Tứ hành xung có thực sự là nguyên nhân của những mối quan hệ không hòa hợp?
Trong 12 con giáp có những tuổi hợp với nhau và có những tuổi kỵ nhau…Vậy quan điểm Phật giáo về vấn đề Tứ hành xung thế nào? Cần phải hiểu như thế nào về Tứ hành xung để có cuộc sống bình an?
Theo văn hóa truyền thống của một số nước phương Đông, mỗi năm sinh sẽ tương ứng với một trong số 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi; và số phận, tính cách của mỗi người sẽ phần nào được quyết định bởi con giáp mà người đó cầm tinh. Quan niệm dân gian cho rằng, trong 12 con giáp có những tuổi hợp với nhau và có những tuổi kỵ nhau. Chính vì vậy, trước những việc đại sự như kết hôn, làm nhà, làm ăn… rất nhiều người thường xem tuổi để tìm được người hợp tuổi, mong cầu cho mọi việc được thuận lợi.Vậy quan điểm Phật giáo về vấn đề Tứ hành xung thế nào? Cần phải hiểu như thế nào về Tứ hành xung để có cuộc sống bình an?
“Tứ hành xung” trong quan điểm Phật giáo
Theo quan niệm dân gian có 3 nhóm con giáp xung khắc với nhau gọi là Tứ hành xung, mỗi nhóm bao gồm những con giáp sau:
– Dần, Thân, Tỵ, Hợi
– Tý, Ngọ, Mão, Dậu
– Thìn, Tuất, Sửu, Mùi
Cũng theo quan niệm đó, các tuổi trong nhóm xung khắc này rất kỵ nhau, nếu cùng hợp tác trong các mối quan hệ làm ăn, hôn nhân thì dễ xảy ra mâu thuẫn cũng như khắc chế lẫn nhau, không thành công.Tuy nhiên, trong lý Nhân – Duyên – Quả của Phật giáo, quan niệm trên là hoàn toàn sai lầm, Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định: “Câu chuyện tuổi tác xung khắc Dần, Thân, Tỵ, Hợi, tứ hành xung đối với đạo Phật thì không có chuyện xung khắc như thế. Không phải 12 con vật đại diện cho tất cả tâm tính của chúng ta”. Đại đức cũng chia sẻ thêm: “Đạo Phật thì không đặt nặng vào chuyện tuổi tác, vì bản chất của tuổi tác tức là thời gian; thời gian thì không nói lên cái gì là xấu, là tốt cả, vấn đề thực tế nhất là con người đó ra làm sao”.
Như vậy, qua lời chia sẻ của Đại đức, chúng ta thấy rằng, tuổi con giáp không quyết định tâm tính của mỗi người và Tứ hành xung là quan niệm chưa đúng trong Phật giáo.Để đại chúng hiểu rõ và có cái nhìn đúng đắn hơn, Đại đức giảng giải: “Cầm tinh con Hợi nhưng có phải mình là con lợn đâu. Cầm tinh con rắn nhưng có phải mình sẽ giống con rắn đâu. Đại chúng thấy, chẳng lẽ trong hàng nghìn con người này chỉ đại diện có 12 tính nết này thôi sao? Cho nên cái này không đúng. Chúng ta hiểu Phật Pháp thì thấy đây là những lý thuyết không chính xác. Chúng ta tin theo thì đó là tà kiến. Chúng ta phải chính kiến! Tâm tính chúng ta chuyển hóa hàng ngày. Đại chúng xem trên mạng nhiều clip, hổ với lợn cũng nằm với nhau, chơi với nhau. Chuyện ấy là chuyện thường vẫn xảy ra. Cho nên nếu chúng ta tin theo cái này thì là tà kiến”.
Có cần đi xem tuổi trước hôn nhân?
Từ lời giảng giải của Đại đức chúng ta biết rằng, tin theo quan niệm Tứ hành xung là tin theo tà kiến. Chúng ta cần phải học hiểu Phật Pháp để có những chính kiến cho mình, không còn bị lo sợ bởi tà kiến và giữ gìn được phúc báu như Đại đức đã chỉ dạy: “Đức Phật dạy tà kiến thì mất phúc báu. Đáng nhẽ có phúc mà do tà kiến thì mất phúc đi. Mình phải chính kiến, tâm tính con người là do từ tư tưởng mà ra; mà tư tưởng thì có thể thay đổi”.
Hai người tuổi “Tứ hành xung” có lấy được nhau không?
Trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp yêu nhau mà không lấy được nhau do quan niệm Tứ hành xung nên bị gia đình ngăn cản. Về trường hợp này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Tuy rằng hai bạn có tuổi gọi là tứ hành xung, nhưng thật sự hai bạn đều biết tu dưỡng và đều biết lắng nghe nhau, nhẫn nhịn, lắng nghe nhau thì tuổi xung cũng ở với nhau, hòa hợp và thương yêu được”. Như vậy, Đại đức cũng khẳng định, tuổi Tứ hành xung không quyết định hạnh phúc vợ chồng mà quan trọng là phải nhẫn nhịn, lắng nghe nhau và tu dưỡng đạo đức. Khi bị bố mẹ ngăn cản, chúng ta phải hiểu rõ điều trên mới có thể thuyết phục được gia đình.
Đại đức cũng lấy ví dụ về những cặp vợ chồng trong tuổi Tứ hành xung, bị gia đình cấm cản, nhưng khi được Đại đức phân tích, chỉ dạy thì sống với nhau rất hòa hợp, an vui sau nhiều năm kết hôn. Đại đức khẳng định: “Cái mệnh không quan trọng; cái tuổi cũng không quan trọng, các con đừng đặt nặng, mà hãy đặt nặng ở con người chúng ta thế nào? Các con phải tìm hiểu kỹ chỗ này”. Theo như lời Đại đức, mỗi người chúng ta cần tu rèn đạo đức, tu bồi phước báu và không phụ thuộc vào mệnh, tuổi. Phước báu sẽ giúp chúng ta có được quả báo tốt đẹp, gặp được người tốt và có được cuộc sống hôn nhân viên mãn. Chúng ta sẽ nhận được phước báu khi làm việc thiện như bố thí cúng dường, giúp đỡ người khác, tu sửa thân tâm thiện lành hơn,…
Gia đình “Tứ hành xung” cư xử với nhau thế nào để hạnh phúc?
Nhiều gia đình có các thành viên nằm trong nhóm tuổi Tứ hành xung chia sẻ rằng, các thành viên đó rất xung khắc nhau, cảm thấy gia đình không hòa thuận và làm ăn cũng không thuận lợi. Về vấn đề này Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Biết tu thì sống hòa hợp với nhau. Ai cũng biết nhẫn, biết nhịn, biết lắng nghe thì chúng ta thấy là thuận vợ, thuận chồng. Chúng ta nhớ câu các cụ: Vợ chồng biết nhẫn nhịn là gia đình êm ấm mà gia đình êm ấm thì tát biển đông cũng cạn. Mà thuận vợ, thuận chồng là do tâm tính. Tâm tính lại phải do mình tu dưỡng mới lên được tính tốt. Tu dưỡng thì phải học, học Phật Pháp để tu dưỡng. Cho nên đối với đạo Phật thì không có chuyện tuổi tác xung khắc”.
Đại đức khẳng định rằng không có chuyện tuổi tác xung khắc và Thầy khuyên nhủ mọi người rèn tâm để sống hòa thuận với nhau. Từ sự hòa hợp với nhau đó, mọi người sẽ hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng làm việc cho suôn sẻ.
Cách chuyển hóa số phận để không phụ thuộc “Tứ hành xung”
Nhiều quan niệm cho rằng, những người có tuổi xung khắc với nhau thường có tính cách không hợp nhau, vì thế mà khắc khẩu, xung đột.. Tuy nhiên, Đại đức cũng đã khẳng định, đó là quan niệm không đúng. Vậy phải làm gì để không phụ thuộc vào Tứ hành xung và có thể hòa hợp với tất cả mọi người? Đại đức giảng giải: “Tâm tính của con người thay đổi hằng ngày, hàng giờ, hàng phút, liên tục chuyển hóa. Có người hồi trẻ tính rất nóng nhưng lớn lên lại mát mẻ, nhu hòa. Có người hồi trẻ rất là ghê gớm, đanh đá lớn lên lại trở thành người rất hiền thục. Chuyện đấy là tâm tính thay đổi. Chúng ta nhớ câu mà Bác Hồ dạy: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên.” Câu này là một câu triết lý rất sâu sắc của ngành giáo dục. Có một câu rất nổi tiếng là: “Gieo suy nghĩ thì chúng ta gặt hành động. Gieo hành động thì gặt thói quen. Gieo thói quen thì gặt nhân cách. Gieo nhân cách thì gặt số phận.”
Như vậy số phận của mình là từ suy nghĩ của mình. Chúng ta có thể chuyển suy nghĩ để chuyển số phận thì đâu phải vì mấy con Tý, Sửu, Dần, Mão quy định tính cách của chúng ta. Chúng ta nhớ số phận mình là do tính cách; tính cách lại do suy nghĩ của mình là gốc. Suy nghĩ của chúng ta mà gặp Phật Pháp chân chính để tu hành, chúng ta chuyển từng tâm niệm thì chúng ta chuyển số phận của mình”. Như vậy, chúng ta cần phải chuyển hóa bắt đầu từ suy nghĩ rồi dần chuyển hóa được “số phận” của mình, để không bị quan niệm về Tứ hành xung chi phối nữa.
Qua lời chỉ dạy của Đại đức, chúng ta đã có những hiểu biết về đúng đắn về Tứ hành xung và cách chuyển hóa để có được cuộc sống gia đình bình an, hạnh phúc. Chúc cho quý Phật tử sẽ tu học Phật Pháp, rèn luyện đạo đức như Đại đức đã dạy để tâm luôn an định, không còn sợ hãi trước những quan niệm tà kiến; từ đó đạt được thành công trong cuộc sống.