Tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần
Phật giáo đời Trần thật xứng đáng với vai trò của hệ tư tưởng chủ đạo tích cực và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời đại, phù hợp với truyền thống yêu nước, tạo nên một triều đại vàng son trong lịch sử nước nhà.
Ngọn đuốc trí tuệ mà Đức Phật đã thắp lên cách đây hơn 2600 năm, nhưng tinh thần đại hùng đại lực, đại từ bi của Phật giáo vẫn thường hằng và góp phần không nhỏ trong việc un đúc tính tự lực, tự cường, lòng bao dung hỷ xả của người dân Đại Việt, mà tiêu biểu là triều đại nhà Trần, thời đại vàng son của Phật giáo.
Để tiếp nối sứ mệnh cao cả đó, các vị vua thời Trần sống và thực hành theo lời Phật dạy: “Vì lợi ích và an lạc cho tất cả chúng sanh”, kết hợp với tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tinh thần này được thể hiện qua sự nhập thế của các vị vua thời Trần, một thời đại để lại ấn tượng sâu sắc trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và tạo nên những trang sử hào hùng của dân tộc với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, điển hình là những vị vua anh minh như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông….
Thời Trần được khai sáng bởi vị vua đầu tiên là Trần Thái Tông. Thế nhưng, người khai thông tư tưởng cho vua Thái Tông và trao chiếc chìa khóa tinh thần lại là Quốc sư Viên Chứng “Một nhà sư ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng” trên núi Yên Tử. Có thể nói, chính Quốc sư là nhân tố đào tạo nên vị vua mẫu mực “ Tài đức vẹn toàn”.
Với lời khuyên bình dị, chân chất, Quốc sư đã gởi gắm trọn vẹn tinh hoa tư tưởng đạo Phật chỉ trong một câu nói khai ngộ cho vua Thái Tông bước vào đạo: “ Trong núi không có Phật, Phật chỉ có ở trong lòng , nay bệ hạ giác ngộ cái lòng ấy thì lập tức thành Phật, không cần cầu ở bên ngoài ”. Nghe qua câu nói của Quốc sư Viên Chứng mà Ngài đã tìm được hướng đi cho mình hợp nhất giữa đời và đạo. Ngài trở về lo việc xây dựng triều chính, nghiên cứu giáo lý, học đạo tham thiền theo lời chỉ dẫn của Quốc sư. Ngay cả khi lâm triều họp bàn chính sự, Ngài cũng không rời thiền định, mà xem “Thiền trường là chiến trường”, nghĩa là đạo Phật phải được trải nghiệm ngay trong lòng cuộc đời, vì vậy người Phật tử phải lấy chúng sanh làm đối tượng để phụng sự, thấu triệt lẽ ấy mà Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…sẵn sàng quên mình để lo cho dân cho nước, khi đất nước có giặc ngoại xâm các Ngài có thể cầm gươm lên ngựa “cởi áo cà sa khoác chiến bào” xông pha giữa lằn tên mũi đạn để cứu nhân dân thoát ách ngoại xâm. Với tinh thần đó, các vị vua thời Trần đem đạo vào đời tích cực phục vụ cho nhân dân, chính vai trò nhập thế ấy đã đưa Phật giáo thời Trần vươn tới đỉnh cao của thời đại.
Vì lẽ đó Phật giáo đời Trần thật xứng đáng với vai trò của hệ tư tưởng chủ đạo tích cực và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời đại, phù hợp với truyền thống yêu nước, tạo nên một triều đại vàng son trong lịch sử nước nhà.
Tinh thần hoằng Pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Mặt khác, tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần được xem là nền tảng căn bản cho đạo đức xã hội, xây dựng một hệ tư tưởng mới, không lệ thuộc văn hóa nước ngoài, kế thừa đạo Phật một cách có chọn lọc và sáng tạo, đem lại cho Phật giáo một luồng sinh khí mới, một sức sống mới “Biết chủ động và sáng tạo, chọn lọc trong hệ tư tưởng Phật giáo tất cả những gì tinh hoa nhất, tích cực nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thời bấy giờ, biến nó thành chất men hội tụ và xúc tác”.
Để có được thành tựu lớn lao với ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, các ngài đã đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt, bằng lòng gan dạ dũng cảm, bằng cả tài năng lãnh đạo, khéo thu phục lòng người và trên tất cả là bằng tấm lòng quyết giữ gìn giang sơn Đại Việt. Chính tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Trần đã làm cho xã hội Việt Nam thành tựu cả về văn hóa mỹ thuật lẫn quân sự chính trị, gây nên âm hưởng vang dội không chỉ một thời mà còn vọng mãi đến ngàn sau.
Bên cạnh đó, các vị vua thời Trần được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp của triều Lý, đồng thời biết phát huy những tinh hoa văn hóa cho phù hợp với quốc dân thủy thổ mà không đánh mất bản sắc dân tộc. Hơn nữa, các Ngài đã thấm nhuần lời dạy của Thiền sư Pháp Thuận:
“ Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh”
Nghĩa là muốn đất nước thái bình thịnh trị, tự thân các vị vua phải trau dồi bằng đạo đức vị tha, triết lý sống nhập thế trên tinh thần “Từ – Bi – Hỷ – Xả” của đạo Phật, thì đất nước sẽ không còn chiến tranh.
Tóm lại, nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam chúng ta không thể nào quên thời đại vàng son của Phật giáo thời Trần. Như lịch sử đã ghi nhận, từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc và luôn đồng hành cùng dân tộc. Như lời nhận định của Ngài Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: “Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống hộ quốc an dân”.
Dù trải qua bao thời đại thăng trầm của lịch sử, nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn có một vị trí đặc biệt trong lòng dân tộc và giá trị hiện thực của Phật giáo thời Trần cũng được tăng thêm qua mỗi lần nhìn lại. Thời đại lý tưởng ấy đã sinh ra những con người lý tưởng, đó là những vị vua Phật tử thuần thành, thấm nhuần giáo lý Đạo Phật, muốn từ bỏ ngai vàng để tìm cầu giải thoát. Có thể nói, đây là yếu tố tích cực góp phần xây dựng Phật giáo thời Trần đạt được những thành công rực rỡ.
Thích nữ Trung An