Tôn giả La Hầu La – Đệ nhất mật hạnh
Tôn giả La-hầu-la (Rahula) là vị Thánh Tăng, một trong 10 đệ tử lớn của Đức Phật, bậc Mật hạnh đệ nhất. Kinh tạng đề cập đến Tôn giả La-hầu-la không nhiều nhưng cũng đủ để nói lên mật hạnh của ngài.
Lần đầu tiên Đức Phật trở về thăm quê hương Ca-tỳ-la-vệ kể từ khi thành đạo là vào năm La-hầu-la lên bảy tuổi. Khi Đức Phật đến thăm hoàng cung, công chúa Da-du-đà-la đưa La-hầu-la đến gặp Ngài và dạy: “Này La-hầu-la, Ngài chính là cha của con. Con hãy đến xin Ngài ban cho con phần tài sản của con”.
Cậu bé La-hầu-la làm theo lời mẹ, đến đảnh lễ ra mắt Đức Phật. Nhưng khi đến gần Đức Phật, chiêm ngưỡng thân tướng trang nghiêm và dung mạo uy nghi của Ngài, La-hầu-la quên bẵng lời mẹ dặn. Cậu chắp tay cung kính và bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Sa-môn, chỉ cái bóng của Ngài thôi cũng làm cho con mát mẻ an vui”. Thế rồi cậu bé cứ quấn quýt bên chân Đức Phật cho đến khi Ngài thọ trai xong và rời khỏi hoàng cung trở về nơi lưu trú trong ngự uyển.
Tôn giả La-hầu-la xuất gia với hoàn cảnh và thân phận đặc biệt, tuổi còn niên thiếu, là bậc vương tử, là con của Đức Phật (lúc Ngài chưa xuất gia), được bậc Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất trực tiếp dạy dỗ.
Lúc mới xuất gia, ở Trúc Lâm, Tôn giả La-hầu-la là chú tiểu thơ ngây, vị Sa-di có chút tinh nghịch, mắc lỗi nói dối. Đức Phật đã dùng hình ảnh chậu nước với một ít nước dơ, xứng đáng được đổ bỏ; chậu nước sau khi bị đổ bỏ, trống không chẳng lợi ích gì để giáo hóa La-hầu-la. “Cũng vậy, này Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm…”. Tiếp đến Đức Phật dùng hình ảnh chiếc gương soi dạy La-hầu-la tu tập phản tỉnh trước khi suy nghĩ, nói năng và hành động. Từ đó Tôn giả tinh cần hướng nội tu tập chuyển hóa ba nghiệp (Kinh Trung bộ, số 61, kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala).
Lúc Phật ở Kosambi, Ngài chế giới không cho Sa-di ngủ chung phòng với Tỷ-kheo, La-hầu-la liền ra nhà vệ sinh của Phật nằm ngủ. Đức Phật hỏi: “Này La-hầu-la, sao con nằm ở đây? Vì không có chỗ ở, bạch Thế Tôn, trước đây các Tỷ-kheo cho con ở chung, nay vì sợ phạm tội, không cho con chỗ ở. Nghĩ rằng, đây là một chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây”. Luôn nhận lỗi về mình, không muốn va chạm một ai, không chống đối một Tỷ-kheo nào, kham nhẫn với chướng ngại là hạnh thầm lặng, ẩn mật của La-hầu-la (Kinh Tiểu bộ, tập IV, Jataka, số 16. Chuyện con nai có ba cử chỉ).
Lúc Đức Phật ở tinh xá Kỳ Viên, Ngài dạy La-hầu-la tu tập pháp quán niệm hơi thở, quán niệm về ngũ đại, quán niệm về tứ vô lượng tâm, quán tứ niệm xứ. Khi quán về địa đại, Đức Phật dạy La-hầu-la hãy tu tập như đất, chấp nhận tất cả thuận nghịch ở đời. “Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất” (Kinh Trung bộ, số 62, Đại kinh Giáo giới La-hầu-la).
Cũng tại Kỳ Viên, nhận thấy cơ duyên giác ngộ của La-hầu-la đã chín muồi, Đức Phật tiếp tục dạy về thiền quán vô thường, khổ, vô ngã giúp La-hầu-la đoạn tận tham ái, chứng quả A-la-hán” (Kinh Trung bộ, số 147, Tiểu kinh Giáo giới La-hầu-la). Ngoài mật hạnh, Tôn giả La-hầu-la còn được Đức Phật tán dương là vị ưa thích học tập tối thắng (Kinh Tăng chi bộ, chương I, phẩm Người tối thắng).
Mật hạnh của Tôn giả La-hầu-la là công hạnh hướng nội, chuyên tu giải thoát, nhẫn nại trước chướng duyên, không thể hiện mình, dùng im lặng hùng tráng để giáo hóa. Đây cũng là một trong những hạnh tu quan trọng, khó làm mà hậu thế cần học tập.