Tình cảm Thầy trò trong đạo Phật

Ta tôn kính thầy mình, trung thành với thầy mình thì tự nhiên mình có cái phước trong tâm. Cái phước đó là nền tảng của tâm linh, là động lực của sự tu hành và thước đo của sự tiến bộ trong tu tập.

 

Khi còn bé, ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường chúng ta đã được dạy về truyền thống tôn sư trọng đạo, vâng lời, kính trọng thầy cô giáo. Nhưng khi lớn lên, không còn theo học trường lớp nữa, dường như những tình cảm cao quý ấy dần dần biến mất. Chỉ những người rất có đạo đức mới nhớ đến ân nghĩa mà ngày xưa thầy cô đã dạy dỗ: từng con chữ, từng phép tính và đạo lý làm người. Do thời buổi kinh tế thị trường mà đạo thầy trò của thế gian dần dần bị mất đi. Tuy nhiên, may mắn thay là trong đạo Phật, những tình cảm đó không bị phai nhạt mà lại còn trở nên thiêng liêng và cao quý hơn.

Bởi lẽ không riêng người tu sĩ xuất gia, cả người cư sĩ, khi lần đầu tiên biết được đạo Phật, được nghe những lời dạy dỗ chân thành, đầy trí tuệ và uy đức của Thầy mình, thì cuộc đời mình đã bước sang trang mới. Từ đây mình đã thực sự bắt đầu bước chân vào con đường Phật đạo, được tắm trong hào quang của chư Phật, hiểu được nhân quả mà biết tích phước hành thiện, làm nhiều công đức lành và tu tập thiền định. Và trong chúng ta, ai cũng đều khởi lên một mong ước một ngày nào đó mình sẽ thoát khỏi khổ đau của cuộc sống thế gian để tiến tu giải thoát, theo hạnh nguyện của chư Phật mà hóa độ chúng sinh.

Đạo nghĩa thầy trò qua lời Tổ dạy

2

Tất cả những tình cảm cao đẹp đó đều xuất phát từ sợi dây thiêng liêng ban đầu là tình cảm giữa thầy và trò trong đạo Phật. Đối với người cư sĩ thì người thầy trong đạo (Sư Phụ) của mình là người uyên thâm, trí tuệ, đầy đủ đạo lực, đạo hạnh để hướng dẫn dạy dỗ cho mình. Còn đối với người tu sĩ đã từ bỏ gia đình, xuất ly khỏi những mối quan hệ ràng buộc giữa thế gian, thì Sư Phụ mình không chỉ là người thầy mà còn là người cha của mình. Vì tất cả cuộc đời của Người dành cho chúng sinh, dành cho những đệ tử thân yêu.

Nhưng có một điều xưa nay ít được nhắc đến đó là lòng trung thành đối với thầy của mình. Chúng ta thường yêu cầu một người thầy phải đạo đức chuẩn mực gương mẫu, người học trò phải ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng chúng ta ít nghe dạy rằng người học trò phải trung thành với thầy tổ của mình.

Đây là một điều thiếu sót. Ngày xưa trong đạo Nho, đạo Phật, các môn phái võ thì điều này không cần phải được nhắc đến vì đây là điều tất nhiên, ai cũng ngầm hiểu là Sư Phụ mình đã đem cả cuộc đời lo lắng dạy dỗ, thương yêu, chăm sóc mình thì nghĩa vụ của người đệ tử là trung thành với thầy mình để sau này còn tiếp nối con đường của thầy mình mà làm lợi ích cho chúng sinh. Nhưng ngày nay, lòng trung thành đó bị thử thách cao tột, trước những cám dỗ, lợi lạc của thế gian và những âm mưu hiểm độc. Chúng ta phải hiểu một điều rằng lòng trung thành chính là chìa khóa để ta có thể tiến tu trên con đường Phật đạo. Vì sao vậy?

1. Vì công ơn của Sư Phụ mình đối với mình quá lớn. Mỗi người chúng ta phải tự chiêm nghiệm ơn nghĩa của thầy tổ đối với mình như thế nào để tự xây dựng từng viên gạch vững chắc trong nội tâm mà phát lời thề nguyện trung thành với Sư Phụ mình. Đôi khi lòng trung thành đó đi đến mức độ cực đoan trở thành một ý nghĩ, một ý chí sắt thép trong tâm: ”Thầy mình có kêu mình chết, mình chấp nhận chết ngay lập tức”.

Dĩ nhiên, thầy mình không bao giờ kêu mình cực đoan như vậy, nhưng tự trong tâm mình khởi lên ý nghĩ đó một cách rất tự nhiên thì lúc đó lòng trung thành của mình đối với Sư Phụ mới gọi là bước đầu được vững chắc. Đồng thời, sau này thầy mình có giao trọng trách lại cho một vị nào đó để tiếp nối con đường của thầy mình, thì mình cũng phải hết lòng hỗ trợ. Thậm chí mình phải nghĩ rằng: “nếu vị đó kêu mình chết thì mình cũng chết”. Vì trước đây mình đã thề trung thành với thầy mình thì người được thầy mình tin tưởng giao lại trọng trách mình cũng trung thành, có như vậy mới giữ gìn được đạo Phật cho muôn đời sau.

2. Trong quá trình tu tập, người đệ tử Phật gặp rất nhiều khó khăn trắc trở đặc biệt trong nội tâm. Khi người đó có một chút tiến bộ trong tâm linh, thấy mình muốn tu tập nhiều hơn, đòi chuyên tu và tệ nhất là không cần thầy tổ, không cần Sư Phụ của mình nữa.

Khi thầy tổ mình đã cho mình nguồn đạo lý thiêng liêng, lo cho mình từng miếng cơm manh áo thì khi tu hành tiến bộ, một tâm lý tự nhiên xuất hiện là sự biết ơn đối với Sư Phụ, đối với huynh đệ, đối với thầy tổ đã giúp đỡ mình tiến tu. Do đó người nào lập luận rằng mình tu hành tiến bộ nên phải rời bỏ thầy tổ, rời bỏ huynh đệ mình thì chắc chắn lập luận đó là sai. Đồng thời, chúng ta cũng phải đánh giá lại nhân cách và lòng trung thành của người đó với sự so sánh nêu trên.

3. Có một mắt xích quan trọng trong việc tu hành mà ít người biết đến vì điều này rất khó nói và tế nhị. Nhưng đây là chìa khóa để mở ra con đường tâm linh của mình. Điều đó chính là khi ta tôn kính, trung thành với Sư Phụ mình như thế nào thì mức độ tiến bộ tâm linh trong việc tu hành của mình hiện ra như thế đấy. Không một vị thầy chân chính nào nói về điều này, ngay chính cả Đức Phật cũng không đề cập đến việc này.

Thực vậy, chúng ta không bao giờ nghe Đức Phật dạy rằng: “Các con phải tôn kính, trung thành với Như Lai thì các con sẽ được chứng đạo”. Thầy mình cũng không bao giờ dạy mình: ”Con phải tôn kính Sư Phụ, trung thành với Sư Phụ thì việc tu hành của con sẽ tiến bộ và có kết quả”. Nhưng chúng ta là những người đệ tử chân chính thì phải bắt buộc hiểu điều đó. Vì nhân quả có thực: kính thầy mới được làm thầy. Ta tôn kính thầy mình, trung thành với thầy mình thì tự nhiên mình có cái phước trong tâm. Cái phước đó là nền tảng của tâm linh, là động lực của sự tu hành và thước đo của sự tiến bộ trong tu tập. Đôi dòng này xin được gửi đến những người có tấm lòng đối với Đạo Phật, mong cho Phật Pháp trường tồn nơi thế gian đau khổ, để chúng sinh còn được thấy ánh bình minh của sự giải thoát giác ngộ.

Vô Thường (ST)