Trả nợ mùa hè

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1263 – Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Có lần, Hải nghe ông nội phẫn nộ chuyện đàn bà nhẫn tâm bỏ bầy con nheo nhóc thì ba bảo: cô ấy khổ vậy chắc đã quá sức rồi, trước nay ba cũng thấy cái tâm con dâu rất tốt mà, giờ chắc hết duyên nên mới lầm mê rước tiếng phụ chồng bạc con.

Thằng Hải nghe ba nói vậy thì không nghĩ mẹ theo chiều hướng tiêu cực như người xung quanh nghĩ nữa. Từ nhỏ tới giờ, ba nói gì nó chẳng tin.

Nhà một mớ “đàn ông”. Nhưng mỗi ba lao động. Ông nội đã tám mươi nay bệnh mai đau, hai thằng em đều thuộc diện ăn ngủ. Đến thằng Hải anh cả, cũng chỉ học lớp 9. Ba đi làm suốt, giao nó chức “tổng quản”. Nó làm tốt hơn ba tưởng nhưng công việc và thu nhập của ba không ổn định nên túng bấn hoàn túng bấn. Một hôm, ba nói sẽ đi làm xa. Chỉ còn cách này mới cứu được gia đình … – dù kiên cường đến mấy thì nó cũng lén khóc.

Cuộc sống, có những chuyện tưởng không thể nhưng khi gặp tình huống không cách chi thay đổi thì không thể cũng biến thành có thể. Việc nhà bời bời nhưng Hải cắt đặt đâu ra đó. Chi tiêu vén khéo trong khung tiền ít ỏi ba gửi về nên nó phải căn cơ cần kiệm, tính từng đồng từng cắc.

Hoàn cảnh siêu khó, đến trường trong bộ dạng cơ hàn nhưng Hải không dễ dàng vắng học. Em hiền lành, ăn nói đàng hoàng và học hành nghiêm túc, sôi nổi, có điều học nhiều hiểu ít nên thường phát biểu dông dông. Lỗi nặng nhất là hay chất vấn cô/thầy trong giờ học, nhưng toàn những vấn đề không nhập nhĩ làm bạn bè khó chịu. Thầy/ cô đừng bận tâm, bạn ấy tính tưng từng vậy hồi giờ. Tôi cũng nhiều lần bị cụt hứng ngang hông khi đang cao trào giảng thì Hải chen ngang bằng những câu vặn vẹo hơi “vô duyên”. Nhưng biết bản chất tốt đẹp của em thì không nỡ giận. Thấy học trò nói bạn bằng những từ hơi phân biệt, tôi dỗ:

– Đừng nói bạn như vậy, không nên đâu các em. Hải hiền lành và vượt khó, học hành sôi nổi và ham mở mang vậy thì cô tin thầy cô cả trường luôn thương không hết có đâu mà giận.

Đấy là những lời nói thật chứ không phải nói chỉ để giáo dục sự thông cảm và trân quý sự khác biệt của bạn bè cho học sinh đâu. Không thương sao được, để kịp vô lớp lúc 6g45, Hải phải tranh thủ đi chợ sớm. Tiêu chuẩn mỗi bữa ăn cho bốn người là hai mươi ngàn. Hai mươi ngàn trong khi thịt rau đều đắt, Hải phải rối đầu tính toán. Cả chợ, ai thấy cậu học trò tèm hem, mang chiếc ba lô sờn bạc, trán nhíu lại sau một hồi tính toán rồi móc rau bí trước cổ xe đi học cũng đều phải xót xa. Nhìn tướng đã thấy tội. Ốm nhom, bước đi như lao, cứ chúc đầu về phía trước như không dám nhìn ai.

Cuộc sống của Hải tưởng đã yên lành trong cơ cực. Ai ngờ buổi sáng hôm ấy, bước xuống xe buýt, tôi không thấy chiếc quần xanh áo trắng nhíu trán chúc đầu về phía cổng chợ nữa. Vào lớp thấy chỗ ngồi đối diện bàn giáo viên bị bỏ trống. Bạn Hải đâu ? Bỏ học đi làm rồi.

Nghe học trò nói, tôi đau khổ nghĩ phải chi lá mít sau vườn có thể biến thành những lá tiền. Phải chi người ta chỉ uống nước mà no. Hay bệnh, hay tại thi cuối năm xong nên Hải không đi học nữa? Tuyệt đối không, ốm rề rề cũng ráng tới trường mà. Nhưng đã vắng từ hôm qua. Sự này hơi lạ.

Tôi tìm tới nhà. Ông nội bảo Hải đã đưa thằng em kề vào bệnh viện. Mấy rày cu em cứ nổi mẩn ngứa, Hải đè ra, đổ dầu bết người nhưng vẫn ngứa, nổi hột nổi hạt. Bác sĩ kêu tạm thời nhập viện, vậy là vắng học chăm em luôn. Nhưng tin này nó giấu người cha đang ở xa. Nó bảo ba chẳng thể chữa bệnh cho em nên nói chỉ làm ba lo thôi.

Chăm em, những người cùng phòng hay nhờ vặt chuyện nọ chuyện kia, mỗi lần nhờ đều trả tiền ship – một cách giúp đỡ đáng ngợi ca của những người cũng đang khó khăn.

*

Ông Bảy Lửa trở về xóm nhỏ sau ba mươi năm lăn lộn trên đất khách. Mọi người gọi ông là Việt kiều, khi gặp thì dùng kiểu xưng hô khiêm cung, khách sáo, cái tên cúng cơm “Bảy Lửa” nay chỉ được nói vụng. Ông không vui, nói chuyện luôn cố tình xưng “Bảy Lửa” để mọi người tự nhiên giao tiếp. Tính cách con người có thể thay đổi nhưng tên tuổi muôn đời không đổi – nên tớ vẫn cứ là “Bảy Lửa” – ông nói và đập tay vào ngực cười ha ha. Cứ như phép cũ mà xài, phải vai gì gọi vai nấy, đừng thay sửa gì hết, phiền phức.

Cụ thân sinh ông gọi Bảy Lửa, vì là đứa con thứ bảy và tính nóng hơn lửa. Rất dễ bùng cháy. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Nay ông nguội rồi, nguội hẳn. Để có cuộc đổi thay 180 độ đó, ông đã phải trả một cái giá đắt đỏ. Trả xong, cũng như bước qua cơn lầm mê mà tỉnh ngộ. Ông nói phải buộc chỉ cổ tay mà nhớ, lúc nóng có thể nói nhưng cấm được làm gì.

Hồi mới cưới, vợ chồng chưa hiểu nhau nhiều, có lần ông đi nhậu qua đêm, về bị vợ cử cẳng, ông nổi điên chố bạt tai nảy lửa. Lỡ tay, vợ cắm đầu, sẩy thai. Sau một thời gian dưỡng bệnh, vợ mới hoài thai lại và sinh con vuông tròn. Nhưng vợ đẹp con xinh không níu được đôi chân hải hồ của người chồng ôm đầy hoài bão.

Ở yên một chỗ, ông Bảy Lửa cứ cồn cào ruột gan, cảm giác mang tội với tuổi trẻ nam nhi, cái tuổi dễ động lòng bốn phương. Nghĩ tới nghĩ lui, ông đẩy mấy con bò, bán ruộng đất, từ anh nông dân chuyển qua buôn bán. Những chuyến hàng ngược xuôi nhiều bận. Khởi đầu đầy tiềm năng, ông hừng hực phấn chấn, vậy là đem hết vốn liếng cược một vố lớn.

Trắng tay!

Nhưng không cam tâm an phận, ông Bảy Lửa lại đi, lần này thì vào tận rừng sâu tìm vàng như lời đồn đoán và nhiều người hiện cũng đang làm. Đàn ông chỉ sợ không có chí chứ không sợ khổ. Vợ con rồi ông sẽ bù sớt sau.

Ngập chìm ở vùng rừng thiêng nước độc, kiếm được ít vàng, ông lại đem đi kinh doanh. Sau có đường vượt biên từ một người bạn làm ăn, Bảy Lửa về nói với gia đình mình qua bển trước rồi đem vợ con qua sau. Vợ không đồng ý, ông cứ đi. Ông xuất ngoại bởi tờ kết hôn giả nhưng qua tới đất Mỹ từ giả lại biến thành thật. Khi biết chuyện, cô vợ bèn ly hôn không cần tòa án, không cần sự đồng ý của chồng. Bà Bảy quan niệm cái gì cũng có thể chung chạ trừ … chồng.

Cậu con trai từ nhỏ ở với mẹ bây giờ đã hơn ba mươi tuổi. Mẹ tới chùa thường xuyên, và cả hai mẹ con đều ăn chay trường. Cậu Khang bây giờ là chủ một nhà hàng đồ chay và cả một cái tiệm lớn bên cạnh cũng chuyên buôn bán đồ chay trên thị trấn.

Ông Bảy tìm gặp con, nói những câu day dứt tận đáy lòng, ngại ngùng ngỏ ý muốn tài trợ cho con mở cơ sở làm ăn hoành tráng hơn. Nhưng con trai từ chối thẳng. Nói: Thứ ba nợ con không phải tiền, mà là những mùa hè. Ba có biết, một đứa trẻ phải đồng hành cùng nỗi cô đơn thua buồn của mẹ thì đứa trẻ đó vĩnh viễn không có mùa hè không?

Câu nói của con quả ám ảnh, đau chí mạng người cha một thời sai lầm nghĩ đàn ông mạnh là dám đánh đổi tất cả để theo đuổi giấc mơ. Con đâu có biết, bao nhiêu năm nơi đất khách, hồn ông lúc nào chẳng trôi về đất quê, chẳng nhung nhớ thằng con trai duy nhất. Nhưng giờ nói ra điều đó, chẳng có ý nghĩa gì. Ông trước sau vẫn là một người cha tồi tệ, đau quá, đau không chịu nổi.

Ông Bảy chọn mua miếng đất rộng rãi giáp núi, xây một căn nhà nho nhỏ, bình dị như nhà của một người có thu nhập đủ sống. Mối quan hệ của ông và con trai khá trung dung, con không ghét bỏ, cũng không thân mật – ông chấp nhận như cái giá đương nhiên. Ông nghĩ, đến một lúc nào đó con sẽ hiểu, mà nếu con không hiểu thì có nói cũng bằng thừa nên ông chọn bằng lòng với hiện tại, niềm vui của ông là đi làm thiện nguyện.

Làm rồi mới biết, quê mình còn nhiều người khó khăn quá. Giúp hết, không thể nào. Ông chọn giúp những đứa trẻ – đặc biệt những đứa trẻ không có mùa hè. Ông quyết rồi, số tiền con trai từ chối, ông nguyện cho hết trẻ đang khó khăn. Mỗi lần giúp một đứa trẻ thiệt thòi, ông thầm cảm ơn vì chúng đã giúp ông chuộc tội với những mùa hè tuổi thơ con. Ông làm ơn nhưng nghĩ mình mới là người phải mang ơn, những đứa trẻ đã chịu khổ vì những người cha – như ông, như một người cha nào đó tương tự, và như vậy, nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ có khả năng xoa dịu những dằn vặt trong ông.

*

Cả xã luôn, ai nấy đều vui mừng mỗi khi đi ngang qua chỗ có ngôi nhà gỗ tồi tàn của bốn ông cháu đã được tháo dỡ, đào móng, xây cất. Ông Bảy Lửa là người đứng ra cắt đặt, trông coi.

Khi ngôi nhà mới được xây xong và bàn giao, cùng lúc đó, thằng em bị viêm da cơ địa cũng lành bệnh nên niềm vui của thằng Hải nhân đôi.

Niềm vui đã không thể nào diễn tả thành lời khi chỉ một thời gian sau đó, rất nhanh, ba thằng Hải đã về nhà cùng mẹ nó. Ba gặp mẹ trong khu nhà ổ chuột của những người bán vé số trong thành phố – sau khi mẹ bị người đàn ông kia ruồng rẫy. Tình cờ gặp lại nhau trong cảnh vợ đã thân tàn ma dại nhưng tình thương và cả trách nhiệm với các con đã khiến ba quyết định đưa mẹ về cùng.

Thấy ngôi nhà khang trang, ba mẹ Hải dắt tay đi tìm gặp ông Bảy, nhưng ông không có ở nhà, nghe bảo ông đang ở bên nhà con trai, hôm nay hai mẹ con soạn mâm cơm giỗ nội như mọi năm, con trai cung kính sang mời bố.

Nguyễn Thị Bích Nhàn/Báo Giác Ngộ