Trổ bông
Tôi nghĩ mình là một đứa trẻ may mắn khi ngay từ nhỏ đã có cơ duyên tiếp xúc với Trong trí nhớ non nớt của mình thì đạo Phật là hình ảnh ngôi chùa làng đơn sơ với hình bóng ông từ vô cùng hiền lành thường xoa đầu cho tôi trái quýt mỗi khi tôi đến viếng chùa.
Tôi không hiểu sao mình nhớ vị ngọt của trái quýt ấy đến vậy, có lẽ vì ngày xưa quà vặt cho trẻ con thường rất ít và thêm nữa cái tôi cảm nhận được là sự quan tâm, ân cần dành cho một đứa trẻ. Đạo Phật trong lòng tôi khi ấy còn là sợi dây chuyền bạc với tượng Phật Bà Quan Âm mà lúc nào tôi cũng đeo ở trước ngực để tránh gió độc. Mỗi lần mưa gió sấm sét ở một mình, đứa trẻ sợ hãi cúi xuống nhìn vào bức tượng nhỏ, bất giác trong lòng niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Và rồi đứa bé ấy cảm giác an tâm, không còn sợ những tia chớp rạch ngang qua bầu trời.
Lớn hơn một chút thì đạo Phật với tôi trông lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác háo hức khi chen nhau đi xem diễu hành xe hoa ngày Phật Đản. Mỗi năm chỉ có một dịp ngắm những chiếc xe trang trí lộng lẫy với những hình ảnh và màu sắc vô cùng sống động nên đứa trẻ ấy chẳng muốn bỏ lỡ. Nó nhìn những chiếc xe hoa, chiếc thì có voi trắng, chiếc thì tái hiện vườn Lâm tì ni… lướt qua trước mắt trong niềm hạnh phúc xen lẫn tò mò. Nó muốn biết đứa bé mà ai cũng hân hoan chào đón khi sinh ra đời kia là ai? Đạo Phật trong nó khi ấy còn là những câu Kinh Pháp Cú ở trên những bức tường và những cánh cổng xanh vàng đỏ. Mặc dù không hiểu gì nhưng đứa bé mới học chữ cũng lẩm bẩm đọc và thuộc lòng những câu như:
“Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh an lạc.
Khi trưởng thành thì như bao người trẻ khác tôi đối mặt với những lo nghĩ và toan tính thường tình. Cuộc sống bận rộn với những muộn phiền khiến người trẻ lắm lúc rơi vào trầm cảm, ngột ngạt. Những lúc băn khoăn, mệt mỏi hay cần đưa ra một quyết định tôi thường tìm lật mở những quyển sách ở trên kệ. Những quyển sách của những sư Thầy của những cư sĩ Phật giáo làm tâm tôi lắng lại, an lạc và gợi mở cho tôi một con đường. Có thể nói tôi đọc rất nhiều loại sách khác nhau nhưng chỉ có sách Phật giáo mới giải tỏa phiền lòng cũng như giải đáp triệt để cho bản thân tôi câu hỏi “Tại sao?”. Lúc ấy để đối trị với những điều không như ý trong cuộc sống tôi hay niệm câu chú: “Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha”; “Qua đi qua đi qua đến bờ bên kia giác ngộ tuyệt vời.” Vui rồi cũng sẽ qua, đau khổ rồi cũng sẽ qua, những khó khăn lúc này rồi cũng sẽ qua….
Biến cố lớn nhất trong đời tôi có lẽ là đối diện với việc người yêu thương nhất không còn ở trên thế gian. Khi mẹ tôi mất, đạo Phật với tôi trong khoảng khắc ấy là một đóa hoa quỳnh hương nở trong ngày mẹ tôi nhập liệm. Đóa hoa trắng an ủi tâm hồn tôi giúp tôi chấp nhận sự vô thường của cuộc đời. Rồi đến lúc ba tôi qua đời thì những giọt nước mắt trong lòng khi ôm tro cốt của người khiến tôi nghĩ rằng trong lòng tôi không có Phật. Khoảng trống trong lòng tôi quá lớn, lớn đến nỗi tôi không biết được trong lòng mình đang chứa đựng cái gì? Rồi ngày ngày đọc tụng Kinh và lạy sám hối tôi mới ngỡ ngàng nhận ra Phật ở trong lòng tôi. Phật trong tôi chính là hình ảnh của cha tôi của mẹ tôi vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức của tôi mặc cho bậc song thân không còn ở trên đời. Và để an ủi mình tôi đã đọc “Lời khuyên khi nhớ đến cha mẹ” của Onto Khyenrab Chokyi Ozer:
“Nếu con nhớ cha mẹ, hãy dấn thân trong Giáo Pháp
Tất cả những ai đã sinh ra, về bản chất đều phải chết đi.
Mọi gặp gỡ chắc chắn phải kết thúc bằng chia ly.
Và lúc chết, chẳng gì ngoài Giáo Pháp là có ích lợi.
Nếu con nhớ cha mẹ, hãy xem tất cả là mẹ hay cha,
Bạn bè và đồng minh là cha mẹ con; kẻ thù cay nghiệt cũng là cha mẹ con.
Đạo sư là cha mẹ con và các đạo hữu cũng là cha mẹ con.
Không có một chúng sinh nào chưa từng là mẹ hay cha con.”
Không biết từ bao giờ mỗi buổi sáng thức dậy như một thói quen lòng tôi luôn thường niệm:
“Con xin quy y Phật, Pháp và chúng trung tôn
Cho đến khi đạt được Bồ Đề
Với công đức con có được qua hạnh bố thí và các hạnh khác
Nguyện tu thành Phật cho để lợi lạc cho chúng sinh.”
Tôi quay về nương tựa Phật, và dù đã niệm trăm lần hay mới niệm hôm qua thì những lời tụng niệm quy y và phát tâm Bồ Đề vẫn luôn xúc động tâm can tôi. Vì khi nhủ thầm lời tụng niệm đó, tôi biết trong lòng mình có Phật. Và tôi biết từ xưa đến giờ mình đã luôn giữ Phật trong lòng với cái tâm trong veo và sáng ngời như đứa trẻ nhỏ khi xưa nhận quýt. Tôi không biết rằng Phật có trong tôi từ lúc nào? Từ trái quýt nhỏ tôi nhận ở chùa năm xưa hay từ trong câu “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” mà ba tôi đã niệm cầu an khi mẹ tôi hạ sinh ra tôi trong cơn thập tử nhất sinh. Hay chủng tử ấy đã có từ xa xôi trong tiền kiếp trước tôi không thể nào biết được. Nhưng hiện tại hay tương lai tôi vẫn giữ Phật ở trong lòng. Và khi có Phật trong tâm tôi có cái dũng khí để đối diện với chính bản thân mình và với thế giới xung quanh. Cái chủng tử thiện gieo từ muôn kiếp nào sẽ trổ bông và sanh ra quả lành. Tôi tin như vậy!
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Hạnh Phước An; địa chỉ: Lương Thế Vinh, Phường 3, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Tiếu Diện