Tình người trong bão lũ
Vừa qua, chuyến đi theo chân một số Tăng Ni đi phát quà cứu trợ tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc.
Không chỉ ám ảnh bởi những cảnh hoang tàn, những cảnh đời khắc nghiệt, mà ấn tượng trong tôi còn là tình đồng bào sâu sắc, lòng nhân ái rộng lớn của người dân khắp mọi miền tổ quốc hướng về nơi người dân gặp hoạn nạn…
Những ngày qua, hòa chung những dòng người đi cứu trợ đồng bào thiên tai ở miền núi phía Bắc, ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh những người “đầu tròn áo vuông” – các Tăng Ni trong chiếc áo nâu sồng đi phát quà trên khắp các rẻo cao đỏ quạch bùn đất do bão lũ.
Theo chân một số Tăng Ni đi phát quà cứu trợ
Tôi nhận được điện thoại từ Đại đức Thích Bổn Trí ở Tiền Giang và Ni sư Thích nữ Thắm Trang ở TP.HCM, rằng muốn đem hàng ra cứu trợ người dân gặp thiệt hại do bão số 3, nhờ kết nối điểm đến. Tôi liên lạc với nhà báo Thành Tâm, phụ trách Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Lào Cai. Thành Tâm nhận lời, cho biết Báo Nhân Dân sẽ hỗ trợ một xe tải đến đón hàng ở sân bay Nội Bài, vận chuyển tới các điểm cứu trợ ở Yên Bái và Lào Cai.
Ban đầu, tôi đề xuất với nhà báo Thành Tâm kết nối cho đoàn đến phát quà tại Làng Nủ (nơi lũ và sạt lở vừa san phẳng cả làng), nhưng Thành Tâm cho hay: Làng Nủ là nơi thiệt hại nặng nề nhất, nhưng đã rất nhiều đoàn đến cứu trợ rồi, trong khi Lào Cai còn rất nhiều nơi khác bị thiệt hại nặng nề, rất cần được cứu trợ. Do đó, Thành Tâm kết nối chúng tôi đến huyện Văn Bàn.
Tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, ông La Tiến Thuật – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Văn Bàn tận tình dẫn đoàn đến các xã Liêm Phú, Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken để phát quà cứu trợ đến từng người dân. Ông La Tiến Thuật cho biết cơn bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản của người dân huyện Văn Bàn: Mưa lũ đã làm chia cắt, cô lập nhiều khu vực dân cư, làm 2 người chết, 238 ngôi nhà bị sập, khoảng 3.000 hộ dân bị lũ và sạt lở đất cuốn trôi tài sản, đang phải lâm vào cảnh thiếu lương thực, thực phẩm và rất cần các đồ dùng thiết yếu.
Trên địa bàn huyện, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, hệ thống điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc… bị hư hỏng nặng nề. Trên đường từ cao tốc Hà Nội – Lào Cai đi vào huyện Văn Bàn hơn 50km, chúng tôi chứng kiến cảnh sạt lở đất liên tiếp suốt chặng đường, khiến con đường trước đây được trải nhựa, nay đã vô cùng nham nhở, nhiều đoạn bị thu hẹp, xe phải rất khó khăn mới đi qua được.
Tình người trong bão lũ
Một trong những địa điểm chúng tôi đến là “Bếp ăn 0 đồng” tại thành phố Yên Bái. Gọi là bếp ăn, nhưng thực ra đây là một con ngõ nhỏ – ngõ 332, đường Đinh Tiên Hoàng. Suốt chiều dài khoảng 100m, các bếp nấu được đặt san sát.
Được biết, những ngày bão số 3 ập đến, rất nhiều phường, xã ở thành phố Yên Bái ngập sâu trong nước, nhưng riêng con ngõ này nhờ thế đất cao nên không bị ngập. “Chủ bếp” là vợ chồng ông Nguyễn Trọng Hùng và bà Đỗ Thị Nhâm. Ông Hùng là thương binh, hai chân bị cụt từ đùi trở xuống. Bà Đỗ Thị Nhâm kể lại, đêm mùng 8, sáng 9-9, nước đổ về, khiến đường phố xung quanh bị ngập sâu. Các làng ngoại thành gần đó ngập chìm, nước dâng lên đến mái nhà. Từ nhà bà nhìn xuống làng, nhiều người dân phải đứng trên nóc nhà, chờ người đến cứu.
Hàng chục người dân được bộ đội và công an cứu hộ, đưa tạm lên con ngõ này. Bà nấu cơm, mời những người dân được cứu nạn và lực lượng cứu nạn đến ăn. Bữa đầu nấu hơn 60 suất ăn. Những ngày sau đó, số lượng người dân được cứu hộ và sơ tán lên đây ngày càng nhiều, nhu cầu suất ăn tăng lên, bà nấu đảm bảo đủ phát miễn phí cho những người dân gặp nạn. Sau 2 ngày, thì toàn bộ gạo, thực phẩm dự trữ của gia đình “hết sạch”. May thay, nhiều người ở gần đó cùng mang bếp, nồi, xoong, chảo… ra ngõ để cùng gia đình bà nấu ăn cứu trợ.
“Bình quân mỗi bữa nấu 4 tạ gạo, 150kg thịt, 5 tạ rau… được 5.000 suất ăn. Các lực lượng cứu hộ – chống lụt bão đến ăn, họ nhận các suất ăn đem đi phân phát đến các điểm người dân sơ tán, họ cũng dùng thuyền chở các hộp suất ăn đến phát cho những người dân mắc ở giữa ‘biển nước’, chưa thoát ra ngoài được”, bà Đỗ Thị Nhâm cho hay.
Hàng trăm người từ các tỉnh miền xuôi đem hàng lên cứu trợ, đã tình nguyện ở lại khu vực “bếp ăn 0 đồng” này để góp công, góp lương thực, thực phẩm để cùng nấu ăn cứu trợ đồng bào gặp nạn. Lực lượng quân đội cũng điều 20 nhân viên đầu bếp đến hỗ trợ, đem máy thái thịt, máy thái rau đến cho mượn.
“Gạo, thực phẩm do các nhà hảo tâm gửi đến. Ai ủng hộ tiền, tôi đều ghi chép lại, đã chi mua những thực phẩm nào, cũng đều ghi rõ ràng, để tới đây sẽ báo cáo lên chính quyền địa phương”, bà Đỗ Thị Nhâm chia sẻ.
Xúc động trước tình đồng bào
Từ khi xảy ra bão số 3 đến nay, các hãng hàng không nhận vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí. Lượng hàng do các đơn vị, tổ chức, cá nhân cứu trợ gửi quá lớn, nên các hãng bay không thể sắp xếp hàng vào các chuyến bay theo thời gian mà người gửi mong muốn. Nhưng cũng nhờ hàng ra chậm, chúng tôi tha thẩn hơn 5 giờ ở kho hàng của sân bay, chứng kiến các hoạt động giao nhận hàng cứu trợ diễn ra nhộn nhịp tại đây.
Liên tiếp các chuyến bay vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí hạ cánh, hàng được chuyển tới kho để giao cho bên nhận. Tôi gặp một phụ nữ khoảng chừng 30 tuổi, đang nhận hàng và bận rộn bốc hàng lên xe. Trò chuyện, được biết chị tên là Nguyễn Thị Phượng, ở quận Tây Hồ. Chị Phượng cho biết trong suốt gần 2 tuần qua, ngày nào cũng nhận 2-3 chuyến hàng từ sân bay Nội Bài. “Nhiều trường hợp mình không biết người gửi hàng cứu trợ là ai. Cứ liên tục nhận được thông báo của hãng bay, rằng hàng gửi đến, yêu cầu ra nhận”.
Gia đình Phượng chuyên kinh doanh vận chuyển hàng hóa, nhà chỉ có một xe tải cỡ nhỏ, tải trọng 2 tấn, nhận chở hàng từ Hà Nội đi các tỉnh. Sau khi bão số 3 hoành hành, gây nhiều thương vong và thiệt hại cho đồng bào miền Bắc, trên trang Facebook đồng hương Thái Nguyên (quê của Phượng), một số người sống tại miền Nam rủ nhau ra Bắc đi cứu trợ. Thế là Phượng tham gia, đón các bạn cùng nhau góp tiền, mua hàng đưa lên phát cho bà con.
Sau chuyến đi ấy, chị chụp ảnh đăng trên Facebook. Bất ngờ ngay sau đó, có người nhắn tin, đề nghị chị nhận hàng và vận chuyển đi cứu trợ. Nhà hảo tâm gửi hàng qua hàng không, nên chị Phượng sử dụng xe tải của mình vào kho hàng tại sân bay Nội Bài nhận hàng, rồi vận chuyển đi đến các địa điểm bị thiệt hại nặng do thiên tai để phát quà đến người dân. Tất cả các hoạt động này, chị đều tự nguyện, không lấy tiền công.
“Những ngày qua, các nhà hảo tâm liên tục nhắn tin vào Facbook của mình, nhờ nhận và chuyển hàng cứu trợ. Bận bịu nhận và chuyển hàng, nên không còn thời gian đọc tin nhắn nữa. Cứ thấy hãng bay thông báo, là đưa xe đến kho để lấy hàng, thấy kiện hàng nào ghi tên mình thì mình nhận, chứ cũng không biết hàng do nhà hảo tâm nào gửi. Rất nhiều kiện hàng chỉ ghi tên người nhận mà không ghi tên người gửi, nên mình không biết người gửi là ai”, chị Phượng kể.
Tại kho giao nhận hàng, nhiều lao động chuyên bốc vác hàng từ kho lên các xe tải. Ai nấy đều bốc vác hàng hóa rất nhiệt tình, nhưng khi tìm hiểu, chúng tôi ngỡ ngàng khi những ngày này, tất cả những người “cửu vạn” ở đây đều làm việc thiện nguyện, không nhận tiền công.
Ngày 11-9, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký ban hành Thông bạch số 285/TB-HĐTS gửi đến các Ban, Viện T.Ư; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước về việc vận động cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi). Trước đó, vào chiều 10-9, tại lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh khu vực phía Bắc được Ủy ban T.Ư MTTQVN tổ chức, chư tôn đức đại diện Giáo hội đã đến đóng góp tại chương trình.
Ngày 13-9, Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã trao 100 triệu đồng qua Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trợ lý Đức Pháp chủ để chuyển vào quỹ chung tay hỗ trợ đồng bào ở các tỉnh miền Bắc ảnh hưởng bởi bão lũ trầm trọng. Đồng thời, tại lễ phát động do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức vào sáng 16-9 tại Việt Nam Quốc Tự, Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm ủng hộ và có lời kêu gọi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử:
“Theo tinh thần Phật giáo, khi sống trong bình yên chúng ta nên nghĩ tới những người không được bình yên, khi có may mắn chúng ta nên nghĩ tới những người bất hạnh. Vừa qua, nhiều tỉnh thành ở phía Bắc của đất nước chúng ta phải hứng chịu cơn bão số 3, tiếp theo là lũ quét, sạt lở đất… gây ra mất mát khôn lường. Trung ương Giáo hội đã ban hành lời kêu gọi và các cấp Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử đã nhiệt tâm hưởng ứng. Với tình nghĩa đồng bào, rất nhiều người ở nhiều nơi đã lên đường ra miền Bắc cứu trợ thiên tai. Tất cả đều hướng đồng bào ở những nơi bị thiệt hại để mong nỗi khổ niềm đau được xoa dịu phần nào. Những ai không thể đi cứu trợ, chúng ta có thể chia sẻ những tài vật dù nhỏ dù lớn để hỗ trợ, hoặc lắng lòng cầu nguyện, gửi năng lượng an lành đến đồng bào miền Bắc nhằm xoa dịu nỗi đau thương quá lớn do thiên tai gây ra”.
Chu Minh Khôi/Báo Giác Ngộ