Trồng một nụ cười: Cùng trẻ thực hành chánh niệm
Quá trình trưởng thành của một đứa thực sự là một chuyến phiêu lưu dài. Và chắc chắn bạn không bao giờ biết hết được điều gì đang chờ đợi mình phía trước, có những vấp ngã, cám dỗ trẻ sẽ phải trải qua.
Khi trẻ đã thực hành chánh niệm thì ý thức được những gì đang diễn ra mỗi phút giây hiện tại, hoàn toàn tập trung vào đó trong tầm kiểm soát. Nó báo trước sự trưởng thành rực rỡ đến không ngờ của con bạn, như mùa xuân chợt đến không một lời báo trước.
Chánh niệm cho phép chúng ta nhận diện những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Thực tập chánh niệm không đòi hỏi chúng ta phải đi tới một nơi nào đặc biệt. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm trong phòng hoặc trên đường đi từ nơi này tới nơi khác. Chúng ta có thể làm những việc mà mình vẫn thường làm – đi bộ, ngồi chơi, làm việc, ăn uống, nói chuyện, chỉ khác ở chỗ là chúng ta làm những việc đó với ý thức trọn vẹn về những gì mình đang làm.
Chánh niệm là một loại năng lượng
Chánh niệm là một loại năng lượng mà chúng ta có thể tự chế tác cho bản thân. Ai trong chúng ta cũng đều có khả năng thở vào, thở ra trong chánh niệm. Ai cũng có khả năng bước đi trong chánh niệm. Sống chánh niệm là điều mà ai cũng có thể làm được, cho nên điều này không có gì quá xa lạ với chúng ta. Trong chúng ta đã có sẵn hạt giống chánh niệm.
Nếu chúng ta biết thực tập, hạt giống chánh niệm ấy sẽ lớn lên và mỗi khi cần đến, năng lượng chánh niệm sẽ có mặt ở đó cho chúng ta. Thực tập chánh niệm sẽ làm cho chất lượng học tập được gia tăng và đồng thời nâng cao phẩm chất cuộc sống của chúng ta. Chánh niệm giúp chúng ta chăm sóc những nỗi khổ, niềm đau trong ta, mang lại bình an, hiểu biết và thương yêu. Chánh niệm còn giúp chúng ta tái lập truyền thông và đưa tới khả năng hòa giải, nhờ đó chúng ta có thể tìm lại được niềm vui sống.
Lợi ích của việc thực hành chánh niệm cùng trẻ em
Thực tập chánh niệm giúp các em biết chú tâm, qua đó nâng cao kỹ năng học tập lẫn kỹ năng cảm xúc – xã hội của các em. Chánh niệm giúp giảm căng thẳng một cách hiệu quả và thúc đẩy “chức năng điều hành” của não bộ, tức khả năng tổ chức công việc, quản lý thời gian, đặt ra ưu tiên và đưa ra quyết định.
Trẻ em – kể cả các em bị chẩn đoán là mắc các chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng – có thể hưởng lợi từ việc học cách tập trung chú ý, trở nên bớt tăng động và phát triển tình thương với chính mình cũng như với người khác.
Hiểu và thương
“Con xin hứa mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.
Con xin hứa mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.”
Có thể tất cả chúng ta đều mang trong mình những vết thương, những niềm đau mà ta đã tiếp nhận từ hồi còn ấu thơ. Vì vậy, con đường trị liệu những vết thương này sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc, hiểu và thương được những đứa trẻ xung quanh ta. Nếu chúng ta không chuyển hóa được những vết thương đó thì chúng ta sẽ tiếp tục trao truyền cho con em của mình hoặc học trò của mình. Khi đó, khổ đau của chúng ta sẽ trở thành khổ đau của các em. Đó là lý do vì sao sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày lại quan trọng đến vậy. Sự thực tập chánh niệm không những giúp cho chúng ta có được sự bền bỉ, không bị kiệt sức, mà còn đồng thời giúp chúng ta chuyển hóa trong chiều sâu tâm thức. Nếu như ta trao truyền sự thực tập này cho một người trẻ thì có khả năng ta cứu vớt được cuộc đời của họ.
Mong rằng cuốn sách Trồng một nụ cười sẽ giúp bạn tưới tẩm và nuôi lớn hạt giống chánh niệm trong khu vườn tâm của mình cũng như của những đứa trẻ mà bạn nuôi dưỡng. Chúc bạn cùng gia đình, trường học và cộng đồng của mình gặt hái được nhiều hoa trái của bình an, hiểu biết và thương yêu.
Nghĩa Phạm