Tôi tin nhân quả
Gieo hạt lành thì sẽ gặt được quả vui – Ảnh minh họa
Kinh Nhân quả có câu “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay”.
Thiên nhiên có nhiều nguyên lý bất di bất dịch, trong đó có hai nguyên lý Nhân quả và Nghiệp. Nói đến Nhân quả không thể không nói đến Nghiệp vì không có Nghiệp sẽ không có Nhân quả. Cuộc sống thực tế đã cho thấy điều đó. Luật Nhân quả không chỉ có tác dụng trong cuộc sống vật chất mà còn cả trong đời sống tâm linh, và cũng không chỉ báo ứng “nhãn tiền” trong hiện tại mà còn cả trong quá khứ và tương lai.
Căn cứ vào câu kinh trên, tôi ôn lại cuộc đời của mình từ tấm bé đến hôm nay. Tổ tiên, ông bà và cha mẹ tôi đều là Phật tử. Nhà tôi gần chùa, hồi còn nhỏ tôi đã được mẹ dẫn đi chùa lạy Phật, nghe kinh. Năm bảy tuổi tôi được quy y thọ giới với cố HT.Thích Thiện Hoa, sau đó vào Gia đình Phật tử. Trong khoảng thời gian đó, ngoài những sinh hoạt của Gia đình Phật tử và tụng kinh, tôi còn được học giáo lý các cấp.
Rớt tú tài một liên tục hai năm, tôi bị động viên nhập ngũ. Sợ bị đưa ra chiến trường, tôi đăng ký vào binh chủng Quân cảnh. Gần hai năm sau, tôi phục vụ tại một đơn vị ở đô thành Sài Gòn hoa lệ, quy tụ nhiều thành phần dân chúng.
Lúc bấy giờ miền Nam chìm ngập trong chiến tranh. Ở đời không ai không tham sống sợ chết. Bởi vậy số quân nhân đào ngũ và thanh niên trốn quân dịch ngày càng nhiều, một số nương thân vào cửa thiền để nhờ chư Phật gia hộ và Tăng Ni che chở. Khi bị tôi bắt, nếu không muốn bị đưa ra chiến trường, họ phải lòi tiền mua sự sống với giá cắt cổ. Ai không có tiền hối lộ tôi kiên quyết không tha. Tôi đã nhiều lần làm chuyện bất nhân thất đức đó. Tôi cũng đã từng bắt bọn tội phạm và du đảng, đứa nào ngoan cố sẽ nhừ đòn. Tôi vang bóng một thời với biệt hiệu “khắc tinh” của lính đào ngũ, thanh niên trốn quân dịch và bọn tội phạm.
Đồng tiền có được do “ăn bẩn” là tiền phi nghĩa cho nên nó nhanh chóng tiêu tan khi tôi lao đầu vào những cuộc hoan lạc ở các quán bar, vũ trường. Hết tiền tôi lại tìm bắt người đào ngũ và thanh niên trốn quân dịch. Không có, tôi phải viết thư về xin tiền cha mẹ chứ tiền lương hàng tháng không đủ xài. “Ăn quen chồn đèn mắc bẫy”, một lần, tôi bị mật phục bắt được tại trận đang ngã giá với một thanh niên trốn quân dịch, bị giam vào quân lao và đưa ra Tòa án binh, cha mẹ tôi phải lo một số tiền khá lớn mới yên.
Tôi cũng là tay uống rượu. Thịt chó là món đặc sản khoái khẩu của tôi. Có tiền thì mua, không có thì ăn trộm. Tôi đã lập gia đình hồi còn trong quân đội, có một con. Sau ngày hòa bình, cuộc sống càng tồi tệ hơn. Cha mẹ tôi cũng không mấy khá giả nên không thể giúp đỡ tôi. Vợ chồng, con cái bươn chải hơn bốn mươi năm nhưng vẫn không cải thiện được. Từ lục tuần trở lên sức khỏe tôi suy kiệt dần, mang nhiều bệnh tật do trước kia phung phí sinh lực vô độ, bừa bãi.
Đó là những nét chính của đời tôi. Ôn lại quãng đời quá khứ, tôi không khó để nhận ra rằng tôi nghèo nàn, mang nhiều bệnh tật là do tôi đã tạo ra quá nhiều nghiệp ác. Ỷ vào quyền thế tra khảo, đánh đập người khác không chùn tay; lấy tiền người khác không thương tiếc; nhất là đẩy người khác vào chỗ chết (chiến trường) một cách tàn nhẫn và giết khá nhiều chó… Tuy tôi không bị luật pháp trừng phạt nhưng vẫn không thoát được sự trừng phạt của âm đức. Gieo nhân nào gặt quả đó thật không sai.
Khi trở về già tôi mới tiếp xúc lại với Phật pháp. Năm ngoái, tôi bị bệnh nhiễm trùng đường huyết thập tử nhất sanh. Năm nay, tôi lại bị khối u đầu tụy, phải mổ. Nhờ tin tưởng và chuyên tâm tu tập hành trì giáo pháp, ngồi thiền mỗi đêm nên tôi không hề lo âu sợ hãi, chán nản mà luôn luôn lạc quan. Nếu sanh nghiệp dứt, tôi vui vẻ chấp nhận, còn như chưa thì tiếp tục trả quả cho đến hết.
Dù nghèo nhưng gia đình tôi vẫn hạnh phúc, vợ chồng chung thủy, con cái thuận hòa. Trong hai lần bệnh, vợ con tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc tôi cả vật chất lẫn tinh thần, lo từng miếng ăn giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, tôi vẫn có điều tiếc nuối. Tôi đã được trang bị một số giáo lý Phật pháp căn bản từ thời niên thiếu nhưng tôi đã lãng quên, không biết gieo trồng những hạt giống thiện cho sinh khởi mà ngược lại còn tạo điều kiện cho những hạt giống ác tự tung tự tác. Nếu giác ngộ sớm hơn chắc chắn tôi sẽ không mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng. Đợi đến khi bóng xế chiều tà mới phát lồ sám hối thì chẳng phải muộn màng lắm sao?