Từ, bi, hỷ, xả – bốn tâm vi diệu
Ảnh minh họa
Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả) là phẩm chất cao thượng của các bậc Phạm thiên, thuộc cõi Sắc giới. Trong nhiều pháp thoại, Thế Tôn thường khuyến tấn hàng đệ tử hướng về sự thành tựu Phạm trú (trụ); sống với từ, bi, hỷ, xả. Ngoài nhân hạnh để sinh về Phạm thiên Sắc giới, bốn tâm vô lượng này còn là chất liệu quan trọng của thiền định (Tứ thiền). Từ đây, nếu phát huy thiền quán vô ngã sẽ chứng đắc giải thoát, Niết-bàn.
“Một thời, Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có bốn loại tâm. Những gì là bốn? Đó là từ, bi, hỷ, xả. Vì sao được gọi là Phạm trụ?
– Các Tỳ-kheo nên biết, có Phạm, Đại Phạm tên là Thiên, không ai ngang bằng, không có ai trên hơn, thống lãnh ngàn quốc giới, cung điện nơi đây gọi là Phạm trụ.
– Tỳ-kheo, thế lực mà bốn Phạm trụ này có được, là có thể quan sát hàng nghìn quốc giới này, cho nên được gọi là Phạm trụ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào muốn vượt qua các trời Dục giới mà lên địa vị vô dục, chúng bốn bộ kia nên tìm cầu phương tiện thành tựu bốn Phạm trụ này.
– Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Bốn pháp, phẩm 29. Khổ lạc, kinh số 10)
Từ là tâm yêu thương rộng lớn, thương quý hồn nhiên không vì mình. Ái cũng là yêu thương nhưng thương trong chấp ngã nên khi không thỏa mãn thì giận tức, đau khổ. Từ là tình thương một chiều, không có điều kiện, như mẹ thương con. Mở rộng lòng từ, nguyện yêu thương tất cả, không cần đền đáp. Từ là chất liệu hóa giải nóng bức, sân hận, như nước làm cho lửa khó bùng lên. Bi là lân mẫn, tìm cách cứu giúp. Yêu thương rồi tìm cách cứu giúp khiến cho chúng sinh được an vui. Hỷ chính là tâm hân hoan, an lạc. Xả là trạng thái tâm tịnh lạc, bất động, nhất tâm.
Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau. Khi tình thương rộng lớn có mặt sẽ thúc đẩy hành động, dấn thân phụng sự, an vui và buông bỏ. Vì thế, thực hành thiền rải tâm từ là một trong những pháp hành quan trọng, giúp con người kiến tạo hạnh phúc, tâm hồn thăng hoa vượt lên phàm tục của thế thường.
Trong thiền định Phật giáo, bốn tâm vô lượng này là chất liệu của bốn bậc thiền. Hành giả tinh tấn chánh niệm, tỉnh giác, phát triển năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm) để đoạn trừ năm triền cái (thụy miên, nghi ngờ, sân hận, trạo cử, tham dục) liền bước vào Sơ thiền. Tiếp tục tăng trưởng định tâm, từ, bi, hỷ là những phạm trú có thể đưa đến Nhị thiền và Tam thiền. Xả là phạm trú có thể khiến hành giả chứng đắc Tứ thiền, thiền chứng cao nhất, xả niệm thanh tịnh.
Ngay đây, hành giả đã vượt ra khỏi Dục giới, thành tựu nhân hạnh để sinh về các cõi thiền của Sắc giới. Trên nền tảng Tứ thiền, nếu hành giả tiếp tục phát huy thiền quán về khổ, vô thường, vô ngã sẽ đoạn trừ mười kiết sử để lần lượt chứng đắc các Thánh quả, đạt giải thoát, Niết-bàn. Đây chính là lý do con đường cộng trú với Phạm thiên, thực hành từ bi hỷ xả được Đức Phật khuyến khích hàng đệ tử an trú.
Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ