Tu hành như cọ cây lấy lửa
Người xưa có câu “tu hành như cọ cây lấy lửa”, theo con hiểu tức là phải quán sát tâm liên tục và miên mật. Nếu như Thầy dạy chỉ thấy mọi sự như nó đang là rất nhẹ nhàng, vậy có gì khác với câu trên ạ?
Trả lời:
Câu “tu hành như cọ cây lấy lửa” có ý nghĩa như thế này: tu hành không phải là chọn nơi yên tĩnh hoàn toàn để tâm không phải “cọ sát” bất kỳ điều gì, mà muốn giác ngộ là phải được cọ sát, phải được va chạm, nên người xưa mới ví tu hành như “cọ cây ra lửa”.
Tu học là phải được “xúc chạm việc đời”:
Phải nghe người ta “chửi” để xem lúc ấy tâm mình có còn trong sáng hay không?
Phải nghe người ta “khen” để xem tâm mình lúc ấy có còn rỗng lặng được hay không?
Phải trải qua “thất bại” để xem tâm mình có ấm ức đau buồn hay không?
Phải trải qua “thành công” để xem tâm mình có tự cao ngã mạn hay không?
Phải “đau khổ” để xem mình có nhẫn nại được hay không?
Phải “hạnh phúc” để xem mình có bị chìm đắm hay không?
Nguyên lý tu học là như vậy, phải “xúc chạm việc đời” mới biết được mình còn “động tâm” hay không chứ! Nên trong Kinh Hạnh Phúc mới có câu:
“Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng”
“Xúc chạm việc đời” là khi đối diện với 8 ngọn gió được-mất, hơn-thua, thành-bại, vui-khổ. Qua những va chạm ấy, qua những trải nghiệm ấy mới giúp mỗi người thấy ra sự thật về đời sống, về chính mình, mới thấy vô thường, thấy khổ, thấy vô ngã nên tâm không còn cố chấp và bám víu bất kỳ điều gì mà trở nên thanh tịnh.
Trong thời Đức Phật còn tại thế, những người tu Bà-la-môn thường chủ trương tìm nơi hoàn toàn yên tĩnh để tu hành. Vì vậy nên họ vào rừng, lên núi, vào hang, vô động mà tu dữ dội lắm. Nhưng Đức Phật lại thấy ngược lại, tu học là cần phải “xúc chạm” tức là phải trải nghiệm qua mọi mặt của đời sống thì “tri kiến” mới có thể “thanh tịnh”.
“Tri kiến” tức là mắt thấy-tai nghe-mũi ngửi-thân xúc-ý biết, phải có những xúc chạm ấy mới thấy ra được sự thật mà giác ngộ.
Tại sao Đức Phật không dạy ông Bahiya “cứ ngồi im re đi” thì sẽ giác ngộ, mà lại dạy trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe? Vì nguyên lý tu học là “xúc chạm việc đời mà tâm không động”, chứ không phải “dẹp bỏ mọi xúc chạm với đời”.
Tu học là phải xúc chạm với mọi mặt của đời sống thì nội tâm mới có thể thông suốt không còn vướng mắc mà trở nên thanh tịnh, đó mới là ý nghĩa thật sự của câu “tu hành là cọ cây lấy lửa” của người xưa.
Hiểu câu này theo ý tu hành tức phải nỗ lực rèn luyện để đạt được tham vọng của mình là hoàn toàn sai lầm, vì khi ấy chỉ làm bản ngã tăng trưởng mà thôi. Chỉ hiểu sai một chút liền sa vào vòng xoáy của sinh-hữu-tác-thành, của luân hồi sinh tử.
Trong tu học cũng không cần phải “dấn thân” đi tìm xúc chạm, vì đó cũng là ý đồ của bản ngã. Sự xúc chạm luôn xảy ra ngay trong đời sống hàng ngày theo duyên-nghiệp của mỗi người, mình đang sống trong hoàn cảnh nào, trong nghiệp mệnh nào thì cứ trải nghiệm-chiêm nghiệm chính mình trong những xúc chạm ấy là đủ.
Ví như duyên nghiệp của anh A là lấy cô B, khi về chung sống thì hai vợ chồng cứ “hục hặc” đủ thứ, mâu thuẫn nhau, cãi vã nhau, đó chính là bài học giác ngộ. Bài học là để xem “cái Tôi” nơi anh A, nơi cô B lớn tới cỡ nào. Chính nhờ những va chạm ấy mới mài mòn bản ngã nơi mỗi người, khi bản ngã ảo tưởng tan vỡ thì hai người ấy giác ngộ, ngược lại nếu bản ngã càng lớn thì khổ đau càng nhiều vậy thôi.
“Cọ cây lấy lửa” là ý nghĩa như vậy, chứ không phải cố tu cho “dữ dội” để đắc đạo đắc quả, đó hoàn toàn chỉ là tham vọng của bản ngã chứ đâu có tu học được gì…
Thầy Viên Minh