Tội và phước, giàu và nghèo cùng mối liên hệ với sự giác ngộ
Thưa Thầy cho con được hỏi: Người thông minh, có kiến thức, có kỹ năng làm kinh tế nên đời sống sung túc, giàu có, Nhưng chưa chắc đã là người đến được với Đạo, thấy Pháp?
Người giác ngộ, đã thấy Pháp, vào được Pháp rồi thì trong trường hợp này người giác ngộ đó có còn phải sống cuộc sống nghèo khó về vật chất không ạ? Hay Pháp là bình đẳng, ai thấy là thấy ngay, không phụ thuộc vào nghiệp quả giàu sang hay nghèo khó?
Trả lời:
1. Thiện-ác thuộc phạm vi đạo đức. Giàu-nghèo chỉ là biểu hiện của nhân quả nghiệp báo thuộc hệ quả của hành vi đạo đức.
+ Có thể giàu mà thiện và hạnh phúc.
+ Có thể giàu mà bất thiện và đau khổ.
+ Có thể nghèo mà thiện và hạnh phúc.
+ Có thể nghèo mà bất thiện và đau khổ.
Điều này rất vi tế cần thấy ra bản chất sâu xa của hành vi đạo đức, chứ không thể đánh giá trên tiêu chuẩn giàu nghèo được.
2. Giác ngộ thuộc phạm vi nhận thức. Chánh kiến, tà kiến là biểu hiện của nhận thức đúng hay sai đối với sự thật, chứ không thuộc hành vi đạo đức. Tuy nhiên nhờ nhận thức đúng (chánh kiến) mà hành vi tốt (thiện) và do nhận thức sai (tà kiến) mà hành vi xấu (bất thiện). Hành vi tốt có thể giàu hay nghèo nhưng luôn là hạnh phúc. Hành vi xấu cũng có thể giàu hay nghèo nhưng luôn là đau khổ. Đó là sự liên hệ giữa giác ngộ và hành vi đạo đức.
Hỏi: Nghèo có phải là tội không thưa Thầy? Theo nhân quả thì nghèo là do tội bủn xỉn không biết bố thí,… vậy là có tội đúng không thưa Thầy?
Trả lời: Bủn xỉn (bỏn xẻn) là bất thiện nhưng không phải là nguyên nhân chính của nghèo, ngược lại lắm khi vì ích kỷ bủn xỉn mà giàu cũng có.
Giàu mà bất chính (lợi mình hại người) mới là có tội. Người ích kỷ bủn xỉn dù giàu vẫn thấy mình còn nghèo. Do đó đánh giá giàu nghèo theo mức thu nhập là không đúng, và xem giàu nghèo là biểu hiện của phước tội lại càng không đúng hơn. Đó là một hiểu lầm trầm trọng về thiện và ác, phước và tội.
Theo Thầy: Người giàu là người dù có thu nhập thấp nhưng vẫn thấy dư, sống hạnh phúc và sẵn sàng san sẻ cho người khác.
Người “an bần lạc đạo” thì phước chứ không tội. Người “phú giả bất nhân” thì tội chứ không phước. Vậy phước tội được đánh giá theo tính chất thiện và bất thiện của hành vi (nhân) và thái độ chấp nhận hoàn cảnh (quả) chứ không căn cứ trên mức thu nhập cao hay thấp.
Thu nhập thấp mà thấy an vui là hạnh phúc, thu nhập cao mà thấy buồn bực là khổ đau. Tội phước, khổ vui rất vi tế, khó mà xét được qua hình thức bên ngoài.
Sở dĩ Thầy phải phân tích rõ điều này vì nhiều người nghĩ rằng giàu là có phước, nghèo là vô phước. Nhưng phước hay tội tùy thuộc vào nhân thiện hay bất thiện và quả an lạc hay đau khổ, chứ không phải căn cứ vào tình trạng giàu hay nghèo.
Một vị vua xuất gia từ bỏ ngai vàng và giàu sang quyền quý để thấy hạnh phúc trong tam y bình bát của một vị khất sĩ ăn xin sống trong rừng dưới một cội cây. Vậy thì rõ ràng theo vị vua này thì giàu là tội (đau khổ) còn nghèo mới là phước (hạnh phúc)…
Nguồn: trungtamhotong.org
Thầy Viên Minh