Trang nghiêm tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Việt Nam Quốc Tự
Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN niêm hương tưởng niệm
Sáng nay, 24-11 (1-11-Nhâm Dần), tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự (quận 10) trang nghiêm diễn ra lễ tưởng niệm 714 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn, cùng hiệp kỵ chư tôn thiền đức tiền bối hữu công.
Chư tôn đức thành kính dâng nén tâm hương tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, chư tôn thiền đức tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam viên tịch qua các thời kỳ
Theo đó, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã tổ chức trang nghiêm lễ tưởng niệm 714 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn, cùng hiệp kỵ chư tôn thiền đức tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam đã viên tịch qua các thời kỳ.
Chứng minh, tham dự với sự hiện diện của Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Chứng minh Đạo sư Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; cùng chư tôn đức Ban Cố vấn Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, chư tôn đức Ban Thường trực GHPGVN TP.HCM, Thường trực các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức, 21 quận huyện, Tăng Ni, Phật tử các tự viện TP.HCM.
Trong giây phút thiêng liêng tại Tổ đường Việt Nam Quốc Tự |
Tại Tổ đường Việt Nam Quốc Tự, Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN niêm hương tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông; với sự dẫn lễ của Thượng tọa Thích Quảng Chơn, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM, chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ni đã đảnh lễ tưởng niệm, tri ân Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng chư tôn thiền đức tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam đã viên tịch qua các thời kỳ.
Chư tôn đức thành kính niêm hương tưởng niệm, tri ân “vị vua Phật” đặt nền móng tư tưởng Phật giáo nhập thế cho Phật giáo Việt Nam |
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông húy Trần Khâm, sinh ngày 7-12-1258 (11-11-Mậu Ngọ), con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Ngài thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ rất sớm, đặc biệt từ người thầy trực tiếp là Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Ngài là một lãnh tụ thiên tài, vị vua anh minh, anh hùng dân tộc. Sau khi hoàn thành vai trò của một vị vua, người xuất gia và sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, chủ trương tư tưởng Phật giáo nhập thế “cư trần lạc đạo” cho Phật giáo Việt Nam, dòng chảy tư tưởng ấy đã được kế tục xuyên suốt đến hôm nay.
Ngài đã để lại di sản tư tưởng giá trị cho Phật giáo Việt Nam |
Ngài đã để lại di sản tư tưởng giá trị được kết tập trong: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng-già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ, Trung hưng thực lục, Truyền đăng lục… Tư tưởng nhập thế hành đạo của ngài được cô kết trong bài phú bằng chữ Nôm “Cư trần lạc đạo” – Vui đạo giữa đời, trở thành cương lĩnh về hành động cho Phật giáo Việt Nam.
Ngài nhập diệt vào ngày 1-11-Mậu Thân (1308), tại am Ngọa Vân – Đông Triều (Quảng Ninh), trụ thế 51 năm. Xá-lợi của ngài tôn thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng (Thái Bình) và chùa Vân Yên – Yên Tử (Quảng Ninh), lấy hiệu là Huệ Quang kim tháp. Ngài được hậu thế dâng thánh hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.
Thượng tọa Thích Quảng Chơn và Ban Nghi lễ |
Trước đó, Trung ương GHPGVN đã có thông bạch đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt tổ chức Đại lễ tưởng niệm vị Phật của Việt Nam với các nghi lễ truyền thống Phật giáo thiêng liêng, trong tinh thần tri ân tiền nhân đã tạo dựng nền tảng tư tưởng cho Phật giáo Việt Nam.
Lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm tại Tổ đường Việt Nam Quốc Tự |
Sáng cùng ngày 1-11 ÂL, tại các tỉnh thành trong cả nước đồng loạt diễn ra lễ tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông |