Tổ đình Minh Đăng Quang – Vĩnh Long

TỔ ĐÌNH MINH ĐĂNG QUANG

Nhân Đại lễ Tưởng niệm 65 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ, 1954 – mùng 1 tháng 2 năm Kỷ Hợi, 2019) và Khánh thành Tổ đình Minh Đăng Quang (ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), Ban Tổ chức xin giới thiệu đến chư Tôn đức Tăng Ni, quý vị Phật tử, thiện hữu tri thức và toàn thể độc giả tập tư liệu khái quát về quá trình thành lập và xây dựng ngôi Tổ đình.

TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP VÀ XÂY DỰNG TỔ ĐÌNH MINH ĐĂNG QUANG

Ngày xưa, đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện vào đời với mục đích đi tìm chân lý cứu khổ chúng sanh. Sau những năm tháng xuất gia học đạo, đặc biệt, 49 ngày thiền quán dưới cội bồ-đề, Ngài đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trải qua 49 năm giáo hóa chúng sanh trên khắp xứ Ấn Độ, Ngài nhập Niết-bàn vô dư tịch tịnh dưới hai tàng cây Sa-la. Với thời gian trên dưới 2.600 năm lịch sử, hình bóng của bậc Đạo sư không còn nhưng kho tàng giáo pháp của Ngài không bị giới hạn bởi thời gian, là nền tảng chân lý mang lại thành tựu giác ngộ, giải thoát phiền não khổ đau cho hậu thế. Những dấu tích mà Ngài đã từng đặt chân đến vẫn còn lưu lại trên vùng đất Ấn: Lumbini – nơi Phật đản sanh, Bodh Gaya – nơi Phật thành đạo, Migadava – nơi Phật chuyển pháp luân đầu tiên và Kusinagar – nơi Phật nhập Niết-bàn. Bốn dấu tích tiêu biểu này (Tứ động tâm) vẫn luôn còn âm hưởng, sự mầu nhiệm tâm linh cho những ai hữu duyên khi một lần đặt chân đến.

Ngày nay, chúng ta ngẫm xét lại, cuộc đời và đạo nghiệp của lịch đại Tổ sư, trong đó có đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng có những nét chấm phá trong hành trạng của quý Ngài như thế. Trong vòng 10 năm xuất gia tu học và hoằng hóa độ sanh (1944 – 1954), với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, dấu chân Ngài đã từng rày đó mai đây, du phương khắp các tỉnh thành miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Ngài đã thâu nhận hàng trăm Tăng Ni xuất gia, lập thành đoàn Du Tăng Khất Sĩ, có cả hàng vạn tín đồ quy ngưỡng và thành lập hơn 20 ngôi đạo tràng tịnh xá.

Tổ đình Minh Đăng Quang (Tam Bình, Vĩnh Long), nơi đức Tổ ra đời; Khu di tích đắc đạo của Tổ sư (Mũi Nai, Hà Tiên, Kiên Giang); Tịnh xá Mộc Chơn (Mỹ Tho, Tiền Giang) nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên và thực hành giáo lý Y bát Khất sĩ; Tịnh xá Ngọc Viên (TP. Vĩnh Long) nơi Tổ sư dừng chân lần sau cùng và vắng bóng.

Tiếp nối chí nguyện tu học và hành đạo của Tổ sư, chư vị Trưởng lão mở mang mối đạo, ngày càng phát triển. Hiện nay, Hệ phái có trên 500 ngôi tịnh xá, tịnh thất trên cả nước, mỗi đạo tràng đều có Tăng Ni tu học và hướng dẫn cư gia bá tánh sinh hoạt.

Tổ đình Minh Đăng Quang là một ngôi Đạo tràng mới thành lập trong thời gian gần đây, rất mới so với những ngôi tịnh xá khác, nhưng nó có vị trí tâm linh rất lớn trong lòng Tăng Ni và Phật tử Hệ phái Khất sĩ. Sau đây là vài nét giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển ngôi Tổ đình này.

1. Kiến tạo Tổ đường Minh Đăng Quang

Năm 1998, vì đáp ứng tâm nguyện của chư Tăng Ni, Phật tử và quý thân nhân của đức Tổ sư muốn có một nhà thờ đức Tổ cùng quyến thuộc trong họ tộc trên vùng đất Ngài sinh trưởng, nên Hòa thượng Giác Giới đã tiến hành thủ tục xin phép và lấy tên là Tổ đường Minh Đăng Quang. Được sự phát tâm hiến cúng khu đất khoảng 600 m2 của ông Phạm Văn Thôn, Tổ đường được xây dựng với cách thiết kế 2 mái, lợp tole, có gác làm bằng cây ván phía trên để thờ phượng, phía dưới làm nơi sinh hoạt. Trước khi Tổ đình Minh Đăng Quang thành lập, hàng năm vào mùng 1 tháng 2 âm lịch – ngày tưởng niệm đức Tổ vắng bóng và ngày mùng 5 tháng Giêng – tưởng niệm ngày mất của cụ ông thân sinh đức Tổ, chư Tăng Ni và Phật tử ở các nơi về đây để làm lễ Tưởng niệm khá đông.

2. Nhân duyên thành lập Tổ đình

Trải qua gần 15 năm từ khi ngôi Từ đường được thành lập, tâm nguyện của Hòa thượng Giác Giới nói riêng và chư Tôn đức Tăng Ni nói chung, muốn có một Đạo tràng tưởng niệm nơi đức Tổ ra đời, rộng lớn, trang nghiêm xứng tầm với công hạnh của một vị Tổ sư khai sáng một Hệ phái Phật giáo. Xét thấy nhân duyên hội đủ, vào ngày 07 tháng 10 năm 2011, Hòa thượng đã làm đơn xin phép các cấp Chính quyền và GHPGVN tỉnh Vĩnh Long thành lập Tổ đình Minh Đăng Quang trên một mảnh đất đối diện, cách Từ đường khoảng 100 mét.

Được sự cho phép của Chính quyền và Giáo hội các cấp, ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Tỵ (2013), Hệ phái đã tổ chức trọng thể Lễ Khởi công xây dựng đặt viên đá đầu tiên, dưới sự chứng minh và tham dự đông đảo của chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni, Phật tử và các cấp chính quyền địa phương.

3. Mô hình, kiến trúc

Bắt đầu kể từ đây, giữa một cánh đồng bao la bát ngát, xung quanh là những người dân hiền hòa chất phát của miền quê sông nước, dần hiện lên một ngôi già-lam có tầm vóc rộng lớn, kiến trúc đơn giản nhưng trang nghiêm và cổ kính.

Ý nguyện ban đầu của chư Tôn đức là chỉ sang nhượng và xây dựng Tổ đình trên phần đất khoảng 10.000 m2. Nhưng được sự hỗ trợ khích lệ và giúp đỡ của các cấp Chính quyền, sự phát tâm sang nhượng những phần đất liền ranh của cư dân xung quanh, sự phát tâm cúng dường tịnh tài của chư Tăng Ni và Phật tử thập phương, ngôi Tổ đình được phát triển rộng rãi, khang trang, ai ai cũng hoan hỷ khi một lần đặt chân đến.

Mô hình tổng thể được thiết kế với 11 hạng mục chính:

1. Chánh điện; 2. Tổ đường; 3. Giảng đường; 4. Thiền đường; 5. Nhà thọ trai; 6. Nhà khách Tăng; 7. Nhà khách cư sĩ; 8. Nhà thờ Cửu huyền; 9. Nhà khách Ni; 10. Nhà tiếp khách; và 11. Tháp Chánh Giác.

Tháp Chánh Giác được thiết kế với mô hình 8 tầng, để tôn trí Xá-lợi Phật và các vị Thánh Tăng, đức Tổ sư, chư vị Trưởng lão Đại đệ tử của Tổ sư, linh cốt chư Tôn đức đã viên tịch và tầng dưới là thư viện Pháp bảo, kinh sách…

Mô hình của Tổ đình được bố trí 3 dãy theo chiều dọc, từ ngoài nhìn vào:

– Dãy chính giữa: Chánh điện, Tổ đường, giảng đường, thiền đường.

– Dãy bên trái: Nhà khách cư sĩ, nhà thờ Cửu huyền, nhà khách Ni.

– Dãy bên phải: Nhà thọ trai, nhà tiếp khách, nhà khách Tăng.

Mô hình tổng thể được kiến thiết theo kiểu đối xứng, tạo nên một kiến trúc đặc thù, hài hòa và cân đối. Hiện nay, các hạng mục đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Riêng bảo tháp Chánh Giác dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào tháng 2 năm Kỷ Hợi, 2019.

Ngoài ra, các công trình phụ: Ao sen, núi đất, cổng tam quan và tường rào, nhà bếp, nhà ăn cho Phật tử và 60 am cốc bằng lá cho hành giả tịnh tu,… hầu hết (90%) đều được làm bằng cây, ván, lợp ngói. Những ngôi nhà, am cốc, được thiết kế đan xen dưới những tán cây xanh, vườn cây sao, cây dầu,… rợp mát.

Tổ đình được xây dựng trên tổng diện tích mặt bằng khoảng 30.300 m2 (ba mẫu ba) được phân làm 2 khu: Khu sinh hoạt cho đại chúng và khu tĩnh tu dành riêng cho chư Tăng.

4. Tổ chức khóa tu và lễ hội

Tâm nguyện của Hòa thượng trụ trì về việc thành lập ngôi Tổ đình này vì tưởng nhớ công ơn Tổ sư đã dày công nghiên tầm giáo điển, hoằng truyền Phật pháp, lợi lạc nhân sanh. Sự nhớ ơn đó thể hiện qua 2 phương diện: 1. Tạo khu di tích lịch sử để đánh dấu nơi đức Tổ ra đời để cho tứ chúng có nơi chiêm bái tưởng niệm; 2. Thiết lập một Đạo tràng để hướng dẫn cho Tăng Ni, Phật tử tu học theo đường lối truyền thống Phật Tăng xưa.

Mặc dầu công trình đang trong giai đoạn thi công, một số hạng mục chính mới hoàn thiện tương đối, nhưng với tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh và tinh thần tích cực làm lợi ích cho tha nhân luôn canh cánh bên lòng, Hòa thượng trụ trì và chư Tăng trú xứ vẫn thường tổ chức các khóa tu và đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng của Giáo đoàn cũng như Hệ phái.

4.1. Bốn ngày cúng Hội truyền thống

Theo truyền thống của Hệ phái Khất sĩ, mỗi tháng có 4 ngày cúng Hội vào mùng 8, Rằm, 23 và 30. Những ngày này, Phật tử vân tập về đạo tràng, lễ Phật, tu Bát quan trai, tu thiền,… sớt bát cúng dường Tăng Ni. Điều quan trọng trong ngày cúng Hội, Phật tử được nghe chư Tăng Ni giảng giải, trùng tuyên những lời Phật, Tổ dạy để ứng dụng tu tập, chuyển hóa trong đời sống hàng ngày. Chư Tăng tại Tổ đình Minh Đăng Quang hiện cũng đang duy trì truyền thống sinh hoạt ý nghĩa và lợi ích này.

4.2. Khóa tu Truyền thống Khất sĩ

Khóa tu Truyền thống Khất sĩ được thành lập vào năm 2008, do chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái tổ chức và hướng dẫn, với tâm huyết mong muốn hàng xuất gia Khất sĩ thực hiện theo lời dạy của đức Tổ sư: “Nên tập sống chung tu học, cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”. Mục đích tu học là để hiểu rõ và thấu đạt con đường, tôn chỉ hành trì mà đức Tổ sư đã dày công nghiên tầm và xác chứng, đó là: “Người Khất sĩ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Huệ”.

Trải qua 9 năm, các Giáo đoàn luân phiên đăng cai tổ chức được 27 khóa. Tháng 3 năm Bính thân (2016), khóa tu lần thứ 19 do Giáo đoàn I đăng cai tổ chức tại Tổ đình Minh Đăng Quang với hơn 150 hành giả tham dự và tháng 11 năm Mậu Tuất (2018) vừa qua, khóa tu lần thứ 27 một lần nữa được tổ chức tại Tổ đình đã làm cho chư vị hành giả cảm nhận niềm hỷ lạc, an vui từ nơi khí thiêng của chốn Tổ.

4.3. Khóa An cư kiết hạ

An cư là một sinh hoạt quan trọng theo truyền thống của Phật giáo. Phật dạy người xuất gia một năm có 3 tháng để tạm dừng chân du hóa vì mưa nhiều, không tiện việc đi lại, nên tập trung về một trú xứ để trau dồi đạo hạnh và chuyên tâm tu tập Giới, Định, Huệ. Từ ngày thành lập GHPGVN năm 1981, chư Tăng Hệ phái Khất sĩ hằng năm tập trung An cư tại Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), vài năm gần đây thì An cư ở Pháp viện Minh Đăng Quang (Quận 2). Năm 2018 vừa qua, chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái xét thấy ngôi Tổ đình đã xây dựng cơ sở tương đối hoàn thiện, có cảnh quan thoáng rộng và yên tịnh, rất phù hợp với sự tu tập của các hành giả trong thời gian An cư 3 tháng, nên đã quyết định chọn Tổ đình Minh Đăng Quang là điểm An cư cho chư Tăng Hệ phái. Khóa An cư năm 2018 có hơn 150 vị hành giả tham dự, tu học trong tinh thần lục hòa cộng trụ, tự thân mỗi vị cảm nhận được niềm hỷ lạc từ nội tâm.

4.4. Khóa tu Một ngày an lạc

Để đáp ứng tâm nguyện, tinh thần tìm hiểu giáo lý và mong muốn có được những giây phút an tịnh thân tâm sau những ngày bôn ba thế sự của cư sĩ Phật tử, tháng 4 năm 2015, sau khi ngôi Giảng đường xây dựng xong, khóa tu Một ngày an lạc đầu tiên được tổ chức với hơn 400 Phật tử ở các tịnh xá lân cận về tu tập. Khóa tu này được các tịnh xá luân phiên tổ chức một tháng một lần và riêng ở Tổ đình thì mỗi năm tổ chức được hai khóa. Quý Phật tử trở về tu học trong niềm hoan hỷ và an vui.

 

4.5. Khóa tu dành cho thanh thiếu niên

Đầu năm 2017 đến nay, đáp ứng yêu cầu của Phật tử địa phương, chư Tăng tổ chức khóa tu dành cho thanh thiếu niên mỗi tháng một ngày. Trong suốt một ngày, các bạn trẻ được Ban Tổ chức hướng dẫn những sinh hoạt Phật pháp như: Tụng kinh, ngồi tịnh tâm, nghe kể chuyện Phật và nghe giảng những giáo lý căn bản, giải đáp nghi vấn, đố vui, sinh hoạt trò chơi… Số lượng tu sinh mỗi khóa từ 150 – 300 bạn. Mục đích khóa tu nhằm giúp cho các bạn trẻ gieo duyên Phật pháp, học hỏi những điều đạo đức, vui chơi lành mạnh bổ ích…

4.6. Tọa đàm văn hóa Phật giáo

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, ngày 18 tháng 7 năm Bính Thân (2016), Ban Văn hóa Trung ương đã có buổi tọa đàm với chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ tại Tổ đình Minh Đăng Quang. Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh 4 đề án văn hóa: Pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản Phật giáo. Mục đích buổi tọa đàm là trao đổi, lắng nghe, tìm hiểu những nét đặc thù liên hệ đến Hệ phái, để cuối cùng sẽ có những phương án tương đối thích hợp, đi đến thống nhất trong đa dạng.

4.7. Lễ Tưởng niệm đức Tổ sư vắng bóng

Theo sự thống nhất của chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái Khất sĩ, mỗi năm vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch, chư Tăng Ni tập trung về Tổ đình của mỗi Giáo đoàn để làm lễ Tưởng niệm. Cứ mỗi lần 5 năm, chư Tăng Ni trong Hệ phái sẽ tập trung một trú xứ để tưởng niệm chung. Riêng Giáo đoàn I, từ sau ngày đức Tổ vắng bóng, lễ Tưởng niệm của Ngài được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Viên. Từ năm 2016 đến nay, Tổ đình Minh Đăng Quang được xây dựng tương đối hoàn thiện và khuôn viên rộng rãi, nên chư Tôn đức trong Giáo đoàn đã thống nhất sẽ tổ chức lễ Tưởng niệm Tổ hàng năm tại đây. Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm và ý nghĩa, có khoảng 200 Tăng Ni và 1.000 Phật tử về tham dự.

5. Định hướng tương lai

Trùng tu, sửa chữa lại một ngôi chùa đã khó, tạo dựng một ngôi già-lam mới hoàn toàn và có quy mô lớn, trang nghiêm lại càng khó hơn. Trải qua nhiều năm dài, với bao tâm huyết, công sức của Hòa thượng trụ trì và chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái, bá tánh Phật tử thập phương đã chung sức chung lòng phát tâm xây dựng nên ngôi Tổ đình như ngày hôm nay. Quả thật đây là một thành quả rất đáng trân trọng và cũng là niềm vui chung của Hệ phái Khất sĩ nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người dân tỉnh Vĩnh Long nói chung.

Ngoài những sinh hoạt định kỳ nói trên, Hòa thượng trụ trì và chư Tăng trú xứ dự kiến tổ chức các khóa tu cho chư Tăng trong Hệ phái, tùy duyên trở vể Tổ đình để đổi cảnh tu tập và khóa tu 3 hoặc 7 ngày cho cư sĩ Phật tử ở các miền tịnh xá trở về tập tu.

Lời kết

Hôm nay, nhân ngày Tưởng niệm 65 năm ngày đức Tổ sư vắng bóng và Khánh thành Tổ đình Minh Đăng Quang – nơi đức Ngài đã sinh trưởng, lòng chúng con không khỏi bồi hồi xúc động hồi tưởng lại những buổi đầu tu học và mở mang mối đạo đầy gian khó của Ngài.

Hôm nay mình được vẻ vang

Nhớ ơn đức Tổ gian nan buổi đầu.

Giờ đây, nhìn ngắm lại công trình tâm linh mà đức Tổ đã tạo dựng cho chúng ta xuyên qua giáo pháp của Ngài thật là vĩ đại. Ngài là tấm gương sáng, là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni tín đồ Hệ phái Khất sĩ nói riêng và nói chung là cho những ai có duyên thực hành theo giáo pháp giải thoát.

Ban tổ chức