Truyện ngắn: Đổi tranh luận lấy chỗ ngủ

Tôi giơ ba ngón tay, biểu hiện Phật, Pháp và Tăng, sống an hòa với nhau

doi-tranh-luan-lay-cho-ngu

Bất kỳ vị sư hành hương nào có thể thắng một tranh luận về Phật pháp với các sư sống trong một ngôi chùa đều có quyền ngủ lại trong chùa. Nếu thua, vị sư sẽ phải đi tiếp.

Trong một ngôi chùa ở vùng bắc nước Nhật có hai vị sư anh em đang sống với nhau. Người anh học rộng, nhưng người em thì dốt và chỉ có một mắt.

Một vị sư hành hương đến và xin ngủ nhờ, xin được tranh luận về giáo pháp cao thâm. Sư anh đã mệt vì phải học cả ngày hôm ấy, bảo sư em ra đấu thế. Sư anh cẩn thận dặn dò: “Đi ra và yêu cầu một cuộc đối thoại thầm lặng.”

Sư em và sư khách vào chánh điện và ngồi xuống.

Một lúc sau vị sư hành hương đứng dậy, vào gặp sư anh và nói: “Em của thầy quá hay. Đã thắng tôi.”

“Kể lại cho tôi nghe cuộc đối thoại,” sư anh hỏi.

“Vâng,” vị sư hành hương nói, “trước hết tôi giơ một ngón tay, biểu hiện Phật, người giác ngộ. Em thầy giơ lên 2 ngón, nói về Phật và Phật pháp. Tôi giơ ba ngón tay, biểu hiện Phật, Pháp và Tăng, sống an hòa với nhau. Rồi em thầy đưa nắm đấm vào mặt tôi, ‎ ý nói cả ba đều là một. Cho nên anh ấy thắng và tôi không có quyền ngủ lại đây.” Nói vậy rồi, sư hành hương ra đi.

“Anh chàng đó đâu rồi?” sư em chạy vào hỏi anh.

“Anh nghe là em thắng cuộc tranh luận rồi.”

“Thắng cái gì! Em phải đập cho hắn một trận.”

“Nói cho anh nghe đề tài tranh luận thế nào,” sư anh hỏi.

“Sao, mới thấy em hắn đã giơ lên một ngón tay, sỉ nhục em, ý nói là em chỉ có một mắt. Vì hắn là người lạ, em nghĩ là em nên lịch sự với hắn một tí nên em giơ hai ngón tay, chúc mừng hắn có hai mắt. Nhưng anh chàng bất lịch sự lại giơ ba ngón tay, ‎ ý nói cả hai người chúng ta chỉ có 3 con mắt. Vì vậy em nổi nóng và bắt đầu đấm hắn, nhưng hắn bỏ chạy cho nên hết đối thoại!”

Bình:

• Theo truyền thống Nhật các vị sư thường đi hành hương khắp nơi, thăm các chùa chiền cũng như các vị thầy lớn. Nếu là sư trẻ, thì thầy ra lệnh hành hương như là một loại tu tập. Nếu là sư thầy thì tự ‎ đi hành hương để học hỏi thêm và hành đạo trên đường đi. Tương truyền, các chùa ở Nhật có truyền thống đấu pháp đổi chỗ ngủ như trong truyện này.

• Ta chỉ nghe và thấy những gì tâm ta nghe và thấy. Một sự việc trước mắt, mỗi người chúng ta vẫn thấy và nghe khác nhau vì tâm ta khác nhau.

• Tâm của ta thường thấy điều gì ta say mê hay bị ám ảnh nhiều nhất. Sư có tâm Phật thì thấy gì cũng là Phật pháp. Vị sư chột mắt bị ám ảnh bởi chột mắt nên diễn giải mọi sự là chuyện chột mắt.

• Vì vậy, đừng chấp vào điều ta hiểu, vào cái ta nghe thấy, để mà tranh cãi nhau, vì đó chi là ông nói gà bà hiểu vịt. Phật gia gọi là đừng chấp vào “danh sắc”.

• Chân lý rốt ráo là: Tất cả đều là một.

Phât, Pháp, Tăng là một. Phật pháp và chột mắt là một. Thần phục và đánh nhau cũng là một. Tất cả mọi khác biệt chỉ là những lọn sóng trên bề mặt của đại dương chân lý.

Nhất thiết pháp giai không. Tất cả đều là Không.