Trí tuệ là sự nghiệp của người học Phật

Giữa thế gian bộn bề, biết bao ngã rẽ, biển học vô bờ, con thuyền nhỏ bé biết đâu là bến đỗ bình an? Người học Phật tu đạo chúng ta lấy chân lý Phật đà là kim chỉ nam trong cuộc sống, để có hướng đi và mục đích đến đúng với chánh pháp.

 

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, “Duy tuệ thị nghiệp” có lẽ là khẩu hiệu khá quen thuộc trong Phật giáo, đề cao sự phát triển trí tuệ hữu sư rồi từ đó đạt đến trí tuệ vô sư trí tuyệt đối toàn hảo như chư Phật. Sống có trí tuệ giúp ta nhận thức và giải quyết các vấn đề từ xã hội đến chốn tòng lâm, từ hoàn cảnh đến con người theo góc nhìn, nhận, thấu của người biết tu, trí tuệ hiển bày còn gì tuyệt vời bằng?

Trở về với chính mình, trí tuệ hằng sáng thì cuộc sống chúng ta đầy sự bình an hạnh phúc từ đời sống đến tâm hồn.

Trở về với chính mình, trí tuệ hằng sáng thì cuộc sống chúng ta đầy sự bình an hạnh phúc từ đời sống đến tâm hồn.

Lối đạo thênh thang

Thật hữu duyên và hạnh phúc cho những ai trong thời buổi này, còn đọc được, nghe được những câu từ đạo lý, những lời Phật dạy uyên thâm của Đức Phật, chư Tổ và các bậc minh sư, bởi ngoài kia thế gian biết bao cuốn hút đắm mê lòng người, ánh đèn lập lòe, thức ngon vật lạ, cảnh đẹp người xinh thỏa mắt ngắm nhìn… Những điều thuận theo thế thường thì vô cùng hấp dẫn, còn những chuyện đạo lý, chiến thắng chính mình vượt qua cám dỗ của thế gian có lẽ là khó làm và khô khan hiếm ai thích thú. Quả thật:

Đường đời chật hẹp người chen lấn

Lối đạo thênh thang hiếm kẻ tìm.

Trong cuộc sống, chúng ta nên cân bằng giữa cuộc sống vật chất và đời sống tinh thần tâm linh, đã giàu về đời sống vật chất thì cũng nên giàu về đời sống tinh thần, sống có trí tuệ, biết tu tập chuyển hóa thì trong mỗi người mới thật sự có an lạc và hạnh phúc từ cõi lòng. Bản thân ta hạnh phúc mới mong đem hạnh phúc lan tỏa đến mọi người xung quanh. Những thứ quanh ta vốn vô thường, tạm bợ mong manh không bền chắc, chúng không bên cạnh ta mãi mãi. Một khi nhắm mắt xuôi tay, ta để lại tất cả, nên Phật dạy có ba loại vô thường:

Thân vô thường: Thân mạng này của chúng ta sanh diệt biến đổi từng ngày một, cái thuở thiếu thời năm ba tuổi, rồi mười tám đôi mươi, rồi năm sáu chục tuổi đời, phải chăng sắc thân này luôn vô thường thay đổi sanh diệt trong từng giờ, năm tháng dần qua… Có ai mãi còn, trường sanh bất tử chỉ là cổ tích, huống gì của cải vật chất?

Mỗi người chúng ta cần nỗ lực trau dồi tu tập và chuyển hóa không ngừng, chớ cô phụ tứ trọng ân sâu nặng, nguyện bền lòng vững chí, làm một cây rất thẳng trong rừng cây. Một hạt cát trong ngôi nhà Phật pháp chốn tòng lâm hưng thạnh.Tâm vô thường: Tâm thức chúng ta, suy nghĩ tiếp nối, liên tục không ngừng, niệm niệm dấy khởi cuồn cuộn, yêu ghét, buồn vui lên xuống nhiều cung bậc theo sự tiếp duyên xúc cảnh mà hiển bày, như khỉ vượn chuyền cành, ngựa rong chạy, loạn động đảo điên. Thế nên, nguyện thứ bảy và thứ tám trong lời dạy của vua Trần Thái Tông ở tác phẩm Khóa Hư Lục đã dạy:

Chín nguyện tâm vượn thôi nhảy nhót

Mười nguyện ý ngựa dứt cương yên.

Hoàn cảnh vô thường: Thật thấy rõ trong cuộc sống, cảnh vật môi trường, phố xá luôn đổi thay, cánh đồng bát ngát bạt ngàn thẳng cánh cò bay giờ đã hẹp dần, nhường cho đường sá, nhà lầu, siêu thị, trường học vươn mình. Khi xưa lạc hậu, hôm nay tân tiến, đèn đom đóm, đèn dầu rồi qua đèn điện, đèn năng lượng mặt trời… chính sự biến đổi không dừng như thế gọi là vô thường.

Trí vô sư

Biết rõ hiểu thấu như thế là nhờ chúng ta có trí tuệ trong cách sống, buông bỏ bớt sự chấp trước, đắm chìm trong những thứ tạm bợ mong manh, để trở về với cái chân thật trong mình, hay còn gọi là vô sư trí. Khi nói đến trí tuệ, tạm phân thành hai loại:

Hữu sư trí: Trí tuệ chúng ta có được nhờ sự truyền trao từ thầy cô, các bậc tôn sư hoặc học từ cuộc sống tiếp thu bên ngoài vào.

Vô sư trí: Là trí tuệ chân thật nơi chính mình, trong mỗi người đều có bản tánh thanh tịnh, tâm sáng ngời hằng biết sáng suốt rõ ràng. Tâm Phật rạng ngời đã sẵn nơi mỗi người không thêm không bớt.

Nếu không nhờ trí tuệ do thầy dạy, Phật pháp truyền trao, ta không biết được mình có trí vô sư, không biết mình có bản tâm thanh tịnh, tánh Phật ngời sáng mà trở về, mãi lăn lộn lên xuống đắm chìm trong biển khổ của tâm thức, xuôi ngược theo dòng đời vội vã lo toan, cơm áo gạo tiền, danh vọng, hơn thua được mất, sang giàu nghèo khó, chúng quay quắt khiến tâm trí ta rối bời. Vội ăn, vội làm, vội nghỉ, tất cả trong hấp tấp vội vàng giữa thời đại 4.0, công nghệ truyền thông lên ngôi, người người nhà nhà đều có điện thoại, thu cả thế giới vào lòng bàn tay là có thật. Nếu chúng ta sống buông trôi theo sở thích, rất dễ bị đắm chìm trong thế giới ảo của mạng xã hội: Tiktok, Facebook, Youtube… Thời gian chia sẻ, trò chuyện thực tế, để hiểu nhau trong cuộc sống rất hiếm hoi. Tất cả đều vội ăn, vội làm, vội nghỉ và vội vàng mọi thứ… có phải chăng chúng ta cần sống chậm lại giữa thế gian vội vã? Một buổi Thiền trà, những câu chuyện đạo lý được kể và chia sẻ cùng nhau dưới ánh trăng, ấm áp bên khói trà nghi ngút, tưởng chừng như chuyện quá khó giữa thời đại? Ngồi lại viết từng chữ thư pháp, từng câu kinh chiêm nghiệm đọc dịch, phiên âm, toát yếu, ứng dụng tu hành… có còn chăng? Sự chịu khó cần cù, kiên nhẫn bền bỉ đối diện với chính mình, có quá khó giữa cuộc sống thời nay?

Hằng ngày con chữ vẫn theo tay

Lời Phật ý Kinh sáng từng ngày.

Trở về với chính mình, trí tuệ hằng sáng thì cuộc sống chúng ta đầy sự bình an hạnh phúc từ đời sống đến tâm hồn. Có nội lực, có sự trở về, chúng ta mới có khả năng cho đi và ban rải hạnh phúc. Chính bản thân bạn hạnh phúc thì mới mong chúng ta đem hạnh phúc đến mọi người. Cho tức là nhận, tâm bạn nhìn nhận cuộc sống như thế nào thì cuộc sống sẽ trao cho bạn như thế ấy. Người có sức mạnh không phải là nhấc lên nổi những vật nặng mà họ có thể để xuống nhẹ nhàng mọi buồn phiền chấp trước, sự đố kỵ ích kỷ của bản thân, họ biết buông xả để tâm nhẹ nhàng thênh thang như mây trời. Tội gì chúng ta phải buộc lòng mình mắc vào những chuyện thị phi tốt xấu của người khác. Phật dạy trong Kinh Di Giáo, không nên để chuyện sân giận muộn phiền trong tâm quá một đêm, tham sân si là những con rắn độc, không nên nuôi nó trong nhà, có ngày chúng sẽ cắn ta. Thật sự chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình. Nương vào những lời dạy của Đức Thế Tôn để từ trí tuệ hữu sư, chúng ta sớm trở về với trí tuệ Phật rốt ráo nơi chính mình. Sống có trí tuệ giúp chúng ta hạnh phúc bình an giữa sự bập bùng sóng vỗ của ngoại cảnh.

Tu mau thời khắc chẳng chờ

Kiếp người nào khác nhả tơ nơi tằm

Vui tu vui học chăm làm

Chẳng từ ngoại cảnh người phàm tiến nhanh.

Quả thật trí tuệ dù là hữu sư hay vô sư đều rất cần thiết trong cuộc sống, giúp chúng ta chuyển hóa bao hệ lụy khổ đau nơi ngoại cảnh và tâm hồn của chính mình. Thế nên người học Phật cần và rất cần lấy trí tuệ làm sự nghiệp “Duy tuệ thị nghiệp”. Có như thế, cuộc sống mới thật sự ý nghĩa, đặc biệt là giới xuất gia, chúng ta cần nương nơi trí tuệ hữu sư để nhận và sống lại với trí tuệ vô sư của chính mình để không lãng phí cả cuộc đời tu hành. Chưa dừng ở đó, chúng ta còn trách nhiệm, bổn phận đối với người sau, với thầy tổ… thực hiện chí nguyện xuất trần thượng sĩ, tu được cho mình và lợi ích quần sinh. Nếu người dẫn đường mờ mịt thiếu trí tuệ thì hậu thế sẽ ra sao? “Khi chưa chứng A-la-hán thì chưa tin được tâm mình” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương).

Nói dễ làm khó ôi chao!

Bền tâm vững chí không sao nản lòng

Nguyện đem sức mỏng dày công

Thành tâm dâng kính sắc son một lòng.

Mỗi người chúng ta cần nỗ lực trau dồi tu tập và chuyển hóa không ngừng, chớ cô phụ tứ trọng ân sâu nặng, nguyện bền lòng vững chí, làm một cây rất thẳng trong rừng cây. Một hạt cát trong ngôi nhà Phật pháp chốn tòng lâm hưng thạnh.

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo

Hải Thuần Bảo Hải