Tính sai ngày giỗ, giờ phải làm sao?
Ảnh minh họa
Người thân của tôi mất ngày 20-8 âm lịch năm Nhâm Dần (2022), gia đình tôi đã chuẩn bị chu đáo để làm lễ giỗ đầu vào ngày 20-8 âm lịch năm Quý Mão (2023). Nhưng mới đây, gia đình tôi đã bị một số bà con họ hàng trách cứ nặng nề vì tính sai ngày giỗ, lẽ ra phải làm lễ giỗ đầu vào ngày 20-7 âm lịch (2023) mới đúng, bởi năm nay nhuận có 2 tháng hai.
Xin quý Báo cho tôi lời khuyên, có thể thực hiện lễ giỗ đầu vào ngày 20-8 âm lịch như đã chuẩn bị không? Nếu không thì cần làm những lễ nghi nào để thay thế? Theo đạo Phật, việc này có ảnh hưởng gì đến người chết và sự bình an gia đạo của người sống?
(PHÚ THÀNH, pptha…@gmail.com)
Bạn Phú Thành thân mến!
Ngày giỗ đầu như bạn nói chính là ngày lễ Tiểu tường, được tính đúng 12 tháng sau khi mất, dân gian gọi là cúng Giáp năm. Tùy vào năm âm lịch có nhuận hay không để điều chỉnh ngày cúng Tiểu tường cho phù hợp. Gia đình bạn có lẽ vì quá bận rộn nên quên mất năm nay nhuận, vì thế đã tính sai ngày, hiện ngày giỗ đúng đã trôi qua.
Chỉ có ngày cúng Tiểu tường được tính sau 12 tháng và ngày cúng Đại tường được tính sau 24 tháng kể từ ngày mất, nên cần đặc biệt chú ý đến năm nhuận. Cụ thể trường hợp gia đình bạn, năm nay (2023-Quý Mão có nhuận 2 tháng hai) cúng Tiểu tường vào 20-7 âm lịch, sang năm (2024-Giáp Thìn) cúng Đại tường vào ngày 20-7 âm lịch. Còn về sau, các ngày giỗ đều giữ đúng 20-8 âm lịch hàng năm, bất kể có nhuận hay không.
Hiện ngày giỗ đầu 20-8 âm lịch theo như dự kiến của gia đình bạn vẫn chưa đến. Tuy có nhầm lẫn về ngày nhưng thiết nghĩ cũng không phải là sơ sót quá nghiêm trọng, có thể tìm giải pháp khắc phục. Việc cần làm trước tiên, bạn sắm sửa hoa trái, đốt hương đèn nơi bàn thờ người thân, y phục chỉnh tề, lễ lạy người quá cố rồi quỳ trước bàn thờ khấn nguyện. Bạn bày tỏ nỗi lòng ăn năn hối lỗi vì đã tính nhầm ngày, mong người đã khuất thấu hiểu và hỷ xả cho sai lầm của con cháu, nguyện sẽ cúng Tiểu tường vào ngày 20-8 với tất cả lòng thành.
Sau đó, đến ngày 20-8 âm lịch, gia đình bạn tiến hành cúng giỗ đầu bình thường như dự kiến với tất cả tâm thành kính. Đối với bà con họ hàng về dự lễ, nếu có ai hỏi đến ngày tháng thì bạn nên thành khẩn nhận lỗi, mong mọi người tha thứ, xin rút kinh nghiệm sang năm (2024-Giáp Thìn) sẽ cúng Đại tường vào ngày 20-7 âm lịch. Trong đạo Phật có câu “Tâm thành thì Phật chứng”, ở đời cũng vậy, người mất cũng hỷ xả cho sự vô ý sai sót của con cháu nếu mình thành khẩn hối lỗi. Cúng xong là đã tạm chu toàn bổn phận cúng kiếng, bạn không cần làm thêm bất kỳ lễ nghi gì khác.
Còn vấn đề cúng sai ngày, người mất và kẻ còn có bị ảnh hưởng gì không? Theo đạo Phật, khi một người mất đi, thần thức sẽ theo nghiệp thiện ác của người đó mà tái sinh vào cảnh giới tương ứng trong lục đạo. Trong vòng 49 ngày, việc cầu nguyện, cúng kiếng, làm phước để hồi hướng phước báo cho người mất có tác dụng trợ duyên rất tích cực cho việc tái sinh vào cõi lành.
Sau 49 ngày, hầu hết chư vị đã tái sinh, bấy giờ việc cúng kiếng kỵ giỗ chỉ nhằm tưởng nhớ đến người đã khuất. Nếu thân nhân có làm phước để hồi hướng thì chỉ có tác dụng tăng thêm phước phần cho vị ấy nơi cảnh giới đã tái sinh về. Do vậy, việc cúng sai ngày không có ảnh hưởng gì nhiều đến khổ vui của người đã khuất.
Đối với thân nhân, vì đây là việc hiếu mà có sơ suất nên cần hối lỗi, sửa sai. Theo đạo Phật, tâm hiếu mới quan trọng, sẽ dẫn dắt hạnh hiếu. Gia đình bạn đã có tâm và hạnh hiếu, việc cúng kiếng đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ do sơ sót tính sai ngày, bạn cũng đã thành tâm hối lỗi rồi nên không có ảnh hưởng gì đến bình an gia đạo. Ngày nay do đặc điểm của đời sống hiện đại, nhiều gia đình đã điều chỉnh ngày giỗ sớm hoặc muộn hơn cho thích hợp để con cháu đều có mặt đông đủ. Dù cúng không đúng ngày nhưng tâm và hạnh hiếu của họ vẫn trọn vẹn, tổ tiên ông bà vẫn hoan hỷ.
Chúc bạn tinh tấn!