Tĩnh lặng buông thư

Cảnh vật nơi cửa thiền vào buổi sớm mai, khi bình minh vừa ló dạng trông lộng lẫy vô cùng. Nó vừa có chút thơ mộng, vừa thanh bình, vừa ngập tràn hương vị Thiền và rất đỗi bình yên.

Trước sân, những hạt sương óng ánh mang một vẻ đẹp hiền lành, dường như đang nũng nịu chưa chịu rời những cánh hoa xinh, khi vệt nắng còn chưa đủ ấm để khiến chúng tan nhanh. Đằng kia, trên cành cây cổ thụ, những chú chim cũng góp phần vào cảnh thanh bình, cho ngày mới thêm an bằng những điệu hót líu lo. Giữa khoảng trời xanh xinh đẹp có đầy gió lộng ấy tạo nên một năng lượng an lành, không khí cũng trong lành, mát mẻ, dễ chịu, làm cho tôi và những ai bắt gặp được khoảnh khắc tuyệt vời ấy cũng không ngần ngại lắng lòng, để tận hưởng những phút giây hiện tại bình yên. Rồi ngước lên nhìn những chòm mây trắng trên bầu trời cao, bỗng thấy nó tuyệt đẹp làm sao! Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng bay, không đượm chút suy tư nào.

Khi tâm Từ bi tròn đầy thì nhìn giọt nước hay viên sỏi cũng sẽ cảm thấy lòng mình tràn ngập những yêu thương và an lạc.
Khi tâm Từ bi tròn đầy thì nhìn giọt nước hay viên sỏi cũng sẽ cảm thấy lòng mình tràn ngập những yêu thương và an lạc.

Ngày mới bắt đầu với sự an yên, dịu dàng như thế đó. Nhìn đời và cuộc sống bằng ánh mắt đầy năng lượng tích cực và Từ bi sẽ giúp tâm hồn thêm tĩnh tại, an nhiên. Nhìn sự việc bằng tâm Chánh niệm để buông xả những điều cần buông xả mà Đức Phật đã dạy và đoạn trừ những điều cần đoạn trừ, để được thanh tịnh từ thân đến tâm. Đức Phật đã chỉ ra con đường giải thoát giác ngộ, Ngài đã thành bậc Chánh đẳng Chánh giác qua sự nỗ lực tu tập của tự thân với pháp môn Thiền định. Lễ Phật mỗi ngày để nhớ mà thực hành theo trong đời sống an tịnh của mình, nuôi dưỡng tâm nguyện trọn đời theo gót Đức Như Lai mỗi giờ, không để lòng gợn sóng, không để tâm vướng phiền não, bụi trần.

Phải thường xuyên “phóng sanh” những tham, sân, si, bất thiện trong lòng. Thả những điều ác vào hư không cho gió cuốn bay, không nên nhốt chúng vào trong dạ. Không tiếp đón phiền não, không cho chúng ngự trị trong tâm. “từ thiện” với “tài sản” vốn có của mình như tặng cho người khác nụ cười, sự thông cảm chia sẻ, lắng nghe nỗi khổ niềm đau, nâng đỡ, yêu thương và đối đãi tử tế với mọi người. Không làm phiền người khác, không làm tổn thương ai, đó cũng là một cách “từ thiện” mà ai trong chúng ta cũng có thể làm, kể cả người vô gia cư không tài sản. Hạt giống yêu thương và điều tử tế được ươm mầm chắc chắn sẽ gặt hái được quả lành, an vui và hạnh phúc.

Ở đời, nếu không muốn mình khổ thì đừng ôm cái khổ vào lòng để mà thọ hưởng, không muốn đau thì đừng chạm vào vết thương để xem nó ra làm sao. Chỉ cần đặt phiền muộn, mệt mỏi xuống là được an nhiên, bình yên tức khắc. Đừng tự trói chặt bản thân vào những rối rắm rồi ngộ nhận là khổ đau luôn bám víu ta.

Giống như biển lúc nào cũng ồn ào, ầm ĩ bởi những con sóng vỗ vào bờ. Nhưng khi ngồi bên bờ biển, ngắm những làn sóng nối đuôi nhau, nhìn ngọn sóng trước chưa kịp dứt thì ngọn sóng sau đã ập đến, ta lại thấy bình yên đến lạ, phải không? Thậm chí nó còn đẹp tuyệt vời trong mắt chúng ta lúc đó nữa. Vậy nên, khi phiền não ồ ạt tranh nhau đến làm khổ mình, nếu biết lấy những phiền muộn chưa hoá giải, dùng nó để đẩy những nghịch cảnh tan biến hết đi giống như những ngọn sóng kia, đừng giữ nó trong lòng, như thế ta sẽ an yên, sống một đời thong dong tự tại, yên lành. Ở biển sóng đánh ầm ĩ, ồn ào ta lại thấy bình yên, nhưng tại sao giữa khoảng lặng yên ta lại để lòng mình dậy sóng? Thay vì ngồi buồn cho những chuyện đã qua, thì ta nên buông bỏ nỗi buồn đó rồi giữ tâm tĩnh lặng, buông thư và hít thở trong an yên, nhẹ nhàng.

Dành thời gian tịnh thiền, rồi Thiền hành với trạng thái thư giãn trong Chánh niệm sẽ cảm nhận được sự an lạc, bình yên và tĩnh lặng trong đó. Mặc cho ngoại cảnh có lao xao lá cành, đàm tiếu thị phi hay rộn rã tiếng chim, xì xầm chuyện phiếm hoặc rì rào tiếng gió, giông tố lên những phận đời. Không có gì có thể làm trở ngại hay cướp đi sự bình yên và thanh tịnh trong tâm của chúng ta, trừ khi chính mình muốn tự làm khổ mình mà thôi. Chứ không có ai bắt mình phải vật vờ, thảm não, khóc lóc, hờn trách, ganh tỵ, thù hận cả.

Nên buông bỏ những phiền muộn, không có lợi ích gì khi sống cùng với chúng. Nó chỉ làm cho mình mệt mỏi, chán nản, lâu ngày dần dần sinh ra phẫn nộ do sự căm hận dồn nén và biến chúng ta thành người tiêu cực, sống trong chuỗi ngày u mê sầu não, ôm chặt đau khổ, sẽ rất uổng phí thời gian. Đời người không dài, mỗi ngày qua đi là tuổi thọ sẽ ngắn lại. Thay vì chấp nhặt, ta chọn “buông bỏ, hỷ xả và tha thứ” cho nhẹ lòng. Đừng đợi khi nhắm mắt, lìa đời mới mong được về cõi Cực lạc. Hãy sống vui, hưởng an nhàn với cảnh Cực lạc ngay trên cõi đời này, ngay những phút giây hiện tại này.

Khi tâm Từ bi tròn đầy thì nhìn giọt nước hay viên sỏi cũng sẽ cảm thấy lòng mình tràn ngập những yêu thương và an lạc. Khi đủ Trí tuệ thì nhìn đóa hoa dại bên đường cũng ngộ ra một bài pháp về chân lý. Khi lòng an yên, tâm trí định tĩnh thì một làn gió nhẹ thoảng qua thôi cũng sẽ cảm thấy vui, vui trong giác ngộ. Thế đấy, có những niềm vui dịu dàng như chiếc lá, có những hạnh phúc bình yên như vệt nắng chiều tàn, rồi cũng có những yêu thương nhẹ nhàng như làn gió hiu hiu nơi cửa thiền mát mẻ, thanh thoát, tịnh an. Cũng có khi con người ta giác ngộ ngay trong mỗi niềm vui đến từ một điều rất nhỏ, đó là khi niềm yêu thương ăm ắp trong tâm hồn.

Cửa Thiền là chốn Tịnh, nhưng nếu thực tập hạnh “từ bi, buông xả, giữ giới” thì đâu đâu cũng Tịnh như cửa Thiền và khi thân đã Tịnh thì Tâm sẽ an.

SC. Thích Nữ Diệu Hoa