Trần Anh Tông – Vị vua Hộ Pháp

Các vua Trần không chỉ là những Phật tử thuần thành hết lòng ủng hộ Phật giáo, mà còn là những hành giả thâm chứng Phật pháp. Có lẽ do ảnh hưởng truyền thống của ông cha nên Anh Tông cũng là vị vua sùng kính Tam bảo, vị hộ pháp đắc lực của Phật giáo thời bấy giờ.

  “Trang sử Việt cũng là trang sử Phật

Trải bao độ hưng suy, có nguy mà không mất”

Thật vậy, trang sử vàng của dân tộc Việt Nam nói chung và Phật giáo thời Trần nói riêng, đã gắn liền với dòng sinh mệnh của đất nước và góp phần làm thăng hoa nếp sống của dân tộc ta qua bao thời đại. Có thể nói, thời Trần là thời kỳ oanh liệt trong lịch sử nước ta và thời Trần cũng là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo. Nếu Phật giáo thời Lý là sự phát triển khởi đầu cho một triều đại hưng thịnh, bởi các vị vua thời này đều là những Phật tử thuần thành, đã cống hiến rất nhiều cho Phật giáo, từ việc xây chùa độ Tăng, đến các chính sách trị quốc an dân được thực thi trên tinh thần “Từ bi – Trí tuệ” của đạo Phật, thì thời Trần là một sự kế thừa và phát huy những tinh hoa ấy trong lịch sử nhân loại.

Các vua Trần không chỉ là những Phật tử thuần thành hết lòng ủng hộ Phật giáo, mà còn là những hành giả thâm chứng Phật pháp. Trong lịch sử nước ta hiếm có một triều đại nào mà các vị vua lại không muốn làm vua, chỉ mong được làm một vị Tăng để có điều kiện tu học Phật pháp, nhưng sự việc này lại xảy ra, đó là vua Trần Thái Tông, vị vua khởi đầu triều đại nhà Trần. Đến đời Vua Trần Thánh Tông cũng là một vị vua nhân từ, là một Phật tử có đạo hạnh đặc biệt, tin sâu Tam Bảo, là bậc đế vương nhưng ông phát tâm trường chay và để tâm rất nhiều vào việc nghiên cứu học Phật, về sau ông đắc pháp với thiền sư Đại Đăng. Đặc biệt hơn nữa là Trần Nhân Tông vị vua rời bỏ hoàng cung xuất gia học đạo, một thiền sư uyên thâm Phật pháp. Đây là một thời đại đặc biệt chưa từng có trong lịch sử nước ta. Về sau người kế vị vua cha là Trần Anh Tông, có lẽ do ảnh hưởng truyền thống của ông cha nên Anh Tông cũng là vị vua sùng kính Tam bảo, vị hộ pháp đắc lực của Phật giáo thời bấy giờ. Vậy tinh thần hộ pháp của ông như thế nào, người viết xin trình bày đôi nét về cuộc đời cũng như sự nghiệp của vua Anh Tông trong quá trình lãnh đạo đất nước.

Quan điểm niệm Phật giải thoát của vua Trần Thái Tông

4

Vua Trần Anh Tông còn có tên là Trần Thuyên là vị vua thứ tư của triều Trần, ông nội là Thánh Tông hoàng đế, vua cha là Trần Nhân Tông, mẹ là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu. Thuở nhỏ, Trần Thuyên đã được ông nội và cha rèn luyện văn chương. Năm 17 tuổi được vua cha nhường ngôi, lấy hiệu là Anh Tông hoàng đế. Ngay từ khi kế vị ngai vàng Anh Tông đổi niên hiệu là Hưng Long. Do tuổi trẻ phóng túng ham chơi nên ông không để ý đến việc triều chính chỉ lo lang thang trên các đường phố chè chén say sưa cho thỏa thích. Sau khi bị vua cha phát hiện và trách phạt, từ đó tính tình của ông đã thay đổi hẳn và trở thành người cần mẫn, siêng năng, chăm chỉ, rất chú trọng việc trị nước an dân, giữ gìn bờ cõi, mặc dù có những biểu hiện phóng khoáng của tuổi trẻ nhưng bao giờ Anh Tông cũng biết khép mình vào phép tắc, kỷ cương. Vì nước Đại Việt vừa trải qua ba cuộc chiến tranh xâm lược chống quân Nguyên Mông, nên nhiệm vụ của Anh Tông là chăm lo xây dựng lại đất nước, củng cố bang giao với các nước láng giềng. Dưới triều đại của ông kinh tế, chính trị, văn hoá, tôn giáo đều phát triển cực thịnh. Ông rất trọng dụng nhân tài có công với nước, đồng thời rất nghiêm khắc với những thói bê tha lêu lõng, cho nên các quan lại thời bấy giờ đều là những vị cương trực, thanh liêm. Điều đáng nói ở đây là sau khi kế vị vua cha, ông trở thành một vị vua Phật tử thuần thành, hết lòng ủng hộ Phật giáo, là vị đại thí chủ, vị vua hộ pháp đắc lực để Ngài Pháp Loa có đủ điều kiện thực hành những Phật sự lớn lao, làm cho Giáo hội Trúc Lâm thời đó ngày càng phát triển cực thịnh. Như vậy, khi nói đến các vị vua thời Trần, mà đặc biệt là Trần Anh Tông, chúng ta không thể không nhắc đến vị Thiền sư có công lao rất lớn đối với sự phát triển của giáo hội lúc bấy giờ, đó chính là nhị tổ Pháp Loa.

Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài hầu như gắn liền với vua Anh Tông, vị vua Phật tử thuần thành, đã hoàn thành vai trò, trách nhiệm của một vị vua hộ pháp đắc lực trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Đến năm Giáp Dần (1314) “Anh Tông nhường ngôi cho con là Trần Minh Tông (Thái tử Mạnh), về làm thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, đến năm Canh Thân (1320) thì mất. Anh Tông trị vì 21 nǎm, thọ 54 tuổi” . Có lẽ do tâm hồn và phong cách thanh niên mà Trần Anh Tông, so với nhiều vị vua khác, đã tự bộc lộ mình ở một số khía cạnh độc đáo. Trần Anh Tông là vị vua nhân đức, trung hậu, có bản lĩnh, biết kế thừa sự nghiệp của cha ông để lại, nên thời cuộc đi đến thái bình, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. Cho nên các sử gia đều khen ngợi ông “ Là bậc vua tốt, khéo nối trí giữ nghiệp”. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư dù có khen nhưng vẫn phê phán ông là người quá sùng mộ đạo Phật: “Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. Song tụ họp nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân dựng gác Ánh Vân, thì chẳng phải là tỳ vết nhỏ trong đức lớn đó sao” . Ngoài công việc chăm lo quốc thái dân an, Anh Tông còn để tâm nghiên cứu viết sách, là một vị vua có năng khiếu về văn chương, có tâm hồn thi sĩ, rất thích làm thơ, nhưng việc làm thơ của ông là để khuây khỏa tinh thần, nên không có ý lưu lại công trình hay để tiếng về sau. Ông viết rất nhiều tác phẩm nhưng hiện nay chỉ còn lưu lại 12 bài trong “Việt âm thi tập”. Có bài được ông sáng tác trên đường đi chinh chiến, cũng có bài nói về đạo Thiền. Ông còn sáng tác những bài thơ tả cảnh như “Vân tiêu am”, “ Đông Sơn tự” . Ngoài ra ông còn làm tập thơ “Thủy vân tùy bút” nhưng trước khi mất, ông đã đốt đi, chớ không lưu giữ lại, đặc biệt vua Anh Tông còn rất thích hoa phong lan, vì vậy mà ông dành thời gian sưu tầm nghiên cứu, với 500 loài lan quý hiếm trong vườn Thượng Uyển. Điều đó, cho ta thấy ông là vị vua có tâm hồn phóng khoáng, rộng mở, yêu đời, luôn hòa với niềm vui của muôn dân, là vị vua giàu lòng nhân nghĩa, có bản chất phục thiện, hiếu thảo. Vì tuổi trẻ phóng túng, ham chơi nên bị vua cha trách cứ “Trẫm giao cho anh trọng trách quản lý đất nước, sao anh lại hoang toàng như thế. Nhà ta còn có nhiều con, người này làm việc không xứng đáng thì ta sẽ giao cho người khác. Hiện ta đang còn sống mà anh đã bừa bãi như thế, sau này ta mất đi thì anh còn phóng túng đến mức nào?”. Từ đó Anh Tông khép mình sửa đổi những lỗi lầm, để xứng đáng với sự ân cần của vua cha, về sau trở thành một bậc minh quân biết cho lo dân cho nước, một vị vua biết trọng dụng nhân tài, dám giao trọng trách cho tầng lớp Nho sinh trẻ, trong đó có Đoàn Nhữ Hải là người cận thần, có nhiều năng lực giúp vua ổn định triều chính, nhưng vị Nho sinh này rất trung thành, không lạm dụng chức vụ để lo tư lợi mà hết lòng phục vụ cho triều đình. Điều này, làm ta nhớ đến câu nói của một học giả người Pháp: “Giá trị con người không phải đợi đến số lượng tháng nǎm?”

Tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông – vị Vua từ bỏ ngai vàng để đi tu!

3

Ngoài công việc triều chính Anh Tông còn muốn hoàn thành vai trò của một vị vua hộ pháp, chính vì tâm nguyện ấy mà người đã phát tâm dũng mãnh, giúp Ngài Pháp Loa hoàn thành nhiều công trình Phật sự lớn lao. Điều này ta thấy trong thời kỳ Đức Phật cũng có những vị vua hộ pháp đắc lực như A Dục vương là vị bạo chúa hung tàn nhưng nhờ sự giác ngộ và thâm hiểu giáo pháp của Đức Phật, mà trở thành vị vua hết lòng kính tin Tam Bảo, một vị hộ pháp đắc lực cho Phật giáo, sau khi quy y tinh tấn học Phật, nghiêm trì giới cấm, thực hành hạnh bố thí, xây dựng chùa, tháp để cúng dường Đức Phật. Bên cạnh đó còn có rất nhiều những vị hộ pháp nỗi danh thời bấy giờ như: Vua Tần Bà Sa La, vua Ba Tư Nặc, Trưởng giả Tu Đạt, Nữ Cư sĩ Visakha… đều là những vị thí chủ, Phật tử thuần thành quan trọng của giáo đoàn thời Đức Phật. Còn ở nước ta, có vua Lý Công Uẩn không những là vị vua “hộ quốc” mà còn là vị vua “hộ pháp” đầu tiên của Vương triều nhà Lý. Khi mới lên ngôi, ngoài việc dời Đô ra Thăng Long, vua đã cho dựng chùa, thỉnh kinh từ bên Trung Hoa, đúc chuông, tạo tượng, truyền bá chánh pháp …

Hạnh nguyện cao cả của ông được nhà Sử học Ngô Thì Sĩ nhận định như sau: “ Vua Lý Thái Tổ sinh trưởng nhờ Phật, được Khánh Vân nuôi lớn. Vạn Hạnh dạy dỗ, thuyết nhân quả ăn sâu ở trong lòng, cho nên khi mới kiến quốc đã sáng lập nhiều chùa, cấp điệp độ Tăng chúng, muốn đưa cả thế giới vào nếp Phật, bất luận hiền ngu, muốn cho quy y Phật” . Do áp dụng đường lối dùng chánh pháp trị dân, nên vua Lý Thái Tổ đã thành công vai trò lãnh đạo đất nước, vai trò “hộ pháp” của người Phật tử đúng như lời nhận định: “Về đời Lý Thái Tổ, trong nước đã cường thịnh, các nước ngoài như Chiêm Thành, Chân Lạp đều chịu triều cống, bên Tàu nhà Tống cũng giao hiếu không sanh sự, dân tình được an lạc, vua và triều đình lại hết tâm ủng hộ, nên Phật giáo ở nước ta hồi ấy có thể gọi là thời thịnh nhất từ trước đến sau” . Tất cả những việc làm thể hiện tinh thần hộ pháp của vua Lý Thái Tổ trong buổi đầu xây dựng và phát triển triều Lý, đã mở ra cho dân tộc Viêt Nam một giai đoạn mới. Như vậy, ở bất kỳ thời đại nào, Phật giáo cũng đều có những vị vua hộ pháp đắc lực như thế, thì chắc chắn rằng Phật pháp thời đó sẽ được hưng thịnh.

Nếu như, Phật giáo không có những vị đệ tử xuất sắc của Đức Phật thì không ai hoằng truyền chánh pháp và ngược lại nếu giáo đoàn của Đức Phật không có những thí chủ, hộ pháp phát tâm cúng dường thì ngôi Tòng lâm khó mà hưng thạnh. Còn Trần Anh Tông vị vua đương nhiệm của triều Trần, cũng phát tâm dõng mãnh, hoàn thành vai trò của một vị vua hộ pháp đắc lực. Sau khi lên ngôi Anh Tông đã kế tục truyền thống của ông nội và cha hết lòng ủng hộ Phật giáo. Điều đáng nói, là ông đã khuyến khích Ngài Pháp Loa khắc ấn bản Đại Tạng kinh là một công trình Phật sự lớn lao. Theo nguồn sử liệu của tác giả Nguyễn Lang thì “Việc khắc bản Đại Tạng Kinh hoàn thành vào năm 1319, thời gian khắc bản là 24 năm”. Nếu như không có sự đóng góp bảo trợ của vua và mọi tầng lớp Tăng sĩ, Phật tử thì giáo hội Trúc Lâm thời bấy giờ khó có cơ hội thực hiện hoàn tất. Đây được xem là công trình vĩ đại nhất, là Pháp bảo vô giá được lưu giữ tại chùa Quỳnh Lâm với 5000 ấn bản Đại Tạng. Bên cạnh những công trình vĩ đại đó, vua còn hết lòng ủng hộ Pháp Loa hoàn thành mọi Phật sự như: xây dựng nhiều công trình Phật giáo “Tại chùa Báo Ân, năm 1314 ông đã xây dựng tới 33 cơ sở trong đó có Phật điện, tàng kinh và tăng đường. Tính đến 1329, ông đã xây dựng được 5 ngôi Bảo tháp, hai cơ sở hành đạo lớn là Quỳnh Lâm và Báo Ân, trên 200 tăng đường. Về việc đúc tượng, Pháp Loa đã đúc tới hàng ngàn tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Vua Anh Tông nhân ngày lên làm Thái thượng hoàng đã cho đúc tượng đồng ba vị Phật Di Ðà, Thích Ca và Di Lặc, mỗi tượng cao 17 thước ta” . Ngoài ra vua và tín đồ còn cúng rất nhiều tài sản có giá trị khác như hiến ruộng đất…để làm bất động sản cho Giáo hội, xây dựng Đại Tòng Lâm. Con số bất động sản ấy có đến hàng ngàn mẫu ruộng, “ Năm 1308, vua Anh Tông đã lấy 100 mẫu ruộng của riêng gia đình nhà Trần để cúng vào chùa Báo Ân.

Năm 1312 Anh Tông cúng dường năm vạn quan tiền để Pháp Loa bố thí cho dân nghèo. Vua cũng dâng cúng thuyền bè và kiệu phu cho chùa dùng, nhưng Pháp Loa từ chối không nhận. Vua lại sai lấy 500 mẫu ruộng từ Niệm Như Trang cúng vào chùa làm bất động sản. Năm 1313, Anh Tông lại theo lời di chiếu của Nhân Tông lấy những bảo vật thờ tự Tam Bảo của mẹ cúng dường vào chùa Báo Ân, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phu để làm thêm chùa tháp. Cũng trong năm đó, Bảo Từ hoàng thái hậu cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu gia điền. Trước đây, hoàng thái hậu đã quy y tại chùa này. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa. Năm 1317, tư đồ Văn Huệ Vương cúng dường 4000 lưng tiền và công chúa Thượng Trân cúng dường tới 900 lạng vàng để đúc tượng Phật Di Lặc. Con trai của Nhật Trinh công chúa là Di Loan cư sĩ cúng dường 300 mẫu ruộng tại phủ Thanh Hoa. Bảo Từ hoàng thái hậu cúng dường 222 mẫu đất ở phủ An Hoa. Sau đó, tư đồ Văn Huệ Vương lại cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm. Lúc này điền địa cúng vào cho riêng chùa Quỳnh Lâm đã lên tới trên 1000 mẫu. Chùa có tới 1000 người tá điền làm ruộng…” . Sự ủng hộ của vua và giới cư sĩ đã gây nhiều phản ứng từ phía Nho gia, họ cảm thấy bất bình đến nỗi Nho gia Lê Bá Quát phải than phiền “ Cái thuyết hoạ phúc của nhà Phật mà sao cảm động đến lòng người sâu sắc đến thế nhĩ ? Trên từ Vương công dưới đến thứ dân, hễ nói đến việc bố thí cúng dường vào Phật sự thì dù tiền cũng không tiếc” .

Sau khi lãnh đạo Giáo hội, vào tháng 9 năm Quý sửu, “Thiền sư Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lương Giang, đặt văn phòng Trung ương Giáo hội tại đó, quy định mọi chức vị Tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra Tự viện và làm sổ Tăng tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam Tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương”. Như vậy, ta có thể nói rằng Thiền sư Pháp Loa là người chủ trương phát triển Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm, tổ chức theo hệ thống quy củ đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như làm sổ Tăng tịch, chứng nhận sự hiện diện của Tăng Sĩ trong giáo hội. Dưới thời Pháp Loa lãnh đạo, số người gia nhập giáo hội Trúc Lâm ngày càng đông hơn. Tính đến năm 1329 có đến 15000 Tăng sĩ, xây trên 100 ngôi chùa và hoàn thành rất nhiều Phật sự quan trọng khác” để những công việc Phật sự này được thành tựu viên mãn, chúng ta không thể không nói đến sự nhiệt tình ủng hộ của vị vua hộ pháp Trần Anh Tông.

Mùa Đông năm Giáp Thìn “ Anh Tông dâng biểu thỉnh Thượng hoàng về đại nội, xin thọ tại gia Bồ Tát giới” . Người cũng đã từng thỉnh Pháp Loa vào cung Tư Phúc giảng Ðại Tuệ Ngữ Lục, vào cung Thiên Trường để giảng Truyền Ðăng Lục, và xem Tổ Pháp Loa như bậc Tôn sư khả kính, và có ý định xuất gia tu học, nhưng chí nguyện chưa thành thì lâm trọng bệnh. Năm 1318 vua bắt đầu ăn chay “ Bấy giờ thượng hoàng có ý muốn xuất gia, bảo cung nhân ăn chay. Cung nhân có người ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng để làm lương ăn tu hành sau này. Sau Nguyễn Thị Diên quả nhiên xuất gia hiệu là Ni sư Tịnh Quang” .

Trong giới hoàng thân quốc thích lúc đó cũng có xu hướng xuất gia theo đạo Phật và thọ Tam quy Ngũ giới cũng khá nhiều “Năm 1320, Tuệ Nhân đại vương xin được thọ Bồ đề Tâm giới, Quốc phụ thượng tể thọ tại gia Bồ Tát giới…Tư đồ Văn Huệ Vương xuất gia vào năm này. Năm 1324 Chiêu Từ hoàng thái phi xuất gia thọ Bồ Tát giới, Lệ Bảo công chúa xuất gia…” . Điều này cho ta thấy, triều Trần là một triều đại đặc biệt chưa từng có trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo nói riêng, hầu hết những vị vua và giới quyền quý lúc đó đều là Phật tử thuần thành, hết lòng ủng hộ để Phật giáo thời Trần phát triển cực thịnh.

Tóm lại, thời Trần là một trong những điểm son nổi bật nhất suốt quá trình dựng nước và giữ nước của người dân Đại Việt. Trong đó Phật giáo đã tích cực góp phần tạo dựng cho xã hội đời Trần thành tựu rực rỡ. Tuy những biến động lịch sử đã trôi qua, đất nước đang chuyển mình vào thiên niên kỷ mới, nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi thời kỳ vàng son của lịch sử nước nhà. Vì vậy, chúng ta cần làm sống lại dòng lịch sử của Phật giáo thời Trần, một thời đại điển hình về những vị vua anh minh. Hầu hết những vị vua triều Trần đều uyên thâm Phật pháp, các Ngài không những là vị vua tài giỏi, đem lại thắng lợi vẻ vang cho non sông đất nước, mà còn là những vị vua Phật tử thuần thành, vị hộ pháp đắc lực hết lòng ủng hộ Phật giáo. Ngoài những vị vua Trần kính tin Tam Bảo như :Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…chúng ta cũng không thể quên vị vua có công lao to lớn đối với Phật giáo thời bấy giờ, đó là vua Anh Tông. Sau khi lên kế vị, ông ủng hộ Ngài Pháp Loa hoàn thành mọi Phật sự, khiến cho Phật giáo phát triển đến thời kỳ cực thịnh. Đồng thời Vua Trần Nhân Tông còn giúp cho Anh Tông tạo sự an bình cho đất nước bằng những việc ngoại giao để mở mang bờ cõi, cũng như việc lập chùa tháp, hiến đất đai …Nhờ vậy mà dưới thời Trần đã xuất hiện những sở hữu đất đai rất lớn, đó là những điền trang của quý tộc và quan lại. Đặc biệt điền trang của Ngài Pháp Loa có đến khoảng 2000 mẫu ruộng và gần 1000 tá điền. Đó là bất động sản mà nhà vua và các hoàng thân quốc thích đã hiến cúng cho Giáo hội, chính những yếu tố trên đã giúp vua Anh Tông hoàn thành vai trò của một vị vua hộ pháp. Cho nên bất kỳ thời đại nào mà có những vị hộ pháp như thế thì Phật pháp mãi mãi được xương minh.

Chú thích:

1.Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các Triều Đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên, tr. 116.

2.Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký Toàn thư Tập 1, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2004, tr. 536.

3.Phạm Hùng Việt,Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam

4.Sđd

5. Nguyễn Đăng Thục, Khái quát Tư tưởng Thời đại Nhà Lý, Tạp chí Vạn Hạnh số 1- 1965.

6. Thích Mật Thể, Viêt Nam Phật Giáo Sử Lược, Nxb Minh Đức 1960, Tr.119.

7. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học Hà Nội, 2000, Tr.315.

8. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học Hà Nội, 2000, Tr.319.

9. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học Hà Nội, 2000, Tr.320.

10. Ngô Sĩ Liên,Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

11. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1, Lá Bối, Sài Gòn, 1974, tr. 406.

12. Lê mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb TP. HCM, 2000, tr. 208.

13. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký Toàn Thư

14. Nguyễn Lang , Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn Học Hà Nội, 2000, tr.321.

Thích Nữ Trung An