Tránh xa thầy tà, bạn xấu

Thế Tôn xác quyết là không thân cận, bất hợp tác với người ác tri thức. Dù cho họ có nhân danh là ai, giữ chức phận gì trong đạo hay ngoài đời, hứa hẹn giúp ta nhiều điều tốt lành…nhưng nếu thực sự biết họ là ác tri thức thì quyết không tùng sự, bất hợp tác. Vì sao?

 

Là người con Phật, ai cũng nguyện trọn đời quy y Tăng và nhất quyết không quy y thầy tà, bạn xấu. Dĩ nhiên, với tâm từ, chúng ta không trách móc hay oán hận hoặc tẩy chay bất cứ vị thầy, bạn nào không xứng đáng nhưng quyết không thân cận, hợp tác với họ, vì Thế Tôn đã từng khuyến cáo “chớ cùng ác tri thức tùng sự”.

Thời Thế Tôn tại thế, bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa manh tâm hại Phật, chia rẽ Tăng đoàn. Trong một lần khất thực, lúc sắp chạm mặt với Ðề-bà-đạt-đa, Thế Tôn đã quyết định tránh duyên, không gặp vì một lẽ đơn giản là “kẻ ác này chẳng nên gặp gỡ”. Dĩ nhiên là Thế Tôn đã tìm đủ mọi cách để giáo huấn Ðề-bà-đạt-đa hồi tâm, phục thiện nhưng không kết quả thì phải tránh duyên mà thôi. Pháp thoại dưới đây đã cho chúng ta một bài học về ứng xử tuyệt vời đối với “thầy tà, bạn xấu”.

“Một thời Phật ở thành La-duyệt tại vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với năm trăm đại chúng Tỳ-kheo.

Bấy giờ Thế Tôn đến giờ, đắp y ôm bát vào thành La-duyệt khất thực. Lúc đó, Ðề-bà-đạt-đa cũng vào thành khất thực. Ðề-bà-đạt-đa đi vào trong ngõ xóm, Phật cũng đến chỗ đó. Nhưng Phật từ xa trông thấy Ðề-bà-đạt-đa đến liền muốn thối lui mà đi.

Khi ấy A-nan bạch Phật: Cớ sao muốn xa lìa xóm này?

Thế Tôn bảo: Nay Ðề-bà-đạt-đa ở xóm này, nên Ta tránh đi.

A-nan bạch Phật: Thế Tôn! Há sợ Ðề-bà-đạt-đa sao?

Thế Tôn bảo: Ta chẳng sợ Ðề-bà-đạt-đa, nhưng kẻ ác này chẳng nên gặp gỡ.

A-nan thưa: Nhưng, bạch Thế Tôn! Có thể khiến cho Ðề-bà-đạt-đa này tới phương khác.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này: Ta trọn không tâm này/ Khiến Ðề-bà ra đi/ Rồi sẽ tự tạo hạnh/ Và tự ở chỗ khác.

A-nan bạch Phật: Nhưng Ðề-bà-đạt-đa có lỗi với Thế Tôn.

Thế Tôn bảo: Người ngu hoặc chẳng nên gặp gỡ.

Bấy giờ Thế Tôn nhìn A-nan mà nói kệ: Chẳng nên thấy người ngu/ Chớ cùng ngu làm việc/ Cũng chớ nói năng cùng/ Nói những việc thị phi.

Khi ấy, A-nan lại dùng kệ đáp Thế Tôn: Người ngu làm gì được? Người ngu có lỗi gì? Ngay cho cùng nói chuyện/ Lại có những lỗi nào?

Thế Tôn lại dùng kệ đáp A-nan: Người ngu tự tạo hạnh/ Chỗ làm là phi pháp/ Chánh kiến trái luật thường/ Tà kiến ngày càng thêm.

Thế nên, A-nan, chớ cùng ác tri thức tùng sự. Vì cớ sao? Cùng ác tri thức tùng sự thì không tín, không giới, không văn, không trí. Cùng thiện tri thức tùng sự thì tăng thêm công đức, giới thành tựu đầy đủ. Như vậy, A-nan, hãy học điều này!

Bấy giờ A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Địa chủ, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.432)

Phật dạy năm nguy hại với việc chỉ tin một người

02

Lời bàn: 

Đúng là “tránh voi chả xấu mặt nào”! Với một người mà ta đã cảm nhận sâu sắc, đã nhiều lần trải nghiệm về họ là “không chơi được” thì tốt nhất là phải tránh xa. Ngay cả như Thế Tôn mà không muốn dây vào hạng ác tri thức như Ðề-bà-đạt-đa thì huống gì chúng ta. Không phải Thế Tôn bất lực trong việc này, nhưng có lẽ, đó là cách thức giáo hóa thực tiễn và sinh động nhất cho hậu thế chúng ta về cách thức ứng xử với thầy tà, bạn xấu.

Nhẫn nhịn một tí, tránh duyên một tí, và có thể chịu thua thiệt một tí nhưng chắc chắn ta sẽ bình an. Trong bối cảnh đời sống tu học vốn không ít uẩn khúc, thăng trầm thì đối đầu hay va chạm thêm chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Nếu chúng ta tự thấy mình chưa đủ duyên giáo hóa người xấu thì hãy tránh duyên. Thị phi, phân bua, biện biệt đúng sai, luận tranh hơn thiệt…chỉ làm cho sự việc càng rối thêm, chướng ngại sự chuyên tâm thiền định.

Không những tránh mặt, Thế Tôn còn xác quyết là không thân cận, bất hợp tác với người ác tri thức. Dù cho họ có nhân danh là ai, giữ chức phận gì trong đạo hay ngoài đời, hứa hẹn giúp ta nhiều điều tốt lành…nhưng nếu thực sự biết họ là ác tri thức thì quyết không tùng sự, bất hợp tác. Vì sao?

Vì kết quả cuối cùng của “liên minh” này có thể được nhiều điều (đối với thế gian) nhưng chắc chắn là trắng tay với đạo quả. Thế Tôn nói thẳng là về sự mất trắng này là “không tín, không giới, không văn, không trí”, điều này cũng đồng nghĩa với quả báo không lành nơi ác đạo, tam đồ.

Thế nên, người nào hay hội chúng nào mà thiếu kém phẩm chất thanh tịnh và hòa hợp của Tăng-già, không giúp cho chúng ta tiến bộ trên đường đạo thì phải tránh xa, mạnh dạn nói không hợp tác với họ. Ngược lại, chúng ta cần quyết tâm nương tựa lâu dài nơi các bậc thiện tri thức để tu học, nếu thực sự muốn “tăng thêm công đức, giới thành tựu đầy đủ”.

Quảng Tánh