Trọng thể Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Di tích Quốc gia Ngã Ba Giồng (Hóc Môn, TP.HCM)
Quang cảnh Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn), ngày 27-8 trang nghiêm và trọng thể – Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Sáng nay, 27-8 (24-7-Giáp Thìn), tại Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, TP.HCM) đã diễn ra Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ do Ủy ban MTTQVN H.Hóc Môn phối hợp Ban Trị sự GHPGVN huyện tổ chức, với sự yểm trợ của Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM.
Quang lâm buổi lễ có Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; chư vị giáo phẩm Phó Pháp chủ: Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, Trưởng lão Hòa thượng Tăng Nô; chư tôn Trưởng lão Ban Thường trực, Thành viên Hội đồng Chứng minh.
Hiện diện tham dự còn có Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM; chư vị Ban Thường trực Ban Trị sự TP.HCM và các tỉnh thành lân cận; Thượng tọa Thích Minh Thanh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN H.Hóc Môn; Thường trực Ban Trị sự Phật giáo huyện; chư Tăng Ni tại địa phương.
Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM; cùng các vị nguyên lãnh đạo Chính phủ, nguyên lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội Thành phố; chư vị chức sắc các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, đồng bào Phật tử các giới đồng tham dự.
Đặc biệt hiện diện tại buổi lễ còn có thân nhân các nhà cách mạng đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các chiến sĩ, đồng bào yêu nước đã vị quốc vong thân.
Phát biểu mở đầu buổi lễ, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND H.Hóc Môn, Trưởng ban Tổ chức đã nhắc lại lịch sử hào hùng của H.Hóc Môn và nêu ý nghĩa nhân văn to lớn của Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng năm nay.
“Tinh thần cách mạng của những người chiến sĩ vẫn kiên cường, hơn 80 năm đã trôi qua, đến nay, vẫn còn nhiều người hy sinh tại 3 trường bắn H.Hóc Môn chưa tìm được hài cốt. Quê hương Hóc Môn đã ôm vào lòng những người con ưu tú của đất nước. Buổi lễ hôm nay nhằm để tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các anh hùng, chiến sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa tại Hóc Môn.”, ông Trần Văn Khuyên bày tỏ.
Tiếp đó, Thượng tọa Thích Thanh Phong thay mặt Trung ương GHPGVN và TP.HCM phát biểu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, góp phần làm nên chiến thắng Cách mạng tháng Tám lịch sử. “Ngã Ba Giồng là niềm tự hào và có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc. Buổi lễ đã thể hiện tinh thần tri ân trong mùa Vu lan – Báo hiếu, uống nước nhớ nguồn của các thế hệ con cháu và nguyện noi gương các bậc tiền bối đã hy sinh vì đất nước.”, Thượng tọa nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi lễ, Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã hồi tưởng lại giai đoạn đau thương của đất nước dưới thời bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ. Theo đó, ngài nhắc lại tấm gương các nhà yêu nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm nên sức mạnh đoàn kết trong Cách mạng tháng Tám, khai sinh đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945…
“Trong quá trình khởi nghĩa tại Hóc Môn, mặc dù có nhiều chiến sĩ đã hy sinh, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt nhưng tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc của các anh hùng đã tiếp thêm ngọn lửa cho các cuộc khởi nghĩa về sau và tinh thần ấy vẫn còn sống mãi đến ngày nay. Thế hệ chúng ta phải biết nhớ ơn các chiến sĩ có tên và chưa có tên trong cuộc chiến giành độc lập cho nước nhà; cầu nguyện các anh linh an nghỉ nơi cõi lành.”, Đức Pháp chủ GHPGVN bày tỏ.
Sau đó, Đức Pháp chủ GHPGVN, chư tôn đức Tăng Ni cùng lãnh đạo Thành phố, H.Hóc Môn đã dâng hương tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Ngã Ba Giồng.
Dịp này, Ban Tổ chức đã tặng quà tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và các hộ nghèo tại địa phương.
Theo chương trình, sau lễ tưởng niệm là khóa lễ tụng kinh cầu nguyện và buổi chiều cùng ngày có lễ đăng đàn chẩn tế do Hòa thượng Thích Lệ Trang làm Gia trì sư, cùng chư tôn đức Ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM thực hiện.
Trước đó, Ban Tổ chức đã cử 6 đoàn đến Nghĩa trang liệt sĩ H.Hóc Môn (xã Đông Thạnh), Di tích Văn bia Mậu Thân 1968 (xã Trung Chánh), Di tích Nhà Truyền thống Bà Điểm (xã Bà Điểm), Di tích Bia tưởng niệm Cầu Xáng (xã Tân Hiệp), Di tích Đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại nhà thương Giếng Nước (TT.Hóc Môn) và Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia “Địa điểm Dinh quận Hóc Môn – lưu niệm sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa 23-11-1940” (TT.Hóc Môn) làm lễ chiêu linh, thỉnh anh linh anh hùng liệt sĩ về Khu Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng an vị.
Được biết, Ngã Ba Giồng nằm trên địa phận thôn Xuân Thới Tây thuộc mười tám thôn Vườn Trầu xưa được hình thành từ những năm 1698 đến năm 1731. Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) bị thất bại, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng vùng Hóc Môn – Bà Điểm, nơi phát khởi phong trào khởi nghĩa đầu tiên. Thực dân Pháp đã lập ra ở Hóc Môn 3 trường bắn, Ngã Ba Giồng là trường bắn thứ ba ghi lại tội ác tày trời của thực dân Pháp xâm lược.
Với ý nghĩa lịch sử vô cùng thiêng liêng, sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), H.Hóc Môn đã nhanh chóng khôi phục và tôn tạo Khu Di tích lịch sử cách mạng Ngã Ba Giồng nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ thanh thiếu niên.
Ngày 30-12-2002, Bộ Văn hóa và Thông tin đã ra Quyết định số 39/QĐ-BVHTT công nhận Ngã Ba Giồng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Năm 2005, Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng được xây dựng lại với nhiều hạng mục công trình như: Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày, Quảng trường với ba tượng đài, vườn trầu cau, bằng lăng, ao sen, cây xanh, thảm cỏ và con đường tre, trúc ôm trọn đền thiêng cùng nhiều công trình khác, tạo nên cảnh quan linh thiêng và hài hòa trên diện tích 73.708m2.
Di tích lịch sử Ngã Ba Giồng đã trở thành điểm về nguồn thiêng liêng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống trong những ngày lễ lớn hàng năm của H.Hóc Môn nói riêng và TP.HCM nói chung, đặc biệt là Lễ kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11) hàng năm.
Một số hình ảnh tại lễ tưởng niệm:
Tin: Nguyên Tài – Ảnh: Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ