Tìm hiểu pháp tượng Hộ pháp Vi Đà
Trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền nam bộ, tượng Vi Đà (lưu ý là Vi Đà chứ không phải là Di Đà) là pho tượng thờ đối xứng với tượng Tiêu Diện đại sĩ. Xin đừng lầm, đây là “ông Thiện” “ông Ác” trong lý luận về pháp tượng.
Thường tượng hộ pháp Vi Đà và ông Tiêu đặt ở vách tả hữu của tiền điện (chánh điện) như chùa Thiên Tôn (quận 5) hoặc gần chuông trống (như chùa Phổ Đà, P11, Bình Thạnh). Từ ngoài nhìn vào, pháp tượng này thường đặt bên phải, nhưng có khi đặt bên trái (như chùa Long Vân). Việc đặt bên trái là do không gian tả hữu bất cân nên buộc họ phải đặt về trái và tượng hướng về pho tượng Thích-ca thành đạo.
I. Về hình ảnh (bao gồm tranh, tượng)
Tượng hộ pháp Vi Đà thường tạc là một cư sỹ nam trẻ tuổi, giáp trụ oai phong, nét mặt tĩnh và uy nghiêm. Ngài thường có danh hiệu là Vi Đà tướng quân hay Vi Đà Thiên hoặc Vi Đà Bồ-tát. Ngài cũng có tên khác là “Tắc kiện đà” như trong kinh Ánh sáng hoàng kim nói (1), nhưng danh hiệu là Vi Đà thường biết đến nhiều nhất so với bất kỳ biệt điển nào.
So với hệ thống tượng thờ trong một tự viện (trường hợp như hệ thống thờ ở tự viện Phật giáo Trung Quốc) thì tượng Vi Đà thiên thường thờ đấu lưng với Bồ-tát Di-lặc ở tiền điện hay Thiên vương điện (2). Nhưng không phải tự viện nào ở Trung Quốc cũng thờ kiểu này, cụ thể như chùa Hàn San ở Hàng Châu thì tượng hộ pháp Vi Đà để trong một cái khám, thờ ngoài sân mà mặt tượng hướng về chánh điện (ảnh của người viết chụp vào lúc: 07:26; 15.10.2017)
II. Về tư thế tượng
Tượng hộ pháp Vi Đà thường tạc/vẽ với một tư thế đứng nhiều hơn là ngồi. Ở cổng Giới đàn viện chùa Huệ Nghiêm (quận Bình Tân) thì để tượng hộ pháp Vi Đà ngồi với cánh tay phải nhấc chày Hàng ma hướng lên trời. Tượng ngồi nghiêng về nghỉ ngơi hơn là “chấp sự”, bởi vì đã là “bảo vệ” thì hiếm khi được ngồi.
III. Về Pháp khí ( hay bảo bối) trong pháp tượng
Có khoảng 5 tư thế tượng hộ pháp Vi Đà, nhưng thường được biết đến 2 loại, một là kiểu dáng tay phải chống chày Kim Cang (hay Hàng ma chử), tay trái chống nạnh, đôi mắt nhìn thẳng hoặc chếch nhẹ xuống mà không trừng mắt như 2 pho tượng Hách Ca. Chày Kim Cang (như cây kiếm) thường làm 3 mặt, mũi chày là cái hồ lô (như cái bầu thuốc). Kiểu thức thứ 2 chày Kim cang gác trên 2 cổ tay, 2 tay chấp lại. Kiểu dáng này thường được gọi là “hộ pháp triều thiên”. Chữ “thiên” đây không phải là “trời”, mà là Thế Tôn hay Phật (Phật được tôn xưng là Thiên trung thiên hay Thiên nhân sư).
Hai kiểu dáng này là “mật mã ám thị” trong lý luận Phật giáo Hán truyền (ngoại trừ Việt Nam)
[…] Tương truyền Phật giáo có một quy củ, là đối với nhà sư đi hành cước khất thực, có thể căn cứ vào tư thế vào tư thế của tượng Vi Đà để phán đoán, xem ngôi chùa đó có thể vào tạm trú hay không […] Nếu như tượng Vi Đà để chày Hàng ma trên 2 cổ tay thì có thể là ngôi chùa đó cho chấp nhận tạm trú” (3). Mật mã này không phải phân biệt đối xử giữa Tăng sĩ thường trú hoặc Tăng vãng lai, mà bởi vì Tăng sĩ đời Đường Tống có thói quên là vân du hành cước (có thể tạm gọi là “phượt”) thì việc “thay lời muốn nói” cũng là điều dễ hiểu. Việc chiêu đãi ăn uống, phục vụ, nghỉ ngơi và phòng ốc cho những Tăng sĩ du phương (tối đa là 3 ngày) đối với một tự viện thắt lưng buộc bụng là điều bất khả. Thay vì từ chối khéo thì giới hành cước xem “mật mã” tượng thay vì phải vào chào trụ trì xin trọ qua đêm. Việc thắc chặc an ninh, tiên lượng kinh tế và hành xử có văn hóa của tự viện cổ đại thật là thâm như Tàu!
3.2 Kiểu dáng 2: chày Kim Cang chống xuống đất;
Nếu một Tăng sĩ du phương xem “mật mã” tượng hộ pháp với thế đứng: tay phải nắm chuôi chày chống xuống đất, tay trái chống nạnh thì có nghĩa là: đây là một ngôi tự viện kinh tế khó khăn, hoặc lý do nào đó không thể tiếp đoàn hành cước du Tăng. (4)
Có sự khác biệt rất lớn giữa Phật giáo Bắc tông Việt Nam (PGBTVN) thường tạc tượng ở kiểu thức thứ 2 nhưng tinh thần thì ngược lại. Tự viện PGBTVN nam bộ còn chiêu đãi miễn phí vào các ngày rằm lớn cho thập phương bá tánh thì hà huống gì một người xuất gia, nhưng để tạm trú tạm vắng cho một tu sĩ thì thuộc vấn đề khác. PGBTVN tiếp thu pháp tượng nhưng có chọn lọc. May mắn là Phật giáo Trung quốc không còn duy trì mật mã ám thị này, nhưng bù lại “tinh thần hộ pháp” đã bị gén góc.
IV. Thâm ý qua hình tượng hộ pháp (Thay lời kết)
Tượng Kim Cang, Hộ Pháp thường là một cư sỹ nam hoặc nữ, sẽ rất hiếm gặp pho tượng hộ pháp nào mang hình tướng là một Sa môn. Phật giáo có 4 hàng ngũ (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thiện nam và Thiện nữ) thì giới Sa môn thuộc diện NỘI HỘ PHÁP, là những thành viên gìn giữ chánh pháp của Như lai, là người tiếp nối ngọn đèn của Phật. Đối với hàng cư sĩ tại gia, trí tuệ và dũng cảm, cầm bút (mà không cần cam chày) chặn đứng những xàm ngôn báng bổ Phật pháp là một hộ pháp đích thực. Và ngay cả một người cầm cây chổi quét trên điện Phật cũng là một tướng quân trong giáo pháp của Như Lai.
Chú thích tư liệu trích dẫn:
(1) HT Thích Trí Quang dịch, Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim. HN., 2010, NXB Tôn giáo, trang 356;
(2) Kim Dân dịch, Tạc tượng Phật và kiến trúc chùa, HN., 2009, NXB Mỹ Thuật, trang 19;
(3) Kim Dân dịch, sđd, trang 275
(4) Đào Nam Thắng dịch, Lê Đức Niệm hiệu đính, Các vị thần trong Phật giáo Trung Quốc. HN., 2002, NXB VHTT, trang 622.
Hàn Lập Tuyết