Tu học rất cần có một vị thầy?

Trong hầu hết các tài liệu mà con đã đọc nói về thiền trong Phật giáo, kể cả Thiền tông, Mật tông, và thiền Nguyên thủy đều nhấn mạnh đến vai trò của một vị thầy, xem đó như là một điều kiện tiên quyết cho một người muốn dấn thân vào con đường tu thiền.

 

Điều này đã gây không ít bối rối cho các hành giả cư sĩ tại gia.

Mặc dù họ có thể tiếp cận được các nguồn kinh sách thông qua mạng lưới thông tin hiện đại như ngày nay, hoặc được nghe các bài pháp thoại từ các giảng sư giàu kinh nghiệm (ví dụ như mạng Trung Tâm Hộ Tông chẳng hạn).

Thật ra, trong giới cư sĩ cũng có người được trang bị một trình độ học vấn nhất định, giúp họ có được phương pháp luận khoa học khi tiếp cận vấn đề. Bản thân con mặc dù không trực tiếp được Thầy hướng dẫn nhưng thông qua mạng Internet con cũng tiếp thu được cơ bản nội dung pháp hành mà Thầy muốn truyền đạt. Các thắc mắc cũng đã được Thầy tận tình giúp đỡ tháo gỡ.

Như vậy bản thân con xem như đã có một vị thầy chưa?

Kính mong Thầy rộng lòng từ bi giảng giải. Việc kề cận một vị thầy còn mang một ý nghĩa tâm linh nào khác nữa không?

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trả lời: 

Ngày xưa chưa có phương tiện truyền thông nào khác ngoài phải đi, nhiều khi rất xa, để tìm thầy học Đạo, hoặc ít nhất cũng đi hành cước để tham vấn xem sở tu sở chứng của mình đã thuận Pháp chưa.

Ngày nay vai trò vị thầy chính là những nguồn thông tin giúp mình học Đạo, như kinh điển, pháp thoại audio, video… Và để kiểm tra sở tu sở chứng của mình thì có thể gặp thầy qua điện thoại, internet có gắn camera là thầy trò có thể đối diện trình thiền hỏi Pháp thoải mái. Vậy không tiện hơn sao?

Tin, học và hành theo một vị thầy có thể sai, lại phải đi tìm vị khác xa xôi, chi bằng cứ nghiên cứu học hỏi cho sâu rộng rồi khi đã có đủ trình độ nhận thức mới thấy vị thầy nào hay cứ đến tham vấn.

Quan trọng là khai mở, giác ngộ, chứ không phải là hành theo vị thầy nào. Các vị Phật Độc Giác không học ai cũng vẫn tự mình giác ngộ thì có sao đâu.

Tất nhiên vai trò vị thầy theo nghĩa rộng, hoặc thiện bằng hữu, thiện trí thức là những sự hỗ trợ rất cần thiết trên đường học Đạo. Nhưng cuối cùng vô sư trí vẫn là vị thầy tối hậu của mỗi người.

Đức Phật đã xác định là sau khi Như Lai viên tịch Tứ Chúng nên nương tựa vào Pháp chứ không nên nương tựa vào vị thầy nào. Pháp (thực tánh) sẵn có nơi mỗi người, hãy quay lại mà thấy (Ehipassiko), không phải tìm đâu xa, không do vị thầy nào ban tặng.

Cho nên Đức Phật mới dạy “Tự mình là nơi nương nhờ của chính mình, không ai khác là nơi nương nhờ được” (Attàhi attano nàtho, ko hi nàtho parosiyà)…

Thầy Viên Minh