TÌM LẠI DẤU CHÂN XƯA

Ngày trăng tròn luôn là thời khắc đặc biệt nhất trong một tháng, thường là khoảnh khắc tạo nên nhiều nguồn cảm hứng sống động. Trong Phật giáo, lấy ngày rằm để gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Chẳng hạn như lễ Tam Hợp Veska, ngày cúng hội nửa tháng, ngày Bố Tát thuyết giới .… Trong đó, ngày rằm tháng Giêng được xem là một mốc điểm quan trọng của năm, nằm trong chu kì của vũ trụ. Nên dân gian có câu “Cả năm không bằng một ngày rằm tháng Giêng”. Và mùa trăng rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn này, thiền viện Pháp Sơn, Nam Cát Tiên, Đồng Nai đã tổ chức nhiều sự kiện đặc biệt cho cả Chư Ni, thiền sinh và hàng trăm Phật tử cùng tham dự.

Bình minh vừa trở minh, trong ánh ban mai dịu nhẹ của những ngày đầu xuân, Chư Ni Thiền viện Pháp Sơn đã khởi hành những bước chân khất thực hóa duyên. Những chiếc y vàng nối tiếp nhau với từng bước chân chậm rãi tròn đầy chánh niệm khiến bầu không khí trở nên trang nghiêm, tĩnh lặng một cách lạ thường. Chẳng hẹn cùng nhau, nhưng dòng người và từng chiếc xe cứ thế nép mình một cách lặng lẽ, kính cẩn. Nét đẹp của Ni đoàn thong thả, thanh tịnh trì bình hóa duyên đã khơi dậy những hạt giống niềm tin về Tam Bảo đến với những người dân địa phương nói chung và những ai hữu duyên. Bỗng chốc mọi sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc đời như chẳng con dấu vết trên cung đường sáng hôm ấy, tất cả chỉ còn lại niềm hoan hỷ giữ riêng trên từng nét mặt thánh thiện.

Khất thực là một trong những truyền thống của ba đời mười phương Chư Phật nhằm tôi luyện người Khất sĩ vơi dần những tham sân thế tục, vừa lòng với sự đủ dùng. Ngoài ra, còn gieo duyên lành với Chánh Pháp đến chúng sanh. Truyền thống cao đẹp này được Tổ sư Minh Đăng Quang làm sống dậy ở Việt Nam vào những năm giữa thế kỉ XX với tôn chỉ Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp.

“Khất thực hóa duyên, độ chúng sanh cầu giải thoát

Thiền môn in dấu, tỏ đạo rạng ngời ánh minh quang”

Ánh hào quang của Phật Pháp còn rạng ngời tỏa sáng trong Lễ hội Hoa đăng đêm rằm tháng Giêng. Đó là lúc hàng Phật tử thành kính dâng những ngọn đèn hoa đăng cúng dường ngôi Tam Bảo. Những ánh nến lung linh trải dài từng ngõ ngách của thiền viện làm tỏa sáng chốn thiền môn, khiến không gian tĩnh mịch núi rừng thêm phần thiêng liêng.

Theo lời kệ truyền đăng của Ni sư trụ trì, Chư ni và hàng Phật tử, từng người nối tiếp nhau thiền hành một vòng quanh Thiền Viện, phát khởi niệm an lành về một năm tròn đầy Giới Định Tuệ. Những dấu chân tiếp bước in lên nhau và cả những ngọn nến trao tay như biểu hiện sự trường tồn của Chánh Pháp. Đơn giản và rõ ràng nhất cho những người còn sơ cơ là sự biết ơn, hồi hướng đến cha mẹ, các bậc Thầy Tổ – “Công cha, nghĩa mẹ, ơn Thầy”. Chính sự biết ơn và báo ơn tưởng chừng đơn giản ấy sẽ giúp nuôi dưỡng những hạt giống thiện lành khác trong vườn tâm của mỗi người con Phật.

Ngày rằm tháng Giêng năm nay còn ghi lại dấu ấn đặc biệt với khởi đầu thiền viện Pháp Sơn tổ chức Đêm rằm tỉnh thức – tu tập hạnh Đầu đà, tọa thiền thâu đêm. Dưới sự hướng dẫn của Ni sư trụ trì, các hành giả thiền sinh đã tu tập hạnh cuối cùng trong 13 hạnh Đầu đà – ngăn oai nghi nằm. Thời khóa kéo dài 8 tiếng suốt đêm liên tục, có xen kẽ các thời thiền hành tỉnh lặng, nhẹ nhàng.

Nhân dịp này, cả đại chúng đều tưởng niệm đến ân đức của Chư Phật và cũng là cơ hội để tăng trưởng sức mạnh đoạn trừ phiền não, tham ái ngủ ngầm trong mỗi người. Trong sự trang nghiêm tỉnh thức, gần 250 người cả Chư Ni và thiền sinh đều vững yên hành thiền. Ngay thời khắc ban đêm, khi những cơn buồn ngủ và mệt mỏi ập đến như những cơn giông bão, thì tự mỗi người lại tập cách bình thản đối diện với sức mạnh hủy diệt của cơn sóng thần bên trong tự thân. Liệu chăng cách đây gần 26 thế kỉ, Đức Phật cũng đã đối diện với ma quân như thế ấy?

Rạng sáng hôm sau, tuy mỗi hành giả có những trải nghiệm khác nhau nhưng tựu chung lại, sự hoan hỷ đều đọng lại trên từng khuôn mặt. Ít nhất cũng đã thành tựu suốt 8 tiếng không nằm tưởng chừng khó có thể làm được ấy. Tuy là sự thực tập sơ cơ nhưng nó sẽ là một hạt mầm giải thoát được vươn dậy từ sâu thẳm bên trong của mỗi người.

Vạn vật luôn đổi thay không dừng nghỉ, chỉ có những điều cao thượng sẽ tồn tại vượt thời gian. Đó chính là những hạnh nguyện cao quý của mười phương Chư Phật, Chư vị Thầy Tổ. Nguyện cho những công đức thành tựu ngày rằm tháng Giêng sẽ giúp cho mỗi hành giả thêm vững chãi trên nẻo đường tu tâm sửa tánh, giải thoát khỏi phiền não và lan truyền Chánh Pháp.