TP.HCM: “Những đức tính cần có của người Sa-di học Phật” được nêu bật tại khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9

Ngày 17/7/2024 (12/6/Giáp Thìn), dưới sự chủ trì của ĐĐ. Giác Tuyên – Phó Thư ký GĐ.III, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Y (Cam Ranh, Khánh Hòa), chư hành giả khóa BDĐH lần thứ 9, đã được hiểu thêm về “Những đức tánh cần có của người Sa-di học Phật”, qua đó góp phần giúp hành giả nâng cao ý thức về sự trau dồi oai nghi tự thân, làm dẹp hơn đời sống Phạm hạnh Tăng đoàn Khất sĩ.

Đại đức khẳng định, mỗi người khi xuất gia đều đã tự lựa chọn, xác định cho mình một con đường đi và tự nguyện cam kết đưa bản thân mình vào nếp sống của đời sống xuất gia để hướng đến bậc Thánh, thâu nhiếp ma quân, trên đền bốn ân, dưới cứu khổ ba cõi. Song, để làm được như vậy, bất cứ hành giả nào cũng đều cần rất nhiều thời gian để tự tu sửa, huân tập chính mình, khép mình vào nếp sống Tăng đoàn cho hòa hợp.

Theo đó, Đại đức cho rằng: “Là một vị mới xuất gia, dẫu tuổi đời lớn hay nhỏ, vị ấy vẫn là người học trò nhỏ trong giáo pháp của Tổ Thầy, là người mang trong mình hạt giống giải thoát đã được ươm mầm và đang trong quá trình nuôi dưỡng để hạt giống ấy được đâm chồi nảy lộc. Làm sao để hạt giống ấy được phát triển, đơm hoa kết trái, để hiến tặng cho đời những hoa trái của sự tu tập, đó là cả một quá trình thiêng liêng và cần rất nhiều sự quyết tâm của hành giả xuất gia, người đang dụng công chăm sóc hạt giống ấy”.

Nhắc lại ý nghĩa của khóa BDĐH được chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái tổ chức hằng năm, Đại đức khẳng định, những kiến thức Phật học, kiến thức thế gian… cũng là những điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu thời đại, cho một cuộc sống chung của người tu sĩ, song đó không phải là chất liệu sống của người tu sĩ. Ví như việc một người có đầy đủ kiến thức thế gian, thậm chí có trình độ am hiểu cao về kiến thức Phật học, nhưng lại không giỏi tu tập, không khéo có những tâm nhu nhuyến, không khéo có những đức hạnh, oai nghi của người tu sĩ, liệu những kiến thức, sở trường thế gian kia có làm nên cốt cách của người tu không?

Hiển nhiên, đó là điều không thể, vì tất cả những gì nằm ngoài oai nghi tế hạnh, đạo đức và giới luật của đạo Phật đều không phải là chất liệu tu tập của người xuất gia. Theo đó, Đại đức nhấn mạnh: “Nếp sống Tăng đoàn, một nếp sống đề cao phạm hạnh oai nghi, chính là điều chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái đang dụng công bồi dưỡng, huân tập cho chư hành giả thông qua các khóa BDĐH hằng năm”.

Theo Đại đức, niềm tin là một trong những yếu tố quan trọng trong đức tính của người xuất gia nói chung và người mới tu học nói riêng. Đối với người mới xuất gia, niềm tin là thứ dễ bị lung lay, mai một và sút kém nhất. Trong kinh Đức Phật chỉ rõ, người xuất gia cần xác định niềm tin một cách chân chánh khi xuất gia, để làm học trò, đệ tử Đức Phật, để tìm cầu con đường giải thoát khỏi những khổ đau, sanh tử. Niềm tin chân chánh ấy là: Tin nơi Phật; Tin nơi đường Thánh đạo Tám ngành, tức đối với Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, tin rằng đây là đạo lộ đưa đến sự giải thoát, giác ngộ, Niết-bàn; Tin vào năng lực khi từ bỏ sự tham lam, hay nói cách khác là sự xả ly, ly tham, thì ắt sẽ có được sự an lạc, tĩnh lặng; Tin vào Tăng đoàn, là một đoàn thể cùng dìu dắt, hỗ trợ nhau đi trên con đường vui, một đoàn thể thanh tịnh hướng đến giải thoát, giác ngộ. Theo đó, người xuất gia cần xác định được niềm tin chân chánh ấy và phát nguyện sanh khởi niềm tin kiên cố vào đó.

Niềm tin này không chỉ để nói ở bên ngoài, mà còn cần được thể hiện từ ngay trong nội tâm hành giả, thông qua việc hành trì, tu tập theo các gương hạnh của Đức Phật, của Tổ Thầy, của chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái. Đại đức chỉ rõ, muốn như vậy, chư hành giả trước hết cần đọc hiểu đời sống của Đức Phật, tìm hiểu về nếp sống sinh hoạt của Tổ sư và các Bậc Thầy của HPKS. Qua đó, dụng công nỗ lực tu tập, hành trì để tự mình trải nghiệm, phát khởi niềm tin. Niềm tin có sự thật hành như vậy mới được gọi là niềm tin chân chánh, kiên cố. Cũng vậy, Đại đức khẳng định, bất cứ giáo pháp nào của đạo Phật cũng đều hướng người xuất gia phải ứng dụng thực hành hành trì, chứ không chỉ gói gọn ở câu từ diễn nghĩa một cách lý thuyết.

Bên cạnh niềm tin thì lòng cung kính cũng là đức tính được Đại đức đặc biệt lưu ý: “Nếu ví niềm tin là giọt nước tưới tẩm cho mầm non phát triển, cho cội rễ được sinh trưởng bám chặt vào đất, thì lòng cung kính được ví như ánh mặt trời, cung cấp nguồn sáng cho cây non quang hợp và sinh trưởng nhanh chóng. Nếu một hành giả có niềm tin chân chánh, nhưng lại thiếu đi lòng cung kính, với Phật – Pháp – Tăng, với tất cả những gì gắn liền với đời sống Tăng đoàn, vị ấy khó học hỏi, noi theo gương hạnh của các bậc đi trước, khó gìn giữ được oai nghi tế hạnh. Từ đó khó đi đến sự ứng dụng giáo pháp một cách rốt ráo, cũng như thành tựu đạo quả. Do đó, đối với một vị Sa-di, Sa-di-ni, Tập sự, hạnh cung kính là nguồn năng lượng rất lớn, giúp hành giả phát triển về cả giới đức lẫn oai nghi”.

Ngoài ra, Đại đức cho rằng, tính tàm quý là phương tiện chăm sóc để cây lớn mạnh, vững vàng, không bị sâu bệnh bên ngoài tác động, là đức tính nhất định phải có ở hành giả xuất gia. Có hai tấm gương chính để hành giả quán chiếu để nâng cao tính tàm quýđược Đại đức nhấn mạnh, đó là tấm gương của đời sống thiểu dục tri túc từ các Đức Thầy, những bậc đi trước và tấm gương nội tâm của chính mình. Theo Đại đức, nếu bất cứ hành giả xuất gia nào, trước khi làm, đang làm và sau khi làm việc gì, đều có sự quán xét hai tấm gương này, nhìn nhận, cân nhắc sự đúng sai, nên hay hại của việc làm ấy, chân thật với từng trường hợp nảy sinh trong nội tâm, vị đó ắt hẳn sẽ gieo trồng thành công, tươi tốt cây bồ-đề tâm, cây giải thoát, Niết-bàn trong chính mình.

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

Ban TT-TT Hệ phái