Trồng cây bồ đề

Đối với những ai tìm hiểu đạo Phật mới quen thuộc với cụm từ “trồng cây bồ đề”.

Sự ra đời của cụm từ này gắn liền với sự kiện thành đạo quan trọng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thấy được qui luật đau khổ của cuộc đời không dứt là sinh, lão, bệnh, tử. Bồ tát Tất Đạt Đa quyết định xuất gia tìm chân lý. Qua 6 năm tu khổ hạnh không kết quả. Ngài quyết định chuyển sang phương pháp tu trung đạo một cách vững chắc (không ép xác mà chỉ cần thiểu dục tri túc). Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề (cây đại thụ Tất Bát La) tĩnh tâm chánh niệm và chứng đắc đạo quả. Nhân thành đạo dưới gốc cây này nên gọi là cây Bồ Đề. Lòng từ bi của Ngài tỏa rộng khắp vạn loại sanh linh, cỏ cây, đất đá, núi sông, khe biển,… Cây Bồ Đề trở nên linh thiêng, được ẩn dụ cho những ai có tâm lành, hướng thiện, hướng thượng, học theo tấm gương của Ngài, làm nhiều điều lợi ích cho mọi người gọi là phát tâm Bồ Đề hay còn gọi là trồng cây Bồ Đề.

Chúng ta thấy cõi thế gian, việc trồng cây thuần túy là ra hoa, kết quả như trồng lúa gặt lúa; trồng khoai ra khoai; trồng xoài ra quả xoài,… Đến mùa thu hoạch thu vén nuôi sống gia đình. Nếu biết Phật pháp sẽ biết chia sẻ với cộng đồng (cúng dường, bố thí, từ thiện,…) ta gọi là trồng cây Bồ Đề, sẽ có hạnh phúc lớn, tròn đầy, viên mãn của một kiếp người. Điều cần nhớ: tự mình không biết mình là một điều tai hại lớn lao. Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình người.

Với Phật pháp, trồng cây Bồ Đề là những nấc thang, từng bước đưa chúng ta đến cảnh giới an lành, niềm vui giải thoát khỏi biển khổ luân hồi sinh tử. Trồng cây Bồ Đề giống như là mạch nước nguồn xuyên suốt chảy đối với người giác ngộ hay được cơn gió pháp lạc thoảng qua là lặng lẽ gieo mầm. Những ai chưa biết trồng cây Bồ Đề tương tự được xem là người mê muội.

Nam Mô A Di Đà Phật. Ảnh minh hoạ.
Nam Mô A Di Đà Phật. Ảnh minh hoạ.

Chùa chiền khắp nơi còn quý thiện nam tín nữ Phật tử đủ mọi sắc thái. Để giúp mọi người thực hiện được lời Phật dạy, tưới tẩm, chăm sóc cho cây Bồ Đề xanh tốt mãi, đòi hỏi Sư Phụ và quý Thầy phải hi sinh cao cả, phải dấn thân, nỗ lực liên tục với bước chân bản lĩnh mới thành tựu được, bởi lẽ đây là con đường rất khắc nghiệt, đầy cam go, thử thách, tuy rất mệt mỏi nhưng vẫn không chùn bước:

Bước đường du hóa độ sinh

Nơi nào Thầy đến bình minh rạng ngời

Cả đời hoằng pháp độ tha

Mỗi chân Thầy bước nở hoa sen vàng.

(Thích Chân Tính)

Dù có ngao du sơn thủy hay làm khách lãng tử phong trần, một ngày nào đó cũng mỏi gối, dừng chân, chiêm nghiệm cuộc đời rồi tầm sư học đạo.

Trồng cây Bồ Đề chính là tích trữ công đức, phước báu cho đời này và đời sau. Chúng ta không sợ dư thừa phước đức chỉ sợ rằng chưa đủ phước đức mà thôi. Người tu tập là biết tự nhắc nhở mình nên làm những gì lợi lạc cho mình và cho người. Cần quán chiếu nội tâm mỗi ngày, triệt tiêu bản ngã (cái tôi) mới thoát được phiền não, lúc này cây Bồ Đề mới ra hoa kết quả như câu nói của ông cha xưa: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ra được chọn cách mình sẽ sống” và có lẽ câu chuyện đức Phật xâu kim là bài học sống động cho cả người tại gia và xuất gia. Câu nói của đức Phật “chính Như Lai cũng cần phước đức” cho chúng ta thấy ai ai cũng cần đến phước đức.

Có Phật tử nói rằng sau những ngày tháng lăn lộn với đời đầy mệt mỏi, ồn ào, bon chen. Thời gian nghỉ Tết muốn đến chùa tìm lại những giờ phút thanh tịnh, cần lắng đọng tâm tư để được đọc những câu pháp ngữ, thâm nhập những câu kinh Phật, được nghe những bài thuyết pháp nhằm cân bằng lại thân tâm, lấy lại sức sống mới cho những chuỗi ngày kế tiếp. Để hiểu và thực hành Phật pháp cho đúng. Đó chính là trồng cây Bồ Đề, vun trồng cội phước cho chúng con, như câu ngạn ngữ Mỹ đã viết: “Sắc đẹp là hoa còn đạo đức là quả của cuộc đời”.

Đức Phật Thích Ca với trí tuệ vô hạn và bi tâm vô lượng đã lưu lại nhân gian một di sản văn hóa vô cùng trân quí. Chánh pháp của Ngài được Sư Phụ và quý Thầy hoằng truyền tích cực nhằm mang lại lợi lạc cho quần sinh. Là đệ tử Phật, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Chắc hẳn ai cũng ước ao, khao khát có được hạnh phúc vĩnh viễn là được về cõi Phật. Không có con đường nào khác hơn chính là thực hành trồng cây Bồ Đề, chuyên tâm tu tập, tự tại niệm Phật, lần từng hạt trong xâu chuỗi với mong mỏi kết nối vào thế giới tâm linh, với 10 phương chư Phật để cõi lòng được bình an, không còn sợ khổ đau, lênh đênh, phong ba bão táp ngay trong cõi ta bà này.

Nguyễn Thanh Thảo