TP. HCM: Ni sư Hằng Liên thuyết giảng tại trường hạ Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương

Sáng ngày 12 & 13/6/2024 (nhằm ngày 7-8/5 năm Giáp Thìn), tại trường hạ Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương –  NS. Thích Nữ Hằng Liên – Giảng viên HVPGVN tại TP. Hồ Chí Minh; Giảng sư NGHPKS đã chia sẻ ý Pháp trong văn thơ của Đệ nhất Ni trưởng, Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ qua bài Cắt Ái.

 

Khi đọc thơ của Đệ nhất Ni trưởng, người học Phật luôn cảm nhận một nguồn năng lượng diệu pháp bất tận, vì âm điệu chất thơ rất đa dạng, phong phú với nhiều thể loại, nhưng điểm đặc biệt duy nhất đó là cách dùng ý thơ tải đạo của Ni trưởng. Bài thơ Cắt Ái là một trong số đó, hồn thơ được kết nối từ các con chữ láy lại theo vần với niêm luật thất ngôn tứ tuyệt dễ đi vào lòng người, hàm chứa tấm lòng tha thiết phát nguyện tu tập của người xuất gia.

 

 

Từng lời thơ lan tỏa pháp âm vì diệu giúp người học Phật một lòng hướng tâm trên con đường giải thoát. “Đạo pháp nguyên lai chẳng luyến tình” như tiếng chuông ngân vang cảnh tỉnh Ni chúng tu học thanh tịnh không nên lệ thuộc hay dính mắc vào bất cứ một ai. Qua đó, Ni sư liên kết lời dạy của Đức Tổ sư về chữ Ái trong Chơn lý quyển số 4 – Thập nhị nhân duyên: “Ái chúng sanh bình đẳng chơn chánh thì lên đến trí huệ, vào ở chơn như làm Phật, bay bổng khỏi bánh xe khổ là luân hồi. Còn trái lại, nếu ái dục tình thì ích kỷ độc ác, nặng nề dính chặt, phải rớt lộn trở xuống. Tức là chuyển hóa tâm ái nhiễm thế gian đau khổ trở thành tâm ái chúng sanh – thương tất cả muôn loài không phân biệt. Đó là con đường tu tập thay đổi phàm nên thánh hay biến đổi vô minh thành trí tuệ.

 

 

Buổi giảng kế tiếp được Ni sư nhấn mạnh về hạnh nguyện người tu học cần phải buông bỏ cái Ta, nuôi dưỡng trí tuệ Cắt Ái để thành tựu sự thoát khổ luân hồi. Điều này cần phải tuân thủ theo lộ trình giới định tuệ, bằng cách hộ trì các căn, huân tu định lực vững vàng, rồi từng bước kinh nghiệm tuệ giác.Những vần thơ thị chúng của Ni trưởng vô cùng tha thiết soi sáng tâm hồn chư Ni:

Ta đã là người của chúng sanh,

Người nuôi ta để học gương lành.

Sống đây ta sống cho muôn loại,

Ta có quyền đâu sống lấy mình?”

Ni sư giảng giải ý thơ với ngôn từ thật bình dị và thực tế, giúp chư Ni hành giả an cư biết trân quý đời sống phạm hạnh trang nghiêm – lợi mình lợi người. Thực tập quán chiếu các thói quen hàng ngày để giảm bớt sự trói buộc và tiêu trừ bốn khổ.

 

 

 

 

Buổi thuyết giảng khép lại trong hồn thơ tràn ngập pháp lành!

Ban Truyền thông NGKS