Tìm lại chính mình

Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?

Một người trong số các thanh niên nói cho Đức Phật biết tại sao họ đi tìm cô gái ấy:

– 29 cặp vợ chồng chúng tôi đến đây vui chơi, riêng một người chưa có vợ nên dắt theo một nữ tỳ. Cô ta đã thừa dịp chúng tôi không để ý, lấy hết vàng bạc trốn đi mất.

Đức Phật ôn tồn hỏi các thanh niên:

– Này các thiện nam tử, đi tìm cô gái đó và đi tìm chính mình, việc nào quan trọng hơn?

Các thanh niên trả lời:

– Thưa Sa-môn, đi tìm chính mình là việc làm quan trọng hơn.

– Vậy các thiện nam tử hãy ngồi xuống đây!

Sau khi các thanh niên ngồi xuống, Đức Phật nói pháp Tứ Thánh đế cho họ nghe. Cuối bài pháp, cả 30 thanh niên đều giác ngộ, xin Phật xuất gia. Đức Phật chấp thuận cho họ xuất gia và gia nhập Tăng đoàn.

Theo Lịch sử Đức Phật. 

Chỉ cần là chính mình, tỏa sáng một cách chân thật nhất

452475957_821774993389555_3831794310014240748_n

Bài học đạo lý: 

Vâng, thưa Sa-môn (Đức Phật), đi tìm chính mình là việc làm quan trọng hơn hay quan trọng nhất. Từ lâu chúng con đã biết vậy. Nhưng tìm mình là tìm cái gì đây khi thân tâm này, tứ đại (đất -nước- gió- lửa), ngũ uẩn (sắc- thọ- tưởng- hành- thức) đều vô thường, vô ngã!?

Trong câu chuyện trên, Phật dạy nhóm thanh niên kia đi tìm mình qua pháp Tứ Thánh đế, nghe xong chư vị ấy liền giác ngộ, xuất gia, chứng đắc đạo quả. Trong Tứ đế, Khổ đế là nhận ra cuộc đời vui ít khổ nhiều.

Một số rất ít người có phước vui nhiều hơn khổ thì vui ấy cũng tạm bợ, không bền. Tập đế là nhận ra cái cội nguồn sâu xa của khổ là tham ái, ái dục. Thấy thì dễ mà vượt thắng ái thì khó vô vàn. Âu đó cũng là thân phận chúng sinh trong cõi dục với bản chất là ái dục. Diệt đế là đạo quả Niết-bàn. Đạo đế là hành Bát thánh đạo, 37 trợ đạo là con đường Giới-Định-Tuệ.

Nếu chưa đạt đến sự giác ngộ nhanh chóng kia thì chúng ta có thể tìm mình đúng như nghĩa đen của nó-xem lại mình. Xem cái thân mình đã-đang-sẽ làm gì, cái miệng mình đã-đang-sẽ nói gì, cái ý mình đã-đang-sẽ nghĩ gì. Chừng ấy thôi, nếu ai có căn lành, thấy xấu thì không làm, thấy thiện thì phát huy. Như thế cũng quý hóa lắm rồi!

Quảng Tánh