Trữ tình và tự do cùng Im lặng…

Tập sách "Im lặng như lời chia tay" của Giáo sư Cao Huy Thuần

Tập sách “Im lặng như lời chia tay” của Giáo sư Cao Huy Thuần

Có thể hiểu, Cao Huy Thuần coi tập sách mang tên “Im lặng như lời chia tay” như là quyển sách cuối cùng của ông, sau 14 cuốn sách đã ghi tên ông như một nhà văn đặc biệt.

“… Cùng với bước chân đi dần đến điểm hẹn cuối cùng, điểm hẹn với im lặng cuối cùng, tôi tìm chút vui với thơ văn để viết về im lặng…”. Giáo sư – tác giả Cao Huy Thuần viết như thế trong cuốn sách mà ông gọi “như một lá thư mỏng, như một lời chia tay”.

Có thể hiểu, tác giả coi tập sách mang tên Im lặng như lời chia tay (Khai Tâm và NXB Đà Nẵng, 2023) như là quyển sách cuối cùng của ông, sau 14 cuốn sách đã ghi tên ông như một nhà văn đặc biệt – điêu luyện, bay bổng với ngôn ngữ và uyên thâm trong tư tưởng, triết luận, trong những câu chuyện nở hoa từ tuệ giác Phật giáo.

Văn chương bác học mà duyên dáng, dí dỏm, tác phẩm của Cao Huy Thuần luôn được nhiều trí thức trong và ngoài nước đón đọc. Nhiều sách của ông được tái bản liên tục. Hồi đáp những độc giả ái mộ và chờ đợi, dù sức khỏe suy giảm bởi tuổi già, ông vẫn cố gắng gửi đến bạn bè và người đọc “lời chia tay” này.

Ông chọn bàn về “Im lặng” và 12 chương sách vừa độc lập vừa kết nối với nhau trong cái nhìn về các biểu hiện, chủ thể của im lặng: Im lặng nói, Im lặng câm, Im lặng của thiên nhiên, Im lặng của tình yêu, Im lặng của Thượng đế, Im lặng của Phật, Im lặng của thiêng liêng…

Ấn tượng đầu tiên về “Im lặng” là thi tính đậm đặc của tác phẩm. Cao Huy Thuần dẫn người đọc đẫm mình vào những bài thơ ông yêu thích, những tuyệt phẩm về im lặng. Độc giả rung cảm cùng tác giả không chỉ bởi thơ hay mà còn vì lời bình uyên áo của người kể chuyện, người đọc thơ Cao Huy Thuần.

Ông đọc ca dao, đọc từ Nguyễn Du, Huy Cận, Xuân Diệu, Đinh Hùng, Lưu Trọng Lư, Tổ Đạo Nguyên, Quách Thoại, thiền sư Đạo Hạnh, Ôn Như Hầu… đến Tagore, Yosa Buson, Kobayashi Issa, García Lorca, Alphonse de Lamartine, Victor Hugo, Alfred de Vigny, Jacques Prévert, Pablo Neruda, Goethe, Hermann Hesse…

Ông thả thơ của họ tự nhiên vào dòng sông ngôn ngữ của mình như thả một bè lau – một bè lau có thể đi từ bờ bên này đến bờ bên kia của tri âm, tri ngộ giữa những tâm hồn lắng sâu với cái Đẹp, với những thiêng liêng của đời sống.

Nhắc thơ của Nguyễn Du – “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, ông dẫn ra triết lý về Nghiệp: “Nghiệp là do mình tạo, cô Kiều nói vậy. Không tạo kiếp này thì đã tạo kiếp trước. Mình làm mình chịu. Mình chịu mình sửa. Tự mình cả. Trời cũng là mình. Con người là ông Trời của chính mình, cô Kiều dũng mãnh thiệt” (chương Im lặng của Thượng đế).

Chữ “dũng mãnh” tác giả dùng cho Kiều thật độc đáo. Đó cũng là cái Dũng ta thường bắt gặp trong các tác phẩm của Cao Huy Thuần, cái dũng chỉ nói điều phải, điều đúng, không mê tín; cái dũng tự mình thắp đuốc lên mà đi của những ai trân trọng và biết trưởng dưỡng các giá trị của Từ bi, Trí tuệ…

Kể những câu chuyện đầy thi vị và nhiều suy ngẫm, tác giả cho ta thấy dù “cuộc đời tầm thường với hư danh và mộng huyễn”; trần gian này vẫn đẹp quá, nhiều im lặng cần nghe ra quá, bởi thiên nhiên, thi ca, nghệ thuật…

Ông truyền được cho người đọc sự đắm say tỉnh táo, lòng tương kính với vẻ đẹp ngôn ngữ, với sự tịnh khiết của thiên nhiên, với “chánh ngữ”, “chánh pháp” mà ông thực tập, đồng hành.

Thiên nhiên cao cả, và chương Im lặng của thiên nhiên có lẽ là một trong những chương hay nhất tập sách. Trích kể lại hai truyện của Alphonse Daudet – Những vì sao và Con dê của cụ Seguin, Cao Huy Thuần viết: “Cả hai truyện đều tắm trong không khí núi non và đồng cổ xứ Provence, mỗi truyện dạy tôi một bài học của thiên nhiên. Thiên nhiên trong bài thứ nhất là “trữ tình”. Thiên nhiên trong bài thứ hai là “tự do”. Đủ cho tôi sống như thế suốt đời”.

Độc giả im lặng chiêm bái thiên nhiên trong sách và lắng lại cùng ông: “…Chúng tôi học được gì từ thiên nhiên ở trong lòng đến thiên nhiên của núi non trời đất? Học nhìn lên, nhìn lên, vươn mình đến tận ngôi sao”…

Trữ tình và tự do cùng Im lặng... ảnh 1

Giáo sư Cao Huy Thuần

Nhà phê bình Huỳnh Như Phương nói Cao Huy Thuần viết văn như thơ. Quả vậy, cả cuốn sách này như một bài thơ, một trường ca vừa trữ tình vừa tự do của tác giả dành cho đời sống mến yêu.

Đời sống mến yêu vì biết bao thiêng liêng. “Thiêng liêng” là chữ ta cũng gặp nhiều ở tập sách bên cạnh “im lặng”. Bởi như tác giả viết, “thiêng liêng thì im lặng”. Thiêng liêng có trong “tiếng chuông Thiên Mụ chạy dài theo sông”, trong “tiếng chuông nhà thờ dội từ tranh vào lòng”, trong tâm cảm sáng mùng 1 Tết, trong “im lặng đến từ bên trong”, trong “im lặng của thiên nhiên”… Và như thiên nhiên, “lòng tin là thiêng liêng”, “phải phân biệt tôn giáo và thiêng liêng” (chương Im lặng của thiêng liêng).

Đời sống đầy thi tính, nhưng không phải vì vậy mà ta cứ vấn vương lưu luyến khi đèn đến lúc cạn dầu. Học tương phùng cũng là học chia tay. Học sống không thể quên học về chết: “Mỗi người mang cái chết của mình trong chính mình như trái cây mang cái hạt” (lời Rilke, chương Im lặng bạc đầu).

Một chút bâng khuâng với cánh hoa rụng, “với bước chân đi dần đến điểm hẹn cuối cùng”, Cao Huy Thuần nhắc ông và cũng nhắc chúng ta: “Quá khứ tương lai đều nằm trong hiện tại. Cứ im lặng mà đi. Thong dong. Tình tang” (chương Im lặng của Phật).

Cảm ơn tác giả vì những thiêng liêng nhẹ bay ông gửi vào đời sống qua văn chương và giữa những im lặng của lời.

Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ của thi ca. Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cữu hóa màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà.

Trích Góp lời cho Im lặng, Huỳnh Như Phương