Tỉnh thức

Trời nhá nhem tối, nhà ông Bắc lại bắt đầu to tiếng. Bà con hàng xóm không ai là không biết cậu Đạt, con trai ông luôn bất hòa với cha. Đạt luôn cho rằng cha là người không biết điều, luôn chửi bới và không yêu quý mình.

 

Mâu thuẫn ngày càng cao, khiến cho hai cha con không còn giữ được chừng mực, ranh giới, Đạt trở nên hỗn láo và nặng lời với cha. Nhiều lần cậu bỏ nhà đi mà chẳng cần biết cha giận dữ thế nào. Bà Thu, mẹ Đạt rất đau lòng mỗi khi thấy hai cha con cãi vã, thật xấu hổ với hàng xóm, láng giềng.

Ông Bắc Tết tới này là tròn 60 tuổi. Ông là cựu quân nhân từng tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc, giờ đây là một người nông dân cần cù, chất phác, tính tình cương trực và rất thương người. Mười năm trước, ông hiến một quả thận cho ông Chu, người cùng làng, là bạn chiến đấu cũ. Giờ đây tuổi đã cao, mấy năm gần đây, sức khỏe ông không được tốt, không làm được việc nặng, hơn nữa lại sinh ra cáu bẳn, hay nóng giận vô cớ.

Ông với cậu Đạt như nước với lửa, hai cha con chỉ nói với nhau được dăm ba câu là lại xảy ra mẫu thuẫn. Tháng trước, cậu Đạt nghe người ta đồn thổi rằng: cậu không phải là con đẻ của ông Bắc, rằng ông Bắc bị ảnh hưởng của chiến tranh nên mất khả năng sinh sản. Nghe đồn đại vậy thôi, chẳng biết đúng hay sai, Đạt sinh ra mặc cảm và càng khẳng định một điều là cha không hề thương mình.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đạt năm nay đã học đại học năm cuối, nhưng cậu thường lêu lổng, quan hệ yêu đương phức tạp. Một hôm, cậu dẫn cô bạn gái về nhà ra mắt cha mẹ. Nhìn cô gái tóc xanh tóc đỏ, xâu mày, xâu mũi trông thật lố bịch, ông Bắc tỏ vẻ không hài lòng, liền góp ý riêng với con trai:

– Cha thấy cô gái này không hợp với gia đình này đâu, con hãy biết giữ giới hạn.

Thấy cha phản đối, Đạt cảm thấy nóng gáy, tức tối, đợi lúc bạn gái về rồi cậu mới sinh sự với cha:

– Cha thì biết cái gì, thanh niên chúng con bây giờ phải thế mới sành điệu, cha không đồng ý thì mặc cha, con thích là được.

Ông Bắc khuyên dặn con không được, trong người bực dọc, hai cha con lời qua tiếng lại khiến cho cái nhà không khác gì cái chợ. Sự nóng giận của hai người đã lên đỉnh điểm.

– Ừ, mày đủ lông đủ cánh rồi không thèm nghe lời lão già này nữa chứ gì, từ nay không cha con gì hết, mày cuốn xéo ngay khỏi nhà tao, đừng để tao điên, ông Bắc vừa nói vừa thở hổn hển trong cơn giận dữ.

Đạt cũng không nhịn cha nữa, văng lời nói hỗn láo:

– Ông tưởng tôi thích ở cái nhà này lắm hả? Được, tôi sẽ đi luôn. Đúng là cái lão già ăn hại, chẳng biết làm gì, chỉ biết chửi rủa.

– Mày nói cái gì, thằng mất dạy!

– Tôi biết tôi không phải con ông nên ông mới ghét bỏ tôi như thế, từ nay tôi cũng không thèm về cái nhà này nữa!

– Mày nói sao thằng khốn nạn. Mày đúng là thằng con bất hiếu!

Đạt bỏ đi, để lại cục tức cho ông Bắc. Ông từ từ ngã khuỵu, không nói được lời nào. Cơn phẫn nộ làm cho ông cảm thấy có cái gì đó mắc nghẹn ở cổ, nằm xõng xoài dưới nền đất bất tỉnh. Bà Thu hoảng quá chạy ra lay lay, xoa bóp mãi ông mới tỉnh táo trở lại.

Bảy ngày sau, ông Bắc, bà Thu nhận được tin từ phía cảnh sát: Đạt bị tai nạn giao thông rất nặng khi đua xe trên đường phố. Hai ông bà già gom góp vay mượn tiền bạc của bà con lối xóm lập tức đến bệnh viện để lo chữa chạy cho con.

Đến trước cửa phòng cấp cứu rồi mà cái sĩ diện trong ông Bắc lớn quá, ông quyết định không vào với con, để mặc bà Thu một mình khóc lóc bên đứa con trai đang hôn mê bất tỉnh. Bà Thu hỏi bác sĩ trong nước mắt:

– Cháu nhà tôi có sao không hả bác sĩ?

Bác sĩ nói với giọng khẩn trương nhưng rất điềm đạm:

– Bác thật bình tĩnh nghe tôi nói này: Con trai bác hiện tại trong tình trạng rất nguy kịch, chúng tôi chỉ duy trì được trong vòng 24 giờ, nếu không phẫu thuật thay thận kịp thời thì không bảo đảm được tính mạng của cậu ấy.

Nghe đến đây, bà Thu rụng rời chân tay, khóc lóc đau khổ và cầu xin các bác sĩ ra tay cứu giúp.

Trong lúc nước sôi nửa bỏng thế này mà ông Bắc vẫn giữ nguyên thái độ không chịu gặp con trai, dù rằng Đạt đang hôn mê bất tỉnh.

Gần nửa ngày trôi qua, ông Bắc quyết định nói với bà Thu:

– Bà cứ ở đây với nó, để tôi đi gặp mấy anh em, bạn bè xoay xở, vay mượn tiền, chứ tình hình này không ổn đâu, chi phí cho ca phẫu thuật lớn lắm, có bán cả 5 lần cái gia sản nhà mình chưa chắc đã đủ!

Bà Thu mặc dù đang rối trí nhưng cũng đành ngậm ngùi để ông Bắc đi.

Thế rồi tối hôm ấy, cuối cùng ca phẫu thuật cũng được diễn ra kịp thời, và thật diệu kỳ, ca phẫu thuật thành công ngoài sức tưởng tượng.

Năm ngày sau phẫu thuật, Đạt đã dần tỉnh táo và được chuyển về khoa hồi sức cấp cứu. Buổi sáng hôm ấy, sau khi tỉnh dậy, Đạt hỏi cô y tá:

– Ai đưa tôi vào bệnh viện thế? Gia đình tôi có ai ở đây không?

– Anh bị tai nạn giao thông, người dân đưa anh vào đây! Mẹ anh có đến đây lo phẫu thuật cho anh!

– Vậy mẹ tôi đâu?

– Tôi không biết, sáng hôm nay vẫn thấy bác gái ở đây mà.

Cô y tá vừa nói xong thì bà Thu trở vào. Vừa nhìn thấy con trai, bà bật khóc.

Ba ngày nữa lại trôi qua, Đạt vẫn không hề thấy ông Bắc đến. Lần này Đạt không còn nhịn được nữa, cậu nói với mẹ:

– Ông ta đúng là người cha vô trách nhiệm. Con đã nói với mẹ rồi, ông ta không hề thương con, vậy mà mẹ không tin.

Bà Thu ôm mặt khóc:

– Con đừng nói vậy tội nghiệp cha con, cha con lúc nào cũng thương con mà. Con đừng nóng giận kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe, bây giờ con rất yếu.

– Mẹ lại còn bênh ông ấy nữa, con không bao giờ chấp nhận một người cha như thế!

Bà Thu u uất, vẫn ôm mặt khóc nức nở, không biết phải nói với con trai như thế nào.

Ba ngày nữa lại trôi qua, lúc này Đạt đã bình phục rất nhiều, cậu đã nói nhiều hơn, ăn uống cũng tốt hơn. Nhìn bà Thu vẫn buồn lắm…

Trong lòng Đạt vẫn còn giận cha, dù cậu nghĩ cha không thương mình nhưng mấy ngày nằm viện cậu vẫn như ngóng chờ xem ông Bắc có đến hay không, cậu cho cha mình thêm một cơ hội để khẳng định một lần cuối cùng tình yêu thương của cha dành cho mình đến đâu.

Hôm nay cậu lại tức tối nói với mẹ:

– Con thật không ngờ ông ta lại là người tệ bạc và vô tình đến như thế. Từ nay con sẽ cắt đứt tình cha con với ông ta.

Lúc này bà Thu không còn chịu đựng được nữa, bà bật lên những tiếng khóc rưng rức và phẫn uất. Bà lấy trong túi áo ra một tờ giấy được gấp vuông vắn đưa cho Đạt và nói:

– Con ơi! Con hiểu lầm cha rồi! Đây là những gì mà cha muốn nói với con.

Đạt ngơ ngác không hiểu chuyện gì, tay run run mở mảnh giấy, đó là một bức thư mà ông Bắc viết riêng cho cậu:

“Con trai yêu quý của cha! Khi con đọc được lá thư này, cũng là lúc cha không còn tồn tại trên cõi đời này nữa”.

Đọc đến đây, Đạt vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra với cha, cậu giật mình hoảng hốt và không tin vào mắt mình, dường như khóe mắt và sống mũi cậu cay cay.

“Trước tiên cha mong con tha lỗi cho cha, bởi những gì cha đã làm cho con không vui, cha cũng chưa phải là một người cha tốt, cha không tài giỏi gì nên chưa lo cho con được bằng người.

Nhưng cha khẳng định một điều, đó là cha luôn dành tình thương yêu này cho con, dù rằng cha con ta có những lúc hiểu lầm và nóng giận với nhau…

Chỉ cần con trai của cha được khỏe mạnh và có một tương lai tốt thì cha đã mãn nguyện rồi…

Cha mong con hãy sống thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, dù ở phương trời nào cha cũng vẫn luôn hướng về con và lo lắng cho con. Cha thương con nhiều lắm…

Hôn con!!!”

Đạt đọc xong lá thư tuyệt mệnh của cha rồi rưng rưng nước mắt, nhưng cậu vẫn chưa hiểu hết sự tình, tại sao cha lại “không còn tồn tại” nữa.

– Thế này là thế nào hả mẹ? Đạt nói như hét, hai hàng lệ rơi lã chã trên trang giấy làm nhòe những dòng chữ của cha.

Lúc này bà Thu quyết định kể hết sự tình cho Đạt nghe, bà vừa kể vừa khóc, những giọt nước mắt đau đớn của tình nghĩa vợ chồng:

– Cha con nói dối mẹ là đi lo tiền phẫu thuật cho con. Thực ra, cha con đã nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của con. Việc tìm người hiến thận để cứu sống con chỉ là vô vọng. Cha con đã thông báo với bệnh viện và để lại di thư trước khi tự sát, dành quả thận cuối cùng của mình để cứu con…

Bà Thu khóc rưng rức vì đau khổ, bà không thể nói thêm được gì nữa. Nghe mẹ nói đến đây, Đạt không thể nào chịu đựng nổi. Đạt đã thét lên trong sự đau đớn quằn quại, với cơ thể yếu ớt. Đạt đã hiểu tình thương thực sự của cha đã dành cho mình, vậy mà bấy lâu nay cậu từng hiểu sai về cha. Cha đã hy sinh cả cuộc đời này cho Đạt, đến cả mạng sống của mình cha cũng không cần, cha sẵn sàng đánh đổi để cho Đạt được tiếp tục sống và làm người.

Đạt khóc như chưa bao giờ được khóc, hai mẹ con ôm nhau nức nở trong nỗi buồn đau thảm thiết. Và lần đầu tiên trong đời đạt đã thốt trên vành môi:

– Cha ơi! Cha hãy tha lỗi cho con. Đứa con bất hiếu này xin nguyện sẽ sống thật tốt để không phụ công ơn của cha!

Truyện ngắn Hoa Ưu Đàm