Tiểu sử Phật A Di Đà

A Di Đà là phiên âm từ chữ Phạn Amitabha, nghĩa là ánh sáng vô lượng (vô lượng quang), sống lâu vô lượng (vô lượng thọ).

Sở dĩ chữ “A Di Đà” không dịch nghĩa mà chỉ phiên âm, vì theo Huyền Trang Tam Tạng Pháp sư, có năm loại danh từ không dịch nghĩa (ngũ chủng bất phiên):

1- Danh từ bí mật.

2- Danh từ nhiều nghĩa.

3- Danh từ không có ở Trung Quốc.

4- Danh từ đã có dịch từ xưa.

5- Danh từ khiến người tôn kính.

Vì Amitabha là danh từ nhiều nghĩa, bí mật và được người đời tôn kính nên không dịch. Trong kinh Tiểu Bản A Di Đà, đức Phật Thích Ca dạy: “Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao? Phật kia vì sao tên gọi A Di Đà? Xá Lợi Phất! Phật kia có ánh sáng vô lượng chiếu khắp cõi nước trong mười phương không chướng ngại, nên gọi A Di Đà. Lại nữa Xá Lợi Phất! Phật kia cùng nhân dân sống lâu vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nên gọi A Di Đà!”.

Đức Phật A Di Đà.

Đức Phật A Di Đà.

Phật A Di Đà tượng trưng cho Phật tánh chúng sinh, vì tánh ấy vô thỉ đến nay chưa hề sinh diệt, nên đồng nghĩa sống lâu vô lượng. Tánh ấy trùm khắp mười phương, tuyệt nhiên yên lặng, chiếu sáng thời thời, nên đồng nghĩa ánh sáng vô lượng. Tóm lại, về tướng mà nói, Phật A Di Đà là vị giáo chủ của cõi Cực lạc Tây phương, hiện đang thuyết pháp; trên tánh mà bàn, A Di Đà chính là Phật tánh tất cả chúng sinh. Thường sống với Phật tánh chính là Đạo, là trở về với cái vô sanh, bất diệt. Từ vô lượng kiếp Phật A Di Đà thực hành Bồ tát hạnh, trang nghiêm diệu độ.

Rải rác trong các kinh, đức Phật Thích Ca thường nói đến điều này. Như kinh Pháp Hoa kể, vào thời Như Lai Đại Thông Trí Thắng hóa đạo, lúc ấy có 16 vị vương tử xuất gia, ưa giảng nói kinh Pháp Hoa, về sau đều thành Phật. Vương tử thứ chín hiện là Phật A Di Đà, vương tử thứ 16 chính là đức Phật Thích Ca.

Kinh Bi Hoa ghi, thuở xưa, có vua Vô Tránh Niệm và đại thần Bảo Hải, đồng đối trước Như Lai Bảo Tạng, phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Chuyển luân Vô Tránh Niệm phát nguyện: “Khi thành Phật, tôi nguyện ở nơi thế giới An Lạc, thanh tịnh, luôn nhiếp thọ chúng sinh trong mười phương thế giới”. Đại thần Bảo Hải nguyện: “Khi thành Phật, tôi nguyện ở vào thế giới năm trược (kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược) để độ chúng sinh thoát khổ não”. Vua Vô Tránh Niệm ngày đó giờ là Phật A Di Đà, đại thần Bảo Hải chính là Phật Thích Ca. Hai vị tuy đồng đại nguyện nhiếp độ chúng sinh, nhưng một vị chỉ ra cõi khổ để chúng sinh nhàm chán, một vị bày mở cõi vui để khuyến dụ chúng sinh về.

Lại nữa, kinh Cổ Âm Vương viết, thời quá khứ, trong nước Diệu Hỷ, có vị quốc vương tên Kiều Thi Ca, ông nội là quốc vương Thanh Thới, cha là Chuyển Luân vương Nguyệt Thương, mẹ Thù Thắng Diệu Nhan, sinh ra ba quý tử: con cả tên Nguyệt Minh, con thứ tên Kiều Thi Ca và con út là Đế Chúng. Lúc ấy, có Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai ra đời, Kiều Thi Ca bèn bỏ ngôi vua, theo Phật xuất gia, hiệu là Tỳ kheo Pháp Tạng. Một lần, Pháp Tạng tuyên phát bốn mươi tám nguyện hóa độ chúng sinh, thề nếu không thành, quyết không giữ ngôi Chánh giác. Khi ấy, mười nghìn thế giới chấn động mạnh, giữa không trung phát ra lời ngợi khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Ngài nhất định sẽ thành Phật!”.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, thuở Phật Thế Tự Tại Vương còn trụ thế, có vị quốc vương nghe Phật nói pháp, lòng thường vui vẻ, phát tâm Bồ-đề, thôi làm vua, xuất gia thành Sa môn, hiệu Pháp Tạng. Ngài thông kinh điển, tài đức vượt hơn người. Phật Thế Tự Tại Vương, theo bản nguyện của Ngài, dạy cho cách trang nghiêm diệu độ. Về sau, Ngài thành Phật, hiệu A Di Đà, hiện là giáo chủ cõi Cực lạc Tây phương.

Trích: “Tin sâu Pháp môn Tịnh Độ”