Tinh cần nâng đạo nghiệp, giải đãi hại thân tâm
Tỳ kheo mà buông lung cẩu thả, lộng ngữ phóng tâm, lững thững qua ngày thì nhứt định phải đắm chìm khốn khổ. Không thể dùng xảo ngôn, lợi khẩu mà lường gạt ân đức của Phật Tổ, Tôn Sư. Chỗ huynh đệ thâm giao, xin huynh tha cho những lời chân tình, thắm thiết.
Thuở nọ, có hai Tỳ kheo lãnh thọ yếu chỉ thiền quán từ Đức Thế Tôn rồi lui về rừng Khổ Hạnh tu tập. Sáng sớm hôm đó, một vị mang củi ra, chuẩn bị lò than chu đáo để suốt canh một đêm đó ngồi sưởi ấm, tán dóc với các chú sa di và các chú điệu, thôi thì bàn tán đủ thứ: chuyện trong chùa ngoài phố, chuyện thiện nam tín nữ, chuyện xuất gia hoàn tục, chuyện giải đãi trầm luân, chuyện cải trang khất thực, chuyện giả danh Sa môn, chuyện nghe kinh ngủ gục v.v… Các chú sa di và các chú điệu cứ há mồm ra nghe thầy nhận xét và luận chuyện phiếm mà không biết chán. Trong khi vị Sa môn kia thì nhứt tâm quán niệm, hạ thủ công phu. Thấy pháp hữu của mình phí phạm giờ giấc một cách oan uổng, thầy ngỏ lời nhắc nhở:
– Thưa huynh, xin huynh đừng giận nghe! “Trung ngôn nghịch nhĩ” đó. Thấy huynh đêm đêm ngồi chơi tán gẫu uổng quá. Huynh biết đấy, thời giờ như tên bắn, ngày tháng tợ thoi đưa; vả lại “Thị phi chỉ vị đa khai khẩu”. Nói nhiều thì lỗi nhiều. Chê khen nhiều thì tâm hồn mình bị rối rắm. Đức Thế Tôn từng dạy:
Vậy đó A tu la,
Xưa nay đều thế cả,
Ngồi im bị đả phá,
Nói nhiều bị người chê,
Nói ít bị người phê,
Không ai không bị trách,
Trên trần thế bộn bề!
Phân tích, mổ xẻ, phê bình, chỉ trích thì dễ lắm, nhưng bắt tay vào việc, âm thầm hành đạo, mang lại lợi ích cho mình cho người, cho hiện tại và cho tương lai thì khó khăn vô cùng. Đúng là:
Khó thay sống khiêm tốn,
Thanh tịnh tâm vô tư,
Giản dị đời trong sạch,
Sáng suốt trọn kiếp người.
Tỳ kheo mà buông lung cẩu thả, lộng ngữ phóng tâm, lững thững qua ngày thì nhứt định phải đắm chìm khốn khổ. Không thể dùng xảo ngôn, lợi khẩu mà lường gạt ân đức của Phật Tổ, Tôn Sư. Chỗ huynh đệ thâm giao, xin huynh tha cho những lời chân tình, thắm thiết.
Động lòng tự ái, vị Sa môn giải đãi buông lời hờn mát:
– Ôi!… Phật pháp nhiệm mầu, thậm thâm vi diệu, tám vạn bốn ngàn pháp môn; ông tu ông đắc bà tu bà đắc, hơi đâu mà bận tâm đến gia phong đạo nghiệp của người khác. Xin cảm ơn thiện tâm, hảo ý của đại sư. Thấy mình chưa đủ sức cảm hóa thân hữu, vị Sa môn tinh chuyên, cần mẫn liền nhập từ bi quán, cất bước hành thiền và đi vào chánh định.
Sau canh tán dóc bên lò lửa, vị Sa môn thích ba hoa đi vào cùng lúc với vị Sa môn tinh tấn, đã xả thiền và về am riêng của mình. Lát sau, thấy vị sư tinh tấn nằm ngủ, vị giải đãi đến thả giọng đâm hông:
– Ủa! Đại sư lãnh thọ yếu chỉ thiền tông của chư Phật để rồi vào rừng ăn no, ngủ kỹ như vậy à?! Đại sư không chuyên tâm tỉnh thức, nội quán thanh lương nữa sao?
Nói xong, sư về phòng nằm đánh một giấc ngon lành tới sáng. Còn sư tinh tấn thì canh ba thức dậy, quán niệm, thiền hành, và sau một thời gian nỗ lực tu tập, sư chứng quả A la hán, đầy đủ thần thông diệu dụng; trong khi sư ba hoa kia thì mãi lún sâu vào nếp sống buông lung, phóng dật.
Sau giai đoạn ẩn tu trong rừng khổ hạnh, hai sư cùng về thăm Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn rất hoan hỷ và ngỏ lời thăm dò:
– Ta tin là các thầy đã nỗ lực trong nếp sống tinh tấn tu hành. Ta tin là các thầy đã thành tựu đạo nghiệp.
Vị sư phóng túng đáp:
– Bạch Thế Tôn, làm sao thầy ấy có thể được gọi là tinh chuyên cần mẫn! Từ khi xa Đức Thế Tôn, thầy ấy chỉ biết trưởng dưỡng sắc thân, ngủ nghỉ thoải mái.
– Còn thầy thì sao? .- Đức Thế Tôn hỏi.
– Con ấy à! Bạch Thế Tôn, sáng sớm con đem củi ra chuẩn bị một lò than tươm tất để đêm đêm ngồi sưởi ấm và luận chuyện đông tây kim cổ chứ không ngủ.
– Thầy đã hoang phí thời giờ trong buông lung thất niệm mà gọi là chuyên tâm thiền định sao?! .- Đức Thế Tôn nói. Thầy đã lầm hạnh nỗ lực tinh cần với tính buông lung cẩu thả. Thầy biết đấy, trong cuộc so tài, con tuấn mã bao giờ cũng bỏ xa con ngựa hèn.
Ngài đọc kệ:
Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa ngủ mê,
Người trí như tuấn mã,
Bỏ xa con ngựa hèn.