Một buổi tối, vợ chồng anh chủ quán nước mía ngồi đếm tiền, giật mình nhìn nhau: Tại sao những buổi trước chạy mỏi chân, buổi nay thong thả hơn nhiều, mà tiền thu về chỉ kém hơn một chút? Quán có 5 người, liệu có ai bỏ túi riêng không? Một câu hỏi xấu xí bất ngờ hiện ra.

Người ta không tin rằng nhà nọ lại vô tư cho người khác mượn mặt tiền để kinh doanh. Họ bảo nhau: Chắc phải thu được khoản tiền kha khá. Thậm chí khi nhà nọ đính chính, người ta lại nghĩ ra một lý sự khác: Kiểu gì cuối năm cũng được hậu tạ kha khá!

Ảnh minh họa. Nguồn: Pxfuel

Một cô chủ nhà hàng tặc lưỡi khi có người nêu nghi ngờ nhân viên phụ trách việc mua thực phẩm hàng ngày khai giá cao hơn để đút túi khoản chênh lệch: Thì cho nó kiếm một tí!

Chính tôi, một buổi tối đi làm về, lướt qua một người đàn ông chớm tuổi già đứng bên lề đường vẫy tay xin đi nhờ xe. Tay ga tôi khựng lại, não bộ bỗng làm việc rất nhanh: Ông già kia có phải xin đi nhờ thật không hay là kẻ lừa đảo nhập vai; nếu cho ông ta lên xe, nhỡ mình bị cướp thì sao?

Chỉ trong một thoáng mà tôi kịp nghĩ ra nhiều tình huống. Tệ nhất, đều là những tình huống tiêu cực. Khi xe lướt qua ông già, tôi giật mình nhận ra điều đó. Tôi đi chậm lại, phân vân nghĩ có nên quay lại đón ông không. Nhưng rồi tôi đã đi thẳng.

Tôi bị ám ảnh về sự xấu xí của bản thân khá lâu. Mỗi khi nhớ về chuyện đêm nọ, tôi tự biện minh cho mình rằng việc tôi không giúp đỡ ông già đó là khôn ngoan, bởi biết đâu…

Tại sao tôi đã trở thành người xấu? Tại sao niềm tin vào con người lại ít ỏi đến thế?

Hầu như không ngày nào người ta không phải đối diện với sự ngờ vực. Sự nghi ngờ thường trực nhất có lẽ luôn trong đầu những người đi mua thực phẩm. Có bao nhiêu người hoàn toàn tin rằng những thực phẩm mà người bán luôn khẳng định là “sạch”, là “của nhà”, thực sự đúng như thế?

Trên đoạn đường trước cửa nhà tôi, có lần xảy ra vụ tai nạn xe máy. Trong lúc nạn nhân đang choáng váng nằm trên đường, nhiều người chạy đến giúp đỡ, cả người đi đường và người dân quanh đó. Có hai thanh niên xăng xái thu dọn xe cộ, túi xách của nạn nhân, nhanh miệng nhận là người quen. Tới khi nạn nhân tỉnh hồn thì cả xe và túi đã biến mất. Khi đó mọi người mới biết hai người nhanh nhảu nhiệt tình kia hóa ra là bọn cướp.

Mỗi khi đọc tin có người không giúp đỡ người bị tai nạn trên đường, tôi và chắc là nhiều người khác sục sôi căm giận kẻ vô tình. Mỗi khi đọc tin có người bị đánh sau khi giúp đưa người bị thương đi cấp cứu vì người nhà nhầm tưởng người đó là thủ phạm, tôi và chắc là nhiều người khác sục sôi căm giận kẻ hồ đồ. Bình tĩnh lại, nghĩ thêm một chút, tôi nhận ra làm người tốt thời nay không hề dễ dàng.

Bởi, con người đã mất niềm tin vào nhau quá, đến độ số đông không còn tin vào sự tử tế một cách vô vụ lợi. Nguy hiểm hơn, người ta coi việc nghi ngờ người khác là đương nhiên, coi việc người khác không trung thực với mình là đương nhiên.

Trường hợp cô chủ nhà hàng không phải hiếm. Tôi biết nhiều người tin rằng cứ làm quan là sẽ ăn hối lộ, cứ là cảnh sát giao thông thì quen thói chặn xe ăn tiền, cứ được giao đi mua hàng thì sẽ có cơ hội ăn bớt, cứ giúp người là phải được báo đáp/để được báo đáp…

Từ khi nào con người không tin nhau nữa? Tại sao người ta không tin nhau nữa? Tôi chắc nhiều người đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Nhưng tại sao ở nhiều nước, người ta vẫn có thể xin đi nhờ xe người lạ trên đường?

Suy nghĩ của cô chủ nhà hàng ám ảnh tôi. Tôi loay hoay với câu hỏi về thái độ của xã hội với sự dối trá. Khi con người chấp nhận sự giả dối, đó là một sự suy thoái đạo đức. Khi con người coi sự giả dối là đương nhiên, đó là sự suy thoái đạo đức đến mức tột cùng.

Xã hội sẽ đi về đâu khi con người cạn kiệt niềm tin vào nhau? Một xã hội tạo ra và dung dưỡng sự nghi kỵ không thể là một xã hội thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh. Sự tiến bộ, văn minh chỉ có được khi xã hội hướng tới sự trung thực và liêm sỉ, coi trọng sự trung thực và liêm sỉ. Tất nhiên xã hội nào cũng tồn tại sự dối trá, nhưng nó phải thuộc về thiểu số, phải bị lên án thay vì chấp nhận hay coi là mặc nhiên.

Tôi hỏi một người bạn nếu gặp người bị nạn trên đường, anh có dừng lại giúp người đó không? Anh ngần ngừ rồi nói rằng anh sẽ gọi 115 (cấp cứu) hoặc cảnh sát. Đó là sự an toàn cần thiết để vẫn có thể giúp người mà không mang vạ vào thân. Anh có cho người lạ đi nhờ xe không? Nếu tôi đi một mình thì chắc chắn không – anh khẳng định luôn.

Sự thất bại của niềm tin vào con người quả là đáng sợ.

Tôi nhận ra bạn mình đang ngập ngừng trong sự tin/không tin, đang ngập ngừng giữa ranh giới sống có trách nhiệm hay ngả theo lối vô tình.

Có lẽ trong sâu thẳm, ai cũng muốn được tin nhau, muốn tin vào những người xung quanh, muốn tin sự trung thực là giá trị nên được nuôi dưỡng và trân trọng.

Phương Hạ