Tứ diệu đế theo góc nhìn của một người bệnh
Tứ diệu đế là giáo lý căn bản rất quan trọng mà Đức Phật đã từ bi chỉ dạy. Bạn có thể so sánh Tứ diệu đế với một người bệnh. Khi ai đó bị ốm và cảm thấy mệt mỏi, điều đầu tiên cần làm là họ sẽ tìm hiểu xem bản chất của vấn đề là gì.
Đó là bệnh gì? Bệnh xuất phát từ não hay từ tim? Họ cần tìm ra đúng vấn đề và tìm hiểu các triệu chứng của bệnh. Để chữa được bệnh, chúng ta cũng cần biết nguyên nhân gây ra bệnh là gì. Chỉ khi nào tìm ra đúng phác đồ điều trị tận gốc nguyên nhân của bệnh thì mới có thể chữa khỏi cho bệnh nhân. Đây là một hình ảnh so sánh xác thực đối với hai Diệu đế đầu tiên. Bạn cần hiểu bản chất của khổ đau và những gì khổ đau mang lại. Nhưng nếu chỉ hiểu vấn đề thôi thì chưa đủ để đoạn diệt khổ đau bởi bạn cũng cần giải mã nguyên nhân của đau khổ, đó chính là nghiệp và những xúc tình phiền não. Có như vậy, bạn mới có thể nhổ tận gốc rễ nguyên nhân của khổ đau.
Sự mong mỏi, động lực giúp bạn vượt qua được bệnh tật chính là hiểu biết về tất cả những yếu tố để có được sức khỏe tốt và miễn nhiễm với mọi bệnh tật. Tiếp tục với ví dụ trên, Đức Phật đã chỉ ra những đặc điểm của Diệt đế (tức giác ngộ). Đó là cảnh giới tốt đẹp, diệu kỳ sau khi đã đoạn diệt hết mọi nguyên nhân của khổ đau. Khi bạn biết có phương thuốc để trị bệnh, bạn sẽ áp dụng ngay để điều trị căn nguyên khiến sức khỏe của bạn không tốt. Bạn có thể áp dụng phương pháp thiện xảo để tịnh hóa ác nghiệp và đoạn diệt các xúc tình phiền não, từ đó đạt đến trạng thái sức khỏe tinh thần an lạc viên mãn. Với lý do đó, hai chân lý cuối cùng mà Đức Phật chỉ bày cho chúng ta chính là toa thuốc giúp chúng ta tận diệt mọi khổ đau luân hồi.
Thứ lớp thực hành Tứ diệu đế không nhất thiết phải theo thứ tự thời gian. Việc sắp xếp theo thứ lớp, bố cục logic giúp chúng ta hiểu rõ bản chất của từng chân lý. Hai chân lý đầu tiên chỉ bày khổ trong luân hồi và nguyên nhân của khổ đau. Trước tiên, Đức Phật giải thích rõ đặc tính của khổ đau. Khi chúng ta hiểu rõ đặc tính khổ đau, chúng ta sẽ muốn biết nguyên nhân gì gây ra khổ đau, để từ đó khổ đau có thể được đoạn diệt. Hai chân lý sau cùng liên quan đến cảnh giới an tịnh của Niết bàn. Những chân lý này không sắp xếp theo thứ lớp trải nghiệm bởi nguyên nhân của khổ hiển nhiên phải xuất hiện trước khi khổ đau có mặt!