Tự do và nô lệ
Sự nhầm lẫn giữa nô lệ với tự do sẽ mãi là vấn đề trong cuộc sống chúng ta. Mọi người tìm kiếm sự giải thoát bằng chính sự vô minh, bằng chính sự nhầm lẫn, tìm đến cái phi thánh cầu, cái được bắt đầu bằng tham dục.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.
“Cư Trần Lạc Đạo” là một bài thiền kệ được trích trong bài phú cùng tên của Giác hoàng Trần Nhân Tông, được xem là biểu tượng trí tuệ tâm linh của Phật giáo Việt Nam trong thời đại nhà Trần. Bài kệ gồm bốn câu thơ Đường luật, mà giá trị triết lý nhập thế của nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Cái tư tưởng thoát ra mọi thứ, không dính mắc với mọi sự trên đời, đó là giải thoát, đó là tự do.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Bài thơ không chỉ ảnh hưởng mạnh đến thế tục mà còn là một phương pháp luận đối với phái Thiền. Hãy hình dung, chúng ta có hai gia đình, một bên thức khuya dậy sớm làm việc cật lực, một bên là gia đình tùy hỷ ngủ đến tận trưa và ăn uống tùy thích, ngủ nghỉ tùy thích. Tất nhiên ai cũng bảo gia đình thứ hai hoàn toàn tự do, họ không chịu sự câu thúc bởi vật chất ở đời, họ có thể hành động một cách thoải mái nhất, không chịu bất kỳ sự câu thúc nào, dính mắc nào của đời sống.
Khi mà cái lý của đời và cái lẽ của đạo trùng vào nhau làm một có vẻ như là chân lý. Và nhiều hơn thế, sâu hơn thế: Chân lý tức cái lý mà Phật đã dạy, cũng tức là nó không thay đổi cho dù sự vật trên đời biến thiên không ngừng nghỉ? Đó là sự giải thoát?
Suy ra: đó là tự do, đó là giải thoát?
Trong bài “Tôi tu kể từ đấy” cũng chính là một giai đoạn tôi đi từ cái tương đối đến cái tuyệt đối. Con người là vậy, tất cả là sự che mờ, hôn ám bởi vô minh nên nhầm lẫn hết thảy mọi thứ. Tự do luôn là thứ mọi người mày mò tìm kiếm và thậm chí nó đã từng và cho đến giờ vẫn gây nên xung đột, gây nên những cuộc chiến, ban đầu là sắc tộc, tôn giáo nhưng sau có thể là chiến tranh giữa các quốc gia. Chính sự vô minh dìm chết con người trong ảo tưởng về cái ta, cái của ta, bản ngã của ta mà lại cứ tưởng đang bức khỏi sự ràng buộc, nô lệ.
Sự nhầm lẫn giữa nô lệ với tự do sẽ mãi là vấn đề trong cuộc sống chúng ta. Mọi người tìm kiếm sự giải thoát bằng chính sự vô minh, bằng chính sự nhầm lẫn, tìm đến cái phi thánh cầu, cái được bắt đầu bằng tham dục.
Ăn được, ngủ được là tiên
Không ăn, không ngủ là tiền bỏ đi
(Ca dao)
Để cổ xúy cho đời sống đáng sống, không chỉ ca dao, tục ngữ, trong kho tàng dân gian phong phú các dân tộc trên thế giới mà điển hình là phong kiến Trung Quốc. Nhân vật Từ Hy Thái Hậu rất thích sâm thử – chuột hà nàm (chuột con). Sâm thử là món chuột đồng được các đầu bếp ngự thiện nuôi dưỡng từ nhân sâm, nhung hươu và nhiều vị thuốc khác nhưng đến thế hệ thứ ba mới bắt đầu là thức ăn trên bàn tiệc của Từ Hy. Khi ấy chuột sống lại được bỏ vào mật ong, sâm nhung để “cho đến chết ngộp” mới chính là “thập toàn đại bổ” thức ăn đầy đủ chất bổ dưỡng. Chính vì vậy mà Từ Hy đã khiến cho người tình trẻ Edmund Backhous (29 tuổi) mê đắm, cuồng nhiệt sự sung mãn dù ở tuổi gần 70.
Nhưng ít ai ngờ, chỉ sau những cuộc tình nồng cháy đó vài năm, Từ Hy chết vì những căn bệnh mà ngự y bó tay: bệnh phổi, bệnh tiêu chảy và kể cả những lời đồn đãi bà bị đầu độc bởi thạch tín…Bà chết năm 72 tuổi.
Con người sinh ra từ dục, sống trong dục, để rồi chết lại về với dục. Có câu châm ngôn: Nhu cầu là lập luận của tên bạo chúa và là tín điều của kẻ nô lệ..
Chính Đức Phật đã từng đi theo con đường diệt dục, diệt những tham đắm và đến mức ngã gục bên đường vì kiệt sức, may nhờ bát sữa dê của cô thôn nữ cứu sống. Nếu đoạn diệt hoàn toàn cái dục như trên, và chết thật sự, có phải Đức Phật lại tiếp tục trôi lăn trong luân hồi sinh tử?
Không dễ có cái nhìn thấu đáo, liễu tri khi mà sự vô minh tham đắm đang chiếm phần tiện lợi từ muôn kiếp luân hồi. Trong “Tôi tu kể từ đấy” tôi đã kể về sự kiện dẫn tôi đến quyết định rời xa nơi mà mình từng gắn bó, chữa trị bệnh tật cho nhiều người bằng thiền định. Nhiều đồng môn, sau này gặp lại, cứ nhìn tôi với vẻ cảm thương như một người tự tìm đến với khắc kỷ, diệt dục, không sao cả.
Tôi tiếc không gặp lại người đã cho tôi câu hỏi ngày xưa: “Học Thiền để chữa bệnh hay để giác ngộ, chú?” Câu hỏi giống như một công án theo tôi đến bây giờ…
“Ăn được, ngủ được là tiên…”, câu nói đã đi vào tâm thức Việt từ bao đời. Kể cả tâm thức của mọi dân tộc trên thế giới khi mà mọi người đều hiểu về nguyên lý “ăn đủ chất”. Kể cả Khí Công Y Đạo- pháp môn mà tôi bái phục trong kinh nghiệm chữa trị mọi thứ bệnh. Tinh-Khí-Thần là 3 yếu tố cần và đủ cho mọi cơ thể khỏe mạnh. Trong đó Tinh là phần thọ dụng thực phẩm, phải đủ chất để tạo máu, tạo nên mọi hoạt động tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp, cốt sao cho “can vị điều hòa, khí huyết lưu thông”, các chỉ số khí huyết đi vào con số lý tưởng. Gần 1 năm trời với nổ lực tạo máu để thoát khỏi tình trạng can vị bất hòa, tôi chỉ ăn sáng bằng một trong hai món ăn: Phở và bún bò huế (thịt đỏ) là ưu tiên số 1 của tôi. Nhưng cái nỗ lực của “kẻ nô bộc” cũng không giúp tôi vượt thoát sự sai sử của cái dạ dày đỏng đảnh thế tục, đầy tham dục. Tuy chưa có những bữa ăn cung đình như Từ Hy Thái Hậu nhưng cũng đã từng cố gắng, đã từng bất lực trước những bữa “ăn đủ chất” như thế.
“Thiểu dục, tri túc”, chính cái phương pháp chay tịnh, ngày một bữa của Đức Phật đã cho tôi chỉ số khí huyết hoàn chỉnh mà trước đó nhiều năm tháng nỗ lực cải thiện không thành. Chính cái ý thức lực đã khai thông uế trược, cân bằng tứ đại, khắc phục được tham ưu trên bộ máy tiêu hóa đỏng đảnh của con người đầy bệnh tật như tôi. Thoát ra ngoài cái không gian tự do để có được một tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không, không vướng bận, dính mắc với mọi thứ ít ai tưởng tượng cái trạng thái nhẹ nhàng, khinh an, thuần tịnh, không cấu nhiễm…
Kỳ Nam