Truyện ngắn: Học đánh máy chữ
Ôi, tại sao những ngón tay của thầy lại lướt nhẹ nhàng, lanh lẹ trên bàn máy một cách tuyệt diệu như thế? Đặc biệt là thầy không hề nhìn vào hàng chữ mình đánh, nhưng lại không sai sót một dấu nào. Nếu có sai, thầy ngừng tay và sửa lại liền. Chú tiểu Lâm có cảm tưởng như thầy còn có con mắt thứ ba nào đó đang nhìn vào bàn máy nên biết rõ tất cả. Chú quyết tâm tìm cho ra nguyên nhân nào đã dẫn đến sự thành công này. Do vậy, cứ mỗi lần thầy đánh máy chữ là chú tìm cách đến bên cạnh để xem. Một hôm, chú vừa mon men lại chỗ thầy làm việc, thầy có vẻ không bằng lòng và hỏi:
– Sao chú không học kinh, lại đây làm gì?
– Dạ, con xem thầy đánh máy.
– Chú nên nhớ, người lịch sự không bao giờ đứng ngó người khác làm việc như vậy.
Mặt chú hơi đỏ vì “quê”.
– Bạch thầy, không phải con tò mò về nội dung bài thầy đang đánh máy, mà con muốn tìm hiểu về phương pháp đánh máy chữ của thầy.
– Biết vậy rồi. Dù sao tình ngay nhưng lý vẫn gian. Lần sau chú không nên làm như thế. Nếu chú muốn học thì cứ nói, tôi sẽ dạy cho.
– Mô Phật, xin thầy hoan hỷ thứ lỗi và xin thầy chỉ dạy cho con.
Thầy gật đầu đồng ý. Chú tiểu Lâm cáo từ và lẳng lặng đi ra. Tuy hơi “quê” khi bị thầy chỉnh, nhưng dù sao chú cũng nhận ra khuyết điểm và coi đó là một bài học đáng nhớ.
Từ đó chú tiểu Lâm ngày đợi đêm mơ, tính từng ngày một. Thế nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, đã hơn hai mươi ngày rồi mà thầy thư ký chưa đếm xỉa gì đến việc “cầu pháp” của mình. Đã vậy mỗi lần gặp thầy, chú định nhắc lại lời thầy hứa và xin chỉ dạy nhưng dịp may đã chẳng đến. Tuy nhiên, sự thờ ơ và im lặng của thầy vẫn không làm giảm sút ý chí cầu học mà trái lại càng tăng thêm lòng kiên nhẫn của chú. Một hôm thầy đang ngồi làm việc, chú Lâm đến bên cạnh chắp tay thưa:
– A Di Đà Phật, bạch thầy.
Thầy ngoái lại và hỏi:
– Có việc chi không chú?
– Hôm trước thầy hứa dạy con đánh máy chữ.
– À, à, thế hả! Vậy chiều nay tôi sẽ dạy.
– Bạch thầy, vào lúc mấy giờ ạ?
– Khoảng hai giờ chú sang đây.
Suốt buổi trưa hôm đó, chú tiểu Lâm không thể chợp mắt được. Hết nằm lại ngồi thấp thỏm chờ đợi, chốc chốc chú lại nhìn đồng hồ. Chú càng mong muốn cho thời gian ngắn lại bao nhiêu thì nó lại càng dài ra bấy nhiêu. Sốt ruột quá, mới hơn một giờ rưỡi chú đã đến trước phòng thầy thư ký ngồi chờ, nhưng mãi đến hai giờ rưỡi thầy mới mở cửa cho chú vào.
Lúc này, trước mặt chú trên bàn là chiếc máy đánh chữ, bên phải là tờ giấy mẫu với những chữ ưưư, ơơơ, ơươ,… và một số chữ khác cũng sắp xếp theo kiểu tương tự. Thoạt tiên thầy nói sơ qua về cách sử dụng máy. Kế đến thầy hướng dẫn chú đặt tám ngón tay trên tám chữ nhất định ở hàng chữ thứ ba từ trên đếm xuống, còn hai ngón cái dùng vào việc nhấn dấu cách giữa từ này với từ khác. Sau khi nắm rõ ngón nào đặt trên chữ nào rồi, thầy không cho chú nhìn vào máy nữa, trong lúc đánh chỉ nhìn vào tờ giấy mẫu. Sau khi đánh xong một hàng chú mới được phép nhìn những chữ đã đánh để kiểm tra lại xem đúng sai thế nào. Vì tay còn cứng, vả lại chưa quen nên chú đánh hay bị lộn và nhảy chữ lung tung. Tuy nhiên chỉ mười lăm phút sau chú đã khá thuần và xin thầy học qua chữ mới. Thầy hỏi:
– Chú thuộc kỹ chưa?
– Bạch thầy, thuộc kỹ rồi ạ.
– Bây giờ tôi kiểm tra lại nhé?
– Mô Phật.
– Nếu đúng thì tôi dạy chữ mới, còn sai thì chú tiếp tục tập cho đến khi nào thuộc thì thôi. Đồng ý chứ?
– Mô Phật.
Chú tiểu Lâm mặc dù đã tự tin nơi khả năng của mình, nhưng khi nghe thầy ra điều kiện như vậy cũng hơi hồi hộp. Trước khi dò, thầy hỏi lại:
– Chuẩn bị chưa?
– Bạch thầy, rồi.
Vừa dứt lời thầy đọc thật nhanh:
– ươư cách ơươ cách ưươ cách ơơư cách…
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tay chú Lâm vẫn quíu lại, đánh lộn xà ngầu lên. Xong một hàng thầy hỏi chú:
– Bây giờ tôi đọc lại cho chú dò xem có sai chỗ nào không?
Sau khi đọc xong, chú đáp:
– Bạch thầy, có sai.
– Nhiều ít?
– Dạ, khá nhiều.
Thầy mỉm cười:
– Vậy là chưa thuộc rồi. Tập lại đi thôi. Chú nên nhớ là học làm sao từ chưa thuộc mặt chữ đến thuộc làu, đánh làm sao cho từ chậm đến thật nhanh.
Chú Lâm dạ rồi tiếp tục học. Đến lần thứ hai, thứ ba cũng vậy. Qua lần thứ tư chú mới nhuần nhuyễn thuộc làu. Học xong hai chữ ư, ơ, thầy nói:
– Thôi hôm nay học bấy nhiêu đủ rồi.
Chú Lâm ngước lên nhìn thầy có vẻ khẩn khoản:
– Xin thầy dạy con học thêm ít chữ nữa. Giờ này còn sớm lắm.
– Từ từ mà học. Ăn cái gì cũng phải cho nó có thời gian tiêu hóa nữa chứ. Coi chừng “dục tốc bất đạt” đấy.
Chú lưỡng lự chưa muốn rời khỏi bàn máy:
– Bạch thầy, học như vậy biết chừng nào con mới đánh được như thầy?
Thầy hơi nhếch môi cười. Tâm lý nôn nóng của chú Lâm chẳng khác gì thầy trước kia. Thích cái gì là muốn làm cho bằng được. Thầy nhắc nhở:
Nghe thầy nói có lý, chú Lâm vui vẻ đứng dậy chắp tay xá chào rồi lui ra. Từ đó mỗi buổi chú học khoảng một giờ và thuộc từ hai đến bốn chữ. Sau mỗi buổi học, những lúc rảnh rỗi chú gợi lại những chữ đã học và nhịp nhịp ngón tay như là mình đang ngồi đánh trước bàn máy. Do chuyên tâm như vậy, khoảng ba tháng sau chú đã đánh thông thạo không thua kém gì thầy.
Một hôm, chú đang ngồi đánh máy một cách say mê. Những ngón tay thoăn thoắt lướt nhẹ trên bàn máy và tiếng đánh máy liên tục giòn như bắp rang. Chợt tiếng thầy thư ký vang lên khi bước vào phòng:
– Chu choa, hôm nay đánh máy khá quá!
Lúc đó chú Lâm rùng mình vì lời khen của thầy. Bây giờ chú mới nhận ra mình đã đạt đến trình độ khá cao. Thật xứng đáng với lòng kiên nhẫn học tập của chú. Có đôi lần đánh máy, chú thấy dường như thân tâm mình đã hòa cùng chiếc máy thành một dòng trôi chảy liên tục, lúc ấy ý thức không còn phân biệt như trước nữa. Chú đánh máy mà không còn thấy mình đánh máy. Từ bài học kinh nghiệm thực tế này, chú nghĩ đến pháp môn Tịnh độ trì danh hiệu Phật, nếu mỗi ngày mình chịu khó huân tập chủng tử Phật danh thì chắc chắn không bao lâu sẽ đạt đến nhất tâm bất loạn. Lúc ấy niệm đã thuần thục rồi thì khi niệm mà không thấy mình niệm, không niệm nhưng vẫn niệm. Chú mỉm cười sung sướng vì nhận ra được chân lý này và nói:
– Đúng là “Tất cả pháp đều là Phật pháp”.
Trích từ sách “Chuyện bình thường”