Trực tâm, thâm tâm và Bồ-đề tâm

Hàng năm, cứ mỗi độ sen nở tỏa hương thơm ngát, là báo hiệu mùa Phật đản đã về trong lòng người con Phật khắp năm châu. Đón mừng ngày Đản sanh của Đức Phật, gợi lên trong tâm hồn chúng ta hình ảnh thuần thiện của một bậc đại Giác ngộ mang ánh sáng tình thương, trí tuệ và giải thoát đến mọi người.

 

Kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Từ phụ, chúng ta hãy làm sáng tỏ những lời giáo huấn và dõi theo những việc làm xả kỷ vị tha của Ngài cùng giáo đoàn và lấy đó làm kim chỉ nam trên bước đường tiến tu giải thoát, phục vụ đạo pháp, phục vụ dân tộc.

Nguồn sinh lực của Chánh pháp không phải chỉ tìm thấy trong tam tạng kinh điển mà chính là sự thể nghiệm chân lý trong đời sống của Đức Phật. Trong thời Đức Phật tại thế, các đệ tử chỉ cần nương vào đạo phong của Ngài mà tu tập, chứng ngộ dễ dàng. Nhân cách siêu tuyệt của Đức Phật đã cảm hóa nhân loại một cách nhiệm mầu. Cho đến hơn 25 thế kỷ sau khi Ngài vào Niết-bàn, tư tưởng thánh thiện và việc làm vì an lạc cho nhân sinh của Ngài vẫn còn chỉ đạo cho sự sống cao đẹp, an vui, giải thoát của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và toàn thể Tăng Ni, Phật tử trên khắp năm châu nói chung.

Đức Phật quả là một nguồn sống đạo đức vô tận. Thế nhưng Ngài là một vị Thầy độc nhất trong những nhà sáng lập các tôn giáo đã không tự xưng là gì khác hơn một con người. Đức Phật phủ nhận tư cách đấng cứu thế của Ngài, hay một sự mặc khải từ bất cứ một vị thần linh nào khác. Đức Phật dùng một thí dụ để định rõ vị trí của Ngài trong thế giới loài người ở đoạn kinh Anguttara Nikaya như sau:

Như hoa sen đẹp đẽ và dễ mến,

Không nhiễm ô bùn nhơ nước đục,

Giữa đám bụi trần, Ta không vướng chút bợn nhơ,

Như vậy Ta là Phật.

Trước khi thành đạo, Ngài là một con người như bao nhiêu người khác. Qua một quá trình tu hành, chuyển đổi sinh hoạt tinh thần đến điểm cao nhất ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài mới được tôn kính là Phật. Từ một người bình thường, Ngài đã vượt lên thành người phi thường, hiếm có trên cuộc đời này, như hoa sen vươn lên khỏi bùn nhơ nước đục. Nhân cách của Ngài siêu việt như vậy, chúng ta không cần phải tô điểm, thần thánh hóa Đức Phật. Tự Ngài đã thể hiện một hình ảnh sống thật toàn thiện, toàn mỹ từ tinh thần cho đến lời nói, việc làm trong suốt 49 năm giáo hóa độ sanh.

Sự hiện hữu của Đức Phật ở cõi Ta-bà không ngoài mục đích cứu khổ chúng sanh và mang lại hạnh phúc, an vui cho mọi người.

Sự hiện hữu của Đức Phật ở cõi Ta-bà không ngoài mục đích cứu khổ chúng sanh và mang lại hạnh phúc, an vui cho mọi người.

Từ khi còn là Thái tử, chúng ta đã thấy Ngài thể hiện tư cách của người mang chí lớn. Mọi cám dỗ chung quanh không tác động được Ngài. Ngài có tất cả những ưu đãi mà người thế gian ham muốn, như sanh ra trong một gia đình vua chúa, thông minh nhất, đẹp nhất, nhiều quyền thế nhất, giàu sang nhất.

Trong cuộc sống, dẹp bỏ được mọi dục vọng vị kỷ là việc không đơn giản; nhưng Ngài đã từ chối một cách dễ dàng. Thái tử Sĩ Đạt Ta đã nói rằng: “Ta xem tước vị vương hầu như bụi qua khe cửa; xem châu báu, vàng bạc, ngọc ngà như ngói gạch; xem y phục, tơ lụa như vải thô xấu…”. Ngài không giống như người tầm thường, không đắm nhiễm những cái mà loài người ham muốn. Trái lại, điểm đặc biệt của Ngài không phải chỉ thấy một mặt giả tạm của sự vật, mà thường nhìn thấy cả bề trái của sự vật. Những gì phàm phu say đắm, Ngài lại thấy đó chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài có tính chất tạm bợ mà thôi. Chẳng hạn nhìn một vũ nữ đẹp, Thái tử thấy được sự tàn tạ sau khi chấm dứt cuộc vui, hay chỉ là một túi da đựng đồ hôi thối. Hoặc Ngài thấy sự an bài trật tự xã hội của Bà-la-môn giáo áp đặt cho mọi người là một điều mâu thuẫn lớn lao…

Vì vậy, Đức Phật dạy sự vật thế nào thì chúng ta phải nhìn thấy đúng như thật, đừng tô điểm thêm, đừng thấy khác. Kinh của Đức Phật luôn luôn đặt vấn đề thấy và hiểu lên trên hết. Và sự chứng ngộ của đạo Phật có nghĩa là đã thấy chân lý, đã thể nhập chân lý, đã thấy được sự vật đúng như sự thật của nó. Con đường tìm ra chân lý của Đức Phật vì thế gọi là con đường như thị tri kiến.

Sự hiện hữu của Đức Phật ở cõi Ta-bà không ngoài mục đích cứu khổ chúng sanh và mang lại hạnh phúc, an vui cho mọi người. Trong kinh Tạp A-hàm, Ngài đã xác định rằng: “Con người phi thường đã xuất hiện ở thế gian vì lợi ích cho chúng sanh, vì lòng thương xót cho đời, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”. Hoặc trong kinh Pháp hoa có nói: “Đức Phật ra đời vì một mục đích duy nhất là hướng dẫn chúng sanh phát triển trí tuệ, để được thành Phật giống như Ngài, không khác”.

Đức Phật là một người toàn thiện, vì song song với đạo đức thuần tịnh, Ngài đã phát triển trí tuệ đến mức độ cao siêu. Qua bài kệ của Trung bộ kinh, chúng ta biết rằng không có vị thầy nào dạy cho Đức Phật đạt đến quả vị Toàn giác:

Ta không có Đạo sư,

Bậc như Ta không có,

Giữa thế giới nhân thiên,

Không có ai bằng Ta.

Ngài cũng không theo học thuyết nào để phát triển trí tuệ. Trái lại, với năng lực phi thường, tâm hồn trong sáng, định lực kiên cường, ý chí sắt đá, Ngài trải qua bao tháng năm hành trì, tu luyện. Trong đêm thành đạo, hào quang trí tuệ của Ngài đã xóa tan bóng tối vô minh, tiêu diệt hoàn toàn lậu hoặc. Ngài đã trở thành một bậc Giác ngộ toàn diện.

Với tâm từ vô lượng, đức hạnh vị tha không cùng, Đức Phật đã hiến dâng cuộc đời cho việc phục vụ chúng sanh. Trên bước đường hành đạo, Ngài đến với tất cả mọi người. Thực tế cho thấy bất cứ nơi nào hiện hữu hình bóng Ngài, nơi đó được an lạc. Chúng sanh nào được Ngài hóa độ, chắc chắn sống an vui, giải thoát.

Qua 49 năm hoằng hóa độ sanh, những lời dạy của Đức Phật là tiếng chuông giải thoát, truyền thông vào tri thức con người, giúp cho mọi người tỉnh thức trước thực tại khổ đau. Từ đó, họ nhận thấy được nguyên nhân của khổ, phương pháp diệt khổ để tự giác ngộ và giải thoát. Trang nghiêm thân tâm bằng đức hạnh từ bi, trí tuệ và những việc làm thánh thiện, Ngài đã là biểu tượng quy ngưỡng của chúng ta qua lịch sử dài hơn 2.500 năm.

Đức Phật trở thành con người bất tử như vậy, vì lấy chúng sanh làm Tịnh độ của Ngài. Nghĩa là Ngài xem sự an lành của người xung quanh là sự an lành của chính mình, lấy sự giải thoát của chúng sanh làm giải thoát của mình. Thật vậy, Đức Phật dạy trưởng giả Bảo Tích phương pháp xây dựng Tịnh độ trong kinh Duy Ma, phẩm Phật quốc như sau: “Này Bảo Tích, tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát. Bồ-tát nguyện lãnh lấy cõi Phật, chẳng phải ở nơi Không. Bảo Tích, ông nên biết trực tâm là Tịnh độ của Bồ-tát, thâm tâm là Tịnh độ của Bồ-tát, Bồ-đề tâm là Tịnh độ của Bồ-tát; bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ là Tịnh độ của Bồ-tát; Tứ vô lượng tâm, Tứ nhiếp pháp, 37 phẩm trợ đạo là Tịnh độ của Bồ-tát. Tự mình giữ giới hạnh, không chê chỗ kém khuyết của người khác là Tịnh độ của Bồ-tát. Này Bảo Tích, Bồ-tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho tâm được thanh tịnh; theo chỗ tâm được thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh…”.

Qua đoạn kinh trên, khởi điểm Phật dạy Bảo Tích xây dựng thế giới an lành bằng trực tâm. Có tâm chánh trực, người Phật tử biết sống thành thật với chính mình và với người chung quanh. Mỗi người chúng ta dám nhìn thẳng vào bộ mặt thật của mình, tự hỏi rằng mình có thực sự diệt trừ hết mọi ganh ghét, đố kỵ, thù hận hay chưa. Bằng tâm chân thật, không dua dối, chúng ta phải quay về bản thân để quan sát, để chiêm nghiệm. Nhận thấy rõ tâm thức chúng ta gồm đủ hạt giống thiện và ác, từ đó cố gắng tinh tấn thực hành sự cải thiện nội giới. Cải thiện tốt đẹp càng nhiều bao nhiêu, càng sáng suốt bấy nhiêu. Sáng suốt giúp ta bình tĩnh, không còn mờ mắt trước những cám dỗ của ngoại giới. Nhờ đó, hành động luôn luôn được hướng dẫn bằng tâm ngay thật, sẽ tạo niềm tin tưởng của những người xung quanh. Và họ sẽ đến với ta bằng chân tình. Nghĩa là thế giới tin yêu, an lành đã mở ra cho chính mình và cho mọi người.

Trang nghiêm bằng tâm thành thật và cuộc sống chân thật rồi, Đức Phật dạy chúng ta thâm tâm là Tịnh độ của Bồ-tát. Nghĩa là chúng ta luôn thao thức và quyết ý cứu tất cả chúng sanh. Thâm tâm này chính là bổn hoài của Đức Phật Thích Ca khi Ngài hiện hữu trên cuộc đời này. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng, Đức Phật cũng nhắc lại rằng:

“… Ta thường biết chúng sanh

Hành đạo chẳng hành đạo

 Tùy chỗ đáng độ được

Vì nói các pháp môn

Hằng tự nghĩ thế này

Lấy gì cho chúng sanh

Được vào huệ Vô thượng

Mau thành tựu thân Phật”.

Như vậy, đối tượng chân chính của đạo Phật là con người, là xã hội và cứu cánh là làm cho mọi người được giác ngộ, giải thoát mọi khổ đau.

Trang bị bằng thâm tâm nhằm cứu khổ ban vui cho chúng sanh, chúng ta phải biết thương yêu mọi người. Tình thương này được thể hiện bằng những hành động cụ thể, như bảo vệ lẫn nhau, đùm bọc nhau, cứu trợ những người đói khổ, an ủi những người bất hạnh, bênh vực những người cô đơn yếu thế và nhân từ với những người dưới…

Tinh thần thương yêu đồng loại của Đức Phật đã hòa hợp, ăn sâu vào lòng dân tộc Việt Nam, thể hiện qua câu “Thương người như thể thương thân”. Sống với lòng từ bi, với tình thương, chúng ta sẽ có được cảnh giới an vui, hòa hợp, đoàn kết.

Tình thương càng mở rộng, chí nguyện sẽ theo đó lớn thêm. Từ bi là động lực chính đưa đến mọi sự hy sinh cao cả, nhằm phục vụ cộng đồng xã hội, phục vụ nhân loại. Nơi nào có từ bi, nơi đó lửa hận thù bị dập tắt và hoa tình thương sẽ nở trong lòng người. Đức Phật dạy trong kinh Pháp cú rằng: “Ta nên lấy từ bi thắng lướt hận thù; lấy lòng tốt đối lại với sự xấu xa; lấy bác ái đối lại ích kỷ và lấy sự chân thật đối lại gian tà”. Chúng ta tích cực sử dụng năng lực từ bi soi sáng vào đời, để cải thiện con người, chuyển hóa cuộc đời, xây dựng xã hội tình người, tạo cuộc sống an vui và hòa bình trên thế gian.

Muốn thể hiện thâm tâm có hiệu quả, cần trang bị thêm Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm là trí giác, là khả năng nhận thức sáng suốt, hành động sáng suốt, lợi cho mình cho người. Đạo Phật được xem là đạo của trí tuệ. Có trí tuệ, mới nhận thức và hành động đúng đắn.

Cái thấy bằng Pháp nhãn của người đã chứng ngộ chân lý được diễn tả như sau: “Người nào đã thấy chân lý, đã biết chân lý, đã nhập vào chân lý, đã vượt qua hoài nghi, người ấy không còn do dự. Với trí tuệ chân chính, người ấy thấy sự vật đúng như thật”. Điểm này là phản ứng tư tưởng tích cực nhất đối với giáo lý Bà-la-môn thời ấy. Họ bắt buộc mọi người phải tin tưởng và cúi đầu chấp nhận truyền thống về quyền thống trị của họ như một chân lý độc nhất.

Với trí tuệ soi sáng, chúng ta sẽ phá tan được thành trì tà kiến cực đoan, có được cái nhìn bao dung, phổ cập. Nhờ vậy, không cục bộ, không bè phái và gạt bỏ được những vướng mắc còn sót lại, để hòa hợp và đoàn kết, cùng phục vụ đoàn thể, xã hội, cộng đồng nhân loại.

Xa hơn nữa, Đức Phật dạy, với sự rọi sáng của trí tuệ, chúng ta nhận thức được không có gì khác biệt giữa con người với con người và với vạn vật; huống chi là có giai cấp, có màu sắc địa phương. Vì muôn pháp trong vũ trụ cùng một thể tánh như nhau. Sự đồng nhất này là nguyên lý tất yếu đưa đến sự hòa hợp, an lạc và đoàn kết của mọi người trong xã hội.

“Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Lời dạy này của Đức Phật chẳng những khẳng định nguyên tắc bình đẳng tuyệt đối làm nền tảng cho sự nỗ lực vươn lên của con người, mà còn mang tính chất nhân bản, cao thượng. Nó xác định quyền làm chủ vận mệnh và tự quyết định tương lai của mỗi người bằng tinh thần tự lực, khả năng sẵn có của chính họ.

Trong lịch sử nhân loại, A Dục vương, một vị vua cai trị lỗi lạc của nước Ấn Độ. Với đức tin kiên cố và kiến giải đúng Chánh pháp, ông đã áp dụng lời dạy của Đức Phật về hòa bình và yêu thương trong việc cai trị. Lúc đầu, ông theo gương vua cha và ông nội, xâm chiếm nước Kalinga. Hàng ngàn người bị giết, bị thương, bị tra tấn trong trận chiến này. Nhưng về sau, khi trở thành Phật tử, ông hoàn toàn thay đổi việc làm. Không những từ bỏ chiến tranh, ông còn nhắn nhủ con cháu rằng: “Con ta và cháu ta sẽ đừng nghĩ về một cuộc chinh phục nào khác nữa xem như đáng làm. Chúng hãy chỉ nghĩ đến một sự chinh phục độc nhất, sự chinh phục bằng đạo đức. Điều này lợi ích cho đời này và cả đời sau”.

Đây là tấm gương sáng của vị hoàng đế đã thể nghiệm ba tâm căn bản nêu trên và ông đã kiến tạo cõi Tịnh độ ngay trên nhân gian này. Thật vậy, ông đã quay lưng lại với chiến tranh bạo lực, để đón nhận thông điệp tình thương, trí tuệ và hòa bình. Toàn lãnh thổ đều được hòa bình dưới sự lãnh đạo nhân từ của ông.

Ngoài trực tâm, thâm tâm và Bồ-đề tâm tạo thành Tịnh độ của Bồ-tát, Tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả cũng là yếu tố tạo nên cảnh giới an lạc. Vì vậy, đạo Phật còn được gọi là đạo từ bi, hỷ xả, vô ngã vị tha.

Tâm hồn Phật lộng gió muôn phương, bao dung tất cả mọi người. Theo Phật, lòng từ trải ra tình yêu vô hạn với mọi loài chúng sanh, thường được ví như tình mẹ thương con như biển hồ lai láng. Lòng bi thường khởi tâm đau xót, trắc ẩn đối với chúng sanh tràn đầy khổ đau. Tâm hỷ mang niềm vui cho người, hoặc có thiện cảm trước sự thành công và hạnh phúc của người. Tâm xả là đối diện với sự thăng trầm của cuộc sống bằng tâm hồn thanh thoát, an tĩnh.

Kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Thế Tôn, chúng ta tiếp nhận Tứ vô lượng tâm của Phật dạy và hành đạo dưới sự hướng dẫn của trực tâm, thâm tâm, Bồ-đề tâm. Được như vậy, chúng ta kiến tạo ngay trên nhân gian này một xã hội nơi đó ngu si, tham lam, ghét ganh không làm ô nhiễm tâm trí con người. Nơi đó mọi người sống hạnh phúc, an bình và cùng hướng về mục đích cao cả nhất là sự chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

HT.Thích Trí Quảng