Tôi có nên về thăm cha lần cuối?
Là một Phật tử thuần thành nhưng tôi không thể nào cảm nhận được một tình cha cao vời như trong kinh Phật dạy mà thay vào đó là sự căm hận. Vậy thì làm sao tôi có thể làm tròn câu hiếu đạo của người con?
Hỏi:
Tôi thật bất hạnh vì sinh ra trong gia đình có một người cha ác độc, trăng hoa. Tôi bị cha ghét bỏ, mắng nhiếc, đánh đập tàn nhẫn và suýt nữa mấy mẹ con của tôi bị cha giết hại. Sau khi bỏ mẹ để chạy theo một người đàn bà khác, tôi mới được tạm yên và lớn dần lên trong vòng tay của mẹ. Giờ đây tôi đã lớn khôn, là một Phật tử thuần thành nhưng tôi không thể nào cảm nhận được một tình cha cao vời như trong kinh Phật dạy mà thay vào đó là sự căm hận. Vậy thì làm sao tôi có thể làm tròn câu hiếu đạo của người con? Hiện giờ tôi biết cha có phần hồi tâm và đang lâm trọng bệnh, khó qua khỏi nhưng vì nghĩ đến quá khứ tôi lại buồn tủi nên không muốn về thăm lần cuối. Rất mong được sẻ chia.
Hiếu đạo qua góc nhìn Phật giáo
Đáp:
Con người sống trên đời, ai cũng mong muốn yêu thương và được yêu thương, nhất là đối với những bậc cha mẹ đã dày công sanh dưỡng. Tình cảnh của bạn thật đáng thương nhưng không phải là cá biệt bởi hiện có không ít người cùng cảnh ngộ như bạn. Là một Phật tử, ít nhiều thì bạn đã nhận thức được dòng xoáy nghiệp lực mà nghiệp lại do chính bản thân mình tạo ra. Mọi hoàn cảnh của bản thân, gia đình, bà con, dòng tộc, quê hương, xứ sở cho đến dân tộc, quốc gia đều bị chi phối bởi nghiệp lực của cá nhân và cộng đồng.
Không ai có thể chọn cho mình một gia đình tốt đẹp để sanh ra mà chính nghiệp lực của mình đã chủ động dẫn dắt. Gia đình là cộng nghiệp (nghiệp chung) và mỗi thành viên của gia đình là biệt nghiệp (nghiệp riêng). Vì oan gia trái chủ nhiều đời trước nên đời này cùng gặp nhau trong cộng nghiệp bất hạnh để trả báo. Vay trả, trả vay rồi tạo ra oan nghiệp chập chùng, bất tận.
Có khi nào bạn nghĩ đến việc trong một đời quá khứ nào đó bạn đã làm cho cha bạn bất hạnh hay đau khổ đến cùng cực như chính bạn đang gánh chịu không? Đây là mấu chốt của vấn đề để bạn có thể chuyển hóa hận thù. Cha của bạn có lỗi với bạn thật nhiều trong hiện tại, điều này đã quá rõ ràng. Nhưng nếu bạn bình tâm để nhìn sâu hơn dưới sự soi sáng của giáo lý Nghiệp thì bạn sẽ thấy rằng chính nghiệp nhân xấu ác của cha và cả gia đình, trong đó có bạn mới là thủ phạm. Hai cha con bạn chỉ là “nạn nhân” của nghiệp lực mà thôi. Quán sát như thế bạn sẽ thấy nghiệp lực của cha quá nặng nề. Vì cha phước mỏng nghiệp dày nên tăm tối trong mọi hành xử, gây khổ đau cho vợ con; vì bạn có cộng nghiệp với cha nên cùng chung bất hạnh; cha thật đáng thương hơn đáng trách. Chừng nào bạn “thấy” được như vậy thì bạn mới tháo gỡ được sự căm hận dồn nén trong lòng.
Mặt khác, dù không hề yêu thương, nuôi dưỡng bạn nhưng cha đã cho bạn một hình hài và điều quan trọng nhất là bạn đang tiếp nối sự sống của cha trong chính bản thân bạn. Cha đang có mặt trong bạn, cha không phải là đối tượng tách rời hoàn toàn với bạn. Do đó, sự hận thù của bạn hướng về người cha cũng chính là đang hận thù với mình. Vận dụng tuệ quán về nghiệp lực và sự tiếp nối huyết thống cũng như tâm linh giữa cha và bạn thì dần dần bạn có thể hiểu, tha thứ và thương cha một cách chân tình trọn vẹn. Chỉ cần làm được điều này, tự khắc bạn có đầy đủ cơ hội để làm tròn câu hiếu đạo.
Quảng Tánh