Trách nhiệm của Tăng, Ni, Phật tử trong vấn đề Hộ trì Chánh pháp
Mạng mạch giáo pháp của Như Lai vẫn có thể trường tồn theo năm tháng nếu mỗi người giữ vững được niềm tin bất diệt đối với chánh pháp và nỗ lực hành trì những điều Đức Phật đã chỉ dạy cho hàng đệ tử.
Sau khi thành đạo, giáo lý về “Bốn chân lý nhiệm màu” (Tứ Diệu Đế) giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau, hưởng niềm an vui, giải thoát đã được Đức Thế Tôn hoằng dương khắp vùng Ấn Độ. Kể từ đó, ánh đạo vàng Từ bi và Trí tuệ dần theo bước chân an lạc của những người đệ tử Như Lai mà tỏa rạng khắp năm châu, mang lại hạnh phúc cho những người con Phật. Trải qua gần 26 thế kỷ, tuy có những lúc thịnh suy theo dòng chảy thời cuộc; có lúc đạo Phật cũng phải thay đổi để thích ứng với văn hóa, phong tục của từng quốc gia, nhằm bám trụ sâu vào tâm khảm quần chúng nhân dân, nhưng nội hàm Đạo Phật với đặc tính Bi – Trí – Dũng vẫn được bảo tồn qua từng lời kinh tiếng kệ đến tận ngày nay. Điều đó là nhờ sự hộ trì không ngừng nghỉ, từ hình thức bên ngoài cho đến nội hàm tu tập bên trong của hàng Tứ chúng (xuất gia nam, xuất gia nữ, cư sĩ nam, cư sĩ nữ).
Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy: “Ở đây, sau khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, các Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và quy thuận bậc Đạo Sư, sống tôn trọng và quy thuận giáo pháp, sống tôn trọng và quy thuận Tăng chúng, sống tôn trọng và quy thuận học giới, sống tôn trọng và quy thuận lẫn nhau. Đây là nguyên nhân chánh pháp được tồn tại lâu dài sau khi Như Lai viên tịch” [1]. Như vậy, Đức Phật đã khẳng định, muốn chánh pháp trường tồn, mỗi người đệ tử phải nỗ lực hành trì giáo pháp của Thế Tôn. Khi nào hàng Phật tử tại gia lẫn xuất gia còn tu tập, hành trì theo chánh pháp thì khi ấy gia tài Pháp bảo của Như Lai vẫn còn lưu truyền nơi hậu thế.
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
Người xuất gia là những người chấp nhận từ bỏ đời sống gia đình thế tục, để sống một cuộc đời tỉnh thức, là những người nỗ lực trong công phu tu tập nhằm chuyển hoá các tập nghiệp xấu ác của mình với chí nguyện duy nhất là thoát khỏi luân hồi, sinh tử và độ thoát chúng sinh. Quá trình đó đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều vì tu tập là hành trình “đi ngược” dòng đời, tâm tính và hình hài của người xuất gia không còn giống với người thế tục. Mang trong mình hoài bão giải thoát, quyết chí bước theo dấu chân giác ngộ của Đức Như Lai, người xuất gia được xem là người nối thạnh hạt giống Thánh.Vì vậy trách nhiệm hộ trì chánh pháp là điều không thể thiếu với một người xuất trần Thượng sĩ. Trong kinh Du Hành [2], Đức Phật đã trình bày các nguyên nhân khiến Phật pháp hưng thạnh, nhưng chung quy lại vẫn tập trung vào việc kính tin Tam bảo, sống hoà hợp trong đoàn thể xuất gia, nỗ lực công phu và nghiêm trì Giới – Định – Tuệ của mỗi hành giả.
Kính tin Tam bảo
Người xuất gia muốn cầu thành Phật, điều đầu tiên là phải trở về nương tựa, cung kính ba ngôi báu Phật – Pháp – Tăng, gọi là Tam bảo. Phật là cha lành của chúng sanh, là bậc Bi – Trí vẹn toàn; là người đã tuyên dương chánh pháp, hướng dẫn chúng sinh đi từ bờ mê sang bến giác. Pháp là những lời dạy của Đức Thế Tôn, có công năng trị liệu những nỗi khổ, niềm đau và nếu tu tập, hành trì đúng đắn sẽ giúp chuyển hoá từ phàm sang thánh. Tăng là đoàn thể những vị xuất gia chân chính cùng hướng đến một lý tưởng chung là giải thoát, giác ngộ, cùng sống một đời sống hoà hợp và thanh tịnh. Người xuất gia kể từ giây phút phát nguyện học Phật đã xem Đức Phật là bậc thầy hướng đạo; xem giáo lý là cơm thiền sữa pháp nuôi sống mạng mạch tâm linh và xem Thầy Tổ cùng những vị xuất gia khác là Bồ đề quyến thuộc của mình. Đặt trọn niềm tin nơi Tam bảo là đặt trọn niềm tin vào khả năng giác ngộ giải thoát nơi mình; là đặt niềm tin nơi đức tính từ bi, bình đẳng, hoà hợp, thanh tịnh nơi cõi tâm của mỗi hành giả. Đây là nền móng cơ bản nhất cho ngôi nhà tâm linh của mỗi vị xuất gia. Có kính tin Tam bảo, ta mới có chất liệu để hộ trì và hoằng dương chánh pháp đến người khác một cách hiệu quả nhất.
Tu tập tinh cần Giới – Định – Tuệ
Trong lộ trình tu tập, người xuất gia dù hành trì theo pháp môn nào đi chăng nữa, cũng không thể rời khỏi ba trụ cột tâm linh chủ chốt là Giới – Định – Tuệ. Trên nền móng quy kính Tam bảo, muốn ngôi nhà tâm linh thật bền vững để hộ trì và xương minh Phật pháp thì ba trụ cột Giới – Định – Tuệ của mỗi hành giả phải được xây dựng vững chắc.
Người tu hành tuân thủ những điều giới đã thọ nhận, xem “giới” như là khuôn vàng thước ngọc giúp bỏ ác làm lành, tịnh hoá ba nghiệp thân – khẩu – ý. Nhờ “giới” mà tiêu trừ nghiệp chướng, gia tăng công đức. Song song với giữ gìn giới luật, người học Phật nỗ lực thực tập chánh niệm thông qua các phương pháp khác nhau như: Thiền định, niệm Phật, trì chú để tâm không khởi lên các vọng niệm sai quấy, bất thiện, tâm được định tĩnh, từ đó làm cơ sở tuệ phát sinh. Khi có chánh niệm liên tục là có được sự tỉnh thức. Chánh niệm sẽ hộ trì tam nghiệp để ác pháp không thể sinh khởi, giúp thiện pháp tăng trưởng. Không dừng lại ở đó, người xuất gia còn phải nỗ lực học tập kinh – luật – luận để có được trí tuệ, làm hành trang cho quá trình tu tập. Nhưng trí tuệ này chỉ là giai đoạn đầu, gọi là văn tuệ, nghĩa là “trí” do học hỏi mà có. Từ trí tuệ do học hỏi, mỗi vị phải suy nghiệm về những điều đã học từ thầy tổ gọi là tư tuệ; để sau đó nỗ lực tu trì thì mới đạt đươc trí tuệ giải thoát thật sự gọi là tu tuệ. Khi có trí tuệ, chúng ta sẽ nhìn mọi vật với cặp mắt duyên sinh, vô ngã; lìa bỏ sự bám chấp vào ngũ dục, từ đó được an lạc, giải thoát.
Ta thấy trong Giới cũng có Định và Tuệ, trong Tuệ cũng có Giới và Định. Vì vậy, kinh Đại Bát Niết bàn đã nói: “Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu” [3].
Người có hành trì Tam vô lậu học, thực tập oai nghi trong đi, đứng, nằm, ngồi thì thân tướng sẽ ngày càng trang nghiêm, thanh thoát; có thực tập chánh niệm thì tâm càng trở nên định tĩnh; có huân tu trí tuệ thì càng thấu suốt thật tướng của vạn pháp. Giới – Định – Tuệ vừa là nội hàm đưa hành giả tiến dần đến giải thoát sinh tử vì giúp chế ngự tình trạng bất ổn, loại bỏ những phiền não ngay trong hiện tại và ngăn ngừa phiền não sẽ phát sinh trong tương lai. Đồng thời, cũng là phương tiện hữu hiệu để nhiếp hóa chúng sanh, góp phần truyền cảm hứng cho những người không có đức tin hay cư sĩ tại gia phát khởi tín tâm, quy hướng tu tập theo đạo Phật khi tiếp xúc với những vị trai giới tinh chuyên, sống đời tử tế và đạo đức.
Tránh xa lề thói hưởng thụ
Nét đẹp của một người xuất gia thể hiện qua sự giản dị nơi màu áo nâu sồng, nhưng lại chuyên chở một phẩm hạnh thanh cao, giải thoát. Vì vậy, tránh xa lề thói hưởng thụ, an vui với nếp sống thanh bần là điều mà người xuất gia cần hướng tới nếu muốn tu tập hiệu quả trên lộ trình giác ngộ. Trong tác phẩm Quy Sơn Cảnh Sách, Thiền sư Linh Hựu đã từng dạy: “Tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc”, nghĩa là muốn tiến xa trên con đường giải thoát, mong cầu làm Phật, tự trang nghiêm thân tướng của mình, thì không gì bằng việc ba nhu cầu cơ bản của con người là “ăn, mặc, ở” phải hơi thiếu thốn một chút. Người xuất gia được gọi là “Khất sĩ”. Trước là xin phẩm vật của đàn na tín thí để nuôi sống bản thân, sau là xin giáo pháp của Đức Phật để tu tập mong cầu giải thoát. Vì vậy, tài sản của người xuất gia chỉ là “ba y, một bát”, đầu trần chân đất rảo khắp nhân gian, “xin ăn” nhưng vì lòng bi mẫn đối với chúng sanh mà thọ nhận. Tuy sống thiếu thốn nhưng luôn an lạc, tuy nghèo khó nhưng phẩm hạnh và giới đức mãi thanh cao.
Trong những lời dạy dỗ cuối cùng trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật đã dạy: “Tỳ kheo các con! Nếu muốn thoát khỏi mọi khổ não, nên quán xét việc biết đủ. Phép biết đủ chính là chỗ giàu có, vui vẻ, an ổn. Người biết đủ dù nằm trên mặt đất, vẫn thấy yên vui. Người không biết đủ, dù ở trên cảnh trời cũng chưa thỏa ý. Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kẻ không biết đủ thường bị năm dục dắt dẫn, nên người biết đủ lấy làm thương xót lắm” [4]. Ý niệm đầy đủ hay thiếu thốn không phải nằm ở vấn đề vật chất, mà phụ thuộc vào tư tưởng, suy nghĩ của chúng ta. Đức Phật dạy người xuất gia phải sống hạnh thiểu dục tri túc là để đối trị với lòng tham đắm, đó chính là nguồn cơn của mọi khổ đau và phiền não. Nếu người xuất gia chỉ mãi chạy theo và dính mắc nơi ngũ dục, mãi xoay quanh việc ăn uống, danh lợi, tiền tài như người thế gian, thì dần dần sẽ đánh mất đi chất liệu giải thoát của một người xuất gia chính nghĩa.
Mặt khác, người xuất gia nhờ vào vật phẩm cúng dường từ Phật tử mà duy trì sinh mạng, xuất phát từ sự tin tưởng vào đời sống phạm hạnh của người xuất trần thượng sĩ mà tạo nên. Vì vậy, người xuất gia phải biết thọ dụng phẩm vật cúng dường một cách vừa phải, để tránh làm tổn hại đến tín tâm của hàng Phật tử tại gia. Vì vậy, muốn bảo hộ và giữ gìn mạng mạch giáo pháp của Như Lai, không gì khác hơn là phải thực hành được nếp sống ít muốn, biết đủ, nỗ lực tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy duyên. Lấy Thất thánh tài (Tín, Giới, Tàm, Quý, Văn, Thí, Tuệ) làm tài sản chính mình. Có như vậy, mới đảm bảo chất liệu đời tu của người xuất gia, vừa giữ được hình ảnh thanh cao trong mắt người cư sĩ.
Sống theo sáu pháp hoà kính
Hoà hợp và Thanh tịnh là hai yếu tố tiên quyết để hình thành nên Tăng đoàn của Đức Phật. Nếu thiếu đi hai đức tính ấy, khái niệm “Tăng đoàn” chỉ còn là hình thức, mất đi tính nội dung, không còn là một trong ba phần của Tam bảo nữa. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu, lụi tàn của Phật giáo. Vì vậy, để hộ trì chánh pháp phải duy trì được hai đặc tính quan trọng ấy. Lục hoà hay sáu pháp hoà kính là chất liệu để tạo nên hai đặc tính đó.
Lục hoà là sáu pháp cư xử hoà thuận với nhau từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm đã được Đức Phật chỉ dạy cho hàng đệ tử, gồm: Thân hoà cùng ở; lời nói hoà hợp, không tranh cãi nhau; ý hoà cùng vui; giới hoà cùng tu; thấy biết giải bày cho nhau hiểu; lợi ích cùng chia sẻ với nhau. Hoà hợp hướng tới mục đích cao đẹp, cùng đi đến con đường giải thoát, chứ không phải hoà một cách nhu nhược, thụ động. Đây yếu tố đảm bảo cho sự gắn kết, vững mạnh của Tăng đoàn.
Mỗi vị xuất gia là một viên gạch trong ngôi nhà Phật pháp, muốn ngôi nhà Phật pháp vững vàng, bản thân phải tự ép mình vào nề nếp quy củ của thiền môn, đồng thời có sự nối kết giữa các thành viên khác trên tinh thần hiểu biết và thương yêu. Pháp Lục hoà chính là chất keo gắn kết từng thành viên trong đoàn thể tu học lại với nhau, là kim chỉ nam để mọi người cùng “nắm tay nhau” đi đến đích cuối cùng là giác ngộ, giải thoát. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh, có đoàn kết là có tính ổn định lâu dài và là nền tảng cho sự phát triển về sau. Vì vậy, muốn hộ trì Tam bảo, mỗi vị xuất gia hãy bắt đầu bằng việc tu tập nếp sống lục hoà nơi đoàn thể tu học của chính mình, để tạo nên tính vững mạnh cho Tăng bảo, làm một chiếc cầu vững chắc để Phật tử tiếp cận với giáo pháp Đức Như Lai.
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA
Quy kính và cúng dường Tam bảo
Bên cạnh tầng lớp xuất gia, tầng lớp tại gia cũng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề hộ trì chánh pháp. “Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hoá, thiền môn hưng thịnh nhờ đàn việt phát tâm”. Nghĩa là nếu như tầng lớp xuất gia có trách nhiệm trong vấn đề hoằng truyền giáo lý của Đức Phật đến với mọi người, thì tầng lớp tại gia lại có trách nhiệm hộ trì Tam bảo về vật chất. Cư sĩ tại gia thông qua việc cúng dường Tam bảo sẽ góp phần làm cho chốn thiền môn ngày càng hưng thịnh.
Dưới thời Đức Phật, có hai vị tín chủ là Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) và Vishākā nổi tiếng về hộ trì Tam bảo; từ việc yểm trợ đời sống cho chư Tăng như: Y phục, thực phẩm, thuốc men, tọa cụ, đến xây dựng các ngôi tịnh xá lớn để có nơi trú ngụ, tu tập cho Đức Phật và chư Tăng. Nhờ sự hộ trì của các đại thí chủ mà các vị xuất gia không tốn nhiều thời gian lẫn công sức cho việc khất thực, nhất là vào mùa mưa của các tháng An cư kiết hạ, nên sẽ có nhiều thời gian hơn để học tập giáo lý, công phu. Chất liệu giải thoát, kinh nghiệm tu học cũng từ đây mà lưu xuất. Từ đó, hàng ngũ xuất gia có nội hàm để chia sẻ lại cho đàn na tín thí, giúp cho họ ngoài việc có phước đức từ việc bố thí cúng dường thì còn có giáo pháp để tu tập.
Cũng giống người xuất gia, bước đầu để một Phật tử tại gia có thể hộ trì Chánh pháp không gì khác hơn là phải xây dựng niềm kính tin với Tam bảo. Phật tử tại gia khi phát tâm quy y Tam bảo thì việc quy y không chỉ là trở về nương tựa trên mặt hình tướng bên ngoài như đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, thân cận quý Tăng Ni mà thôi; dần dần phải trở về nương tựa với bản thể Tam bảo có sẵn trong tự tâm mỗi hành giả. Cũng vậy, Phật tử có trách nhiệm hộ trì chánh pháp, không chỉ dừng lại ở mặt sự tướng bên ngoài, mà cần phải hộ trì Tam bảo bằng chính chất liệu giải thoát, an lạc kết tinh từ công phu tu tập ở bên trong.
Ban đầu, Phật tử hộ trì Tam bảo ở thế gian thông qua việc cúng dường tịnh tài, tịnh vật để xây dựng chùa chiền; tôn tạo tượng Phật, Bồ tát; ấn tống kinh sách hay hỗ trợ cho Tăng Ni tu học. Nó còn là việc bỏ công góp sức vào các Phật sự tại chùa hay của Giáo hội, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện với vai trò là cánh tay nối dài của chư Tăng Ni, làm cho Phật pháp lan tỏa đến những nơi chưa có hình bóng của đạo Phật. Sự đóng góp về tài lực và nhân lực sẽ giúp chùa chiền ngày càng phát triển về số lượng và quy mô, đáp ứng nhu cầu tu học cho cả người xuất gia và cư sĩ tại gia. Ngoài ra, Phật tử tại gia còn hộ trì xuất thế gian Tam bảo bằng cách thể hiện sự tôn kính với những nơi thờ tự chư Phật, chư Bồ tát, các bậc Thánh hiền, trưởng thượng; nguyện học theo những gương hạnh của các Ngài để học tu tiến đạo. Để rồi cuối cùng là hộ trì Đồng thể Tam bảo, tức là Tam bảo trong tâm bằng cách nỗ lực tu tập, làm sáng tỏ các đức tính Từ – Bi – Hỷ – Xả và không bao giờ thoái chuyển niềm tin đối Tam bảo,… Khi có được sự an lạc, giải thoát kết tinh từ công phu tu tập, làm phước thiện thông qua ba mức độ hộ trì chánh pháp như trên, Phật tử tại gia không còn thoái lui niềm tin đối với Tam bảo nữa.
Tu tập Giới – Định – Tuệ
Bên cạnh việc kính tín Tam bảo, Phật tử tại gia cũng phải giữ gìn những điều đạo đức (giới luật) mà khi phát tâm quy y mình đã được nhận lấy từ thầy của mình. Đó là năm giới, tám giới, hay cao hơn là giới Bồ tát để làm lợi lạc cho chúng sanh. Phật tử tại gia nguyện không sát sinh hại vật, ngược lại ban bố sự sống cho muôn loài bằng việc phóng sanh, cứu giúp người bệnh tật, hay phát nguyện ăn chay trường; nguyện không trộm cắp hay lấy những thứ không thuộc quyền sở hữu của mình, ngược lại còn thực hành bố thí cúng dường Tam bảo và những người nghèo khó; nguyện không ngoại tình mà chỉ sống chung thuỷ; nguyện không nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, mà chỉ nói những lời hòa ái, đoàn kết, yêu thương, có tính xây dựng; nguyện không sử dụng các loại thực phẩm nguy hại đến sức khỏe như: Thuốc lá, rượu bia, chất kích thích,… mà chỉ sử dụng các loại thực phẩm, đồ dùng tốt cho sức khoẻ dưới cái nhìn của chánh kiến và chánh tư duy. Những điều đạo đức ấy là nền tảng vững chắc giúp đời sống tâm linh của Phật tử thăng hoa, tạo nên con người có đạo đức chuẩn mực, góp phần xây dựng một xã hội an ổn.
Bên cạnh đó, cũng giống như chúng xuất gia ở trên, bên cạnh giới luật đã phát tâm thọ trì, cư sĩ tại gia cũng phải thực hành Định và Tuệ. Phật tử dưới sự chỉ dẫn của hàng Tăng Ni, theo nhân duyên và hoàn cảnh riêng mình mà nỗ lực công phu tu tập, thực hành đời sống chánh niệm trong những sinh hoạt thường ngày, tham dự các lớp giáo lý từ căn bản đến nâng cao tại các chùa để nâng cao kiến thức Phật học, làm hành trang để chuyển hoá, đoạn trừ đi những chủng tử xấu ác trong quá khứ, huân tập những hạt giống thiện lành. Những điều đó là một sự thiết thực để hộ trì chánh pháp.
Làm tròn bổn phận trong các mối quan hệ xã hội
Thêm vào đấy, để hộ trì Chánh pháp, Phật tử còn phải sống trọn vẹn với trách nhiệm xã hội của mình. Phật tử tại gia tu tập theo lời dạy Đức Phật, vừa là một Phật tử chuẩn mực trong đạo, nhưng đồng thời cũng là một công dân với các chức vụ khác nhau trong đời sống thường nhật. Trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Singālovāda Sutta) [5] hay còn gọi là kinh Thiện Sinh, Đức Phật đã chỉ dạy cho hàng tại gia về bổn phận của mình khi sinh sống trong xã hội, từ việc làm cha, mẹ, chồng, vợ, con, cái, thầy, trò,… để giúp mỗi người hoàn thành đúng vai trò đối với những người xung quanh.
Việc giữ gìn những điều đạo đức đã thọ trì, sống đúng vai trò trách nhiệm của mình trong xã hội không những có tác dụng nâng cao phẩm hạnh của chính mình, mà còn góp phần khuyến hoá những người thân xung quanh; làm cho gia đình, láng giềng có cảm tình với Đạo Phật khi thấy được sự thay đổi của chúng ta từ lúc tu tập. Lối sống có đạo đức, lời nói hoà nhã, suy nghĩ thiện lành sẽ là một bài học thân giáo, khuyến hoá mọi người cảm mến đạo Phật, gieo chủng lành vào tâm thức những người chưa biết đạo.
Tóm lại, dù biết rằng vạn vật đều bị chi phối bởi quy luật của vô thường, có rồi sẽ mất. Tuy nhiên, mạng mạch giáo pháp của Như Lai vẫn có thể trường tồn theo năm tháng nếu mỗi người giữ vững được niềm tin bất diệt đối với chánh pháp và nỗ lực hành trì những điều Đức Phật đã chỉ dạy cho hàng đệ tử. Sự hưng thịnh của đạo Phật không chỉ được đánh giá qua “Chùa to Phật lớn”, hay số lượng Tăng Ni, tín chúng đông đảo, mà nó được thể hiện qua nội hàm tu tập bên trong của mỗi hành giả Phật giáo. Nội hàm tu tập có thâm hậu, nếp sống của Tăng Ni Phật tử có thấm nhuần đạo đức, trí tuệ hay không mới là nhân tố quyết định cho sự tồn vong của đạo pháp. Nên với tấm lòng quý kính đạo Phật, muốn hộ trì chánh pháp và nối dài cánh tay Bồ-tát với hạnh nguyện đem đạo vào đời để khuyến hóa chúng sanh, không gì thiết thực hơn là tự thân mỗi người, dù tại gia hay xuất gia phải nỗ lực tu trì, chuyển hoá thân tâm, chế tác niềm an lạc, hạnh phúc, hiến dâng những hoa thơm trái ngọt kết tinh từ công phu ấy cho những người khác. Làm được như vậy mới đúng nghĩa là thiết thực hộ trì chánh pháp, thiết thực cúng dường chư Phật:
“Bậc hiền thiện là người dứt được
Tham, sân, si – nguồn gốc khổ đau
Tỏ thông trí tuệ làu làu
Đức tài ngời sáng, đạo mầu tràn dâng” [6].
Chú thích:
[1] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ I, XXI. Phẩm Kimbila, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015, tr.823.
[2] Hán Dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trường A – Hàm I, 2. Kinh Du hành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr.64-66.
[3] Thích Minh Châu dịch; Kinh Trường Bộ, 16. Kinh Đại Bát-Niết-bàn; Nxb. Tôn giáo; Hà Nội; 2013; tr.284.
[4] Đoàn Trung Còn, Chư Kinh Tập Yếu – Phật Di Giáo Kinh (phần nghĩa), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.438.
[5] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, 31. Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr.621-631.
[6] Thích Nhật Từ, 423 lời vàng của Phật (Kinh Pháp Cú – Dhammapada), Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, 2016, tr.101.a