mỗi phút”.

Nhưng tu ở đây cũng không phải là tới chùa cúng lễ hay lạy một ngày mấy trăm lạy để “lấy điểm”, mà là thấy rõ cái xấu, cái dở nơi mình để chuyển hóa nó thành cái thiện. Còn với những cái thiện đã có, mình phải làm cho nó tăng trưởng.

Thầy Thích Pháp Hòa chia sẻ: “Tu không phải là để thành tiên, thành Phật gì cả, mà tu để thành chính mình. Tu để biết mình đang vướng cái gì để tháo, để buông. Tu để biết mình đang vấp phải cái gì, đã thấu đạt được gì. Tu là để sáng soi rõ ràng, ăn biết mình ăn, uống biết mình uống. Và tu cũng để biết mình đang có nỗi khổ đau gì, từ đó, mình làm sao để giảm bớt cái khổ, cái đau đó”.

Tuy là một vị tu sĩ thiên về truyền thống Tịnh Độ nhưng Thích Pháp Hòa không giới hạn bài giảng của mình ở một phép tu nào, thay vào đó, thầy luôn nỗ lực để đưa Thiền và Tịnh Độ về lại một “nhà”. Trong phần hai có tên “Mười phương sen nở”, các bài giảng của ông tập trung phác họa bức tranh khái quát của “đạo Phật pháp môn”.

Trên tinh thần “Thiền – Tịnh song tu” và là người tìm hiểu sâu cũng như có kinh nghiệm tu tập ở cả hai pháp môn, sư đã giải thích cặn kẽ tính phương tiện và điểm chung cốt lõi của hai truyền thống này. Đồng thời, thầy hướng dẫn người đọc nhiều phương pháp để thực hành như mười cách niệm Phật, đếm hơi thở, quan sát cảm giác, quan sát tâm hành… để mỗi độc giả tự lựa chọn cho phù hợp với con đường tu học của mình.

Học Phật là quay về bên trong

Phần thứ ba “Muôn sự do tâm” bao gồm các bài giảng xoay quanh một phương diện quan trọng khác của đạo Phật, đó là vấn đề “tu tâm”. “Tâm” vốn là yếu tố cốt lõi của sự tu tập trong đạo Phật, bất kể bạn tu theo truyền thống Nguyên thủy hay Đại thừa. Vì thế, cho dù thực tập pháp môn, phương tiện, hay truyền thống nào thì các hành giả đều phải đi qua một bước chuyển hóa quan trọng, đó là “chuyển hóa tâm”.

Trong các bài giảng về đề tài này, bạn đọc sẽ cảm nhận được phảng phất tinh thần khoáng đạt của Thiền tông trong các ví dụ về 10 bức tranh chăn trâu, hoặc các giai thoại thú vị của các thiền sư nổi tiếng.

Thầy Thích Pháp Hòa

Phần sau cùng của cuốn sách có tên là “Người trí nhìn đời”. Nhiều người vẫn nghĩ, tu hành là lánh đời, cách xa mọi sự, không còn lo nghĩ chuyện gì. Nhưng sự thật của tu hành là trở về với chính mình, tạo được nguồn tuệ giác nơi mình để quán chiếu mọi việc trong cuộc sống. Vì thế Con đường chuyển hóa tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí – hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.

Nhìn chung, những việc chúng ta làm đều xuất phát từ tâm, nếu tâm an lạc thì mọi việc sẽ bình an. Vì lẽ đó, tất cả các phép tu đều nhằm mục đích để chúng ta điều phục được tâm của mình. Nếu tâm thiện, ta hoan hỉ phát huy tâm thiện đó nhiều hơn. Nếu tâm bất thiện, ta tìm cách giảm bớt. Một khi đã điều phục được tâm thì an lạc sẽ tới. Tâm đã vững thì chúng ta mới không dễ bị lay động hay lệch hướng.

Như sư Thích Pháp Hòa đã chỉ ra: Học Phật là hướng dẫn chúng ta quay về bên trong, bởi vì quay về bên trong, ta mới bình an. Khi quay về bên trong, ta đồng thời nhìn thấy trí tuệ nơi mình, từ đó nhìn thấy được vẻ đẹp của vạn vật. Người có trí thì luôn nhìn đời với cặp mắt thương yêu và hiểu biết, luôn an nhiên và tự tại trước mọi sự “được – mất”, “thắng – thua” ở đời.

Với những lời giảng giản dị, gần gũi và đầy từ tâm, Con đường chuyển hóa của sư Thích Pháp Hòa không chỉ mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về đạo Phật mà còn giúp chúng ta tự tìm cho mình một cánh cửa phù hợp để tu tập và chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của mình.

Theo ZNews

Minh Châu