Trăm sự chẳng màng, ba năm niệm Phật thấy Phật vãng sanh
Một bà nhà giàu ở Hàng Châu đến am Hiếu Tử hỏi Đạo Nguyên Hòa thượng rằng: “Tu pháp môn nào nội một đời chắc chắn thoát khỏi biển khổ?”.
Hòa thượng dạy: “Không gì hơn niệm Phật! Nhưng niệm Phật không khó, mà khó ở bền lâu. Bền lâu chưa khó, mà khó nơi tâm chuyên nhất. Bà nếu có thể không quản đến tất cả thế sự, mà chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Phật và chí thành phát nguyện vãng sanh, khi lâm chung Phật đến tiếp dẫn thời được giải thoát”.
Bà mừng lắm, lạy tạ Hòa thượng mà về. Bà đem tất cả việc nhà ủy thác cho dâu con, còn bà thời cất tịnh thất ở riêng lo tu trì.
Cách đó hơn một năm, bà đến am thưa với Đạo Nguyên Hòa thượng rằng: “Từ khi nhờ ơn Hòa thượng chỉ dạy, đệ tử bỏ cả việc nhà, chỉ chuyên lo niệm Phật. Đệ tử tự xét lấy mình cũng có thể gọi là không biếng trễ, chỉ khổ nỗi khó được nhất tâm. Trông mong Hòa thượng từ mẫn dạy bảo thêm cho!”.
Tỉnh táo niệm Phật dù căn bệnh quái ác hành hạ, anh trai an lành vãng sanh
Hòa thượng nói: “Bà dầu vất bỏ việc nhà mà trong lòng còn tưởng nhớ con cháu, quyến thuộc tình ái chưa dứt mà muốn nhứt tâm sao được! Từ nay bà phải gia công. Trước hết, nên nhổ sạch gốc tình ái, trong tâm tất cả đều buông bỏ, rồi sau mới có thể được nhất tâm!”.
Bà than rằng: “Hòa thượng dạy rất đúng! Đệ tử dầu thân không quản đến gia đình mà tâm chưa rời được. Từ nay đệ tử quyết định trăm sự không quản đến”.
Sau khi về tịnh thất, bà tinh tấn niệm Phật hơn trước. Mỗi khi trong lòng tưởng tới gia đình, bà liền tự bảo: “Trăm sự không quản đến! Trăm sự không quản đến!”, để trừ sự tưởng nhớ ấy. Có ai hỏi đến việc nhà, việc đời, bà cũng chỉ trả lời bằng câu: “Trăm sự không quản đến! Trăm sự không quản đến!”, rồi niệm Phật.
Do đó, cái danh hiệu “Bà Bá Bất Quản” truyền khắp xóm làng, và người ta không còn kêu đến tên họ cũ của bà nữa.
Cách ngót hai năm sau, bà đến am tạ Hòa thượng rằng: “Con y theo lời Hòa thượng dạy, niệm Phật đã được nhứt tâm, đã được thấy Phật. Không mấy hôm nữa con sẽ về Cực Lạc!”.
Hai ngày sau, bà không bệnh, đoan tọa mà vãng sanh. Bấy giờ là năm Gia Khánh sơ niên.
Trích ở “Nhiễm Hương Tập”.
HT. Thích Trí Tịnh