Tiêu hoang, dùng phước giàu sang vào rượu chè, cuối đời phải đi ăn xin
Người có trí tuệ cần đem phước báo của mình, dù là tiền của hay sức lực, tài năng, dành phước báo vào những việc thiện, những việc công đức có ý nghĩa, đem lại lợi ích cho mọi người, chính là tích thêm phước lâu dài cho bản thân, để tương lai nhiều kiếp sau sẽ sinh ra nhiều phước báo khác.
Phật dạy: Nếu biết xuất ly tu tập, có thể chứng A La Hán…
Thế Tôn đã dạy câu này tại Isipatana, liên quan đến Mahàdhana (Ðại Phú) con của chưởng khố.
Ðại Phú sinh tại Ba-la-nại, nhà giàu, gia sản trị giá tám trăm triệu của cải nhiều như thế, nên ông bà không cần phải cho con làm việc gì khác hơn ngoài vui chơi thỏa thích. Do đó Ðại Phú chỉ học hát và chơi đàn.
Một nhà giàu khác trong thành cũng có tài sản tám trăm triệu sinh bé gái. Vì đồng ý nghĩ nên cô bé cũng được cha mẹ chỉ cho học ca hát và nhảy múa.
Hai đứa trẻ lớn lên, họ cho thành hôn với nhau theo nghi lễ tập tục. Cha mẹ hai bên qua đời khiến gia sản hai trẻ tăng gấp đôi số tám trăm triệu.
Thường lệ, mỗi ngày ba lần, con của chưởng khố phải đến hầu vua. Một bọn bất lương trong thành khiếm cách rù quến Ðại Phú để trục lợi. Chúng kiếm rượu và các thứ cần thiết, ngồi một chỗ rình rập con đường Ðại Phú sắp đi qua. Thấy anh ta, chúng đến gần, lấy rượu ra uống, cho muối và đường vào miệng, nhét rễ và củ hành vào răng nhai ngấu nghiến rồi cất tiếng:
– Hãy sống đến trăm tuổi, công tử con của chưởng khố! Với sự đỡ đầu của công tử, chúng tôi sẽ được ăn uống thỏa thuê!
Ðại Phú ngạc nhiên hỏi tiểu đồng theo sau:
– Mấy người này uống gì thế?
– Thưa công tử, một loại rượu.
– Ngon không?
– Thưa công tử, trên thế gian này không gì sánh bằng.
– Thế thì ta cũng uống.
Rồi Ðại Phú bảo tiểu đồng mang thêm một chút rượu nữa… và uống hết. Chẳng bao lâu bọn bất lương biết rằng Ðại Phú đã ghiền rượu. Chúng tụ tập quanh ông ta, càng lúc càng đông. Mỗi lần đi uống anh phải tiêu một đến hai trăm đồng. Sau đó anh tập tành chất tiền từng đống để gọi rượu và các thứ như:
– Lấy tiền mua hoa về cho ta!
– Cầm tiền, mang hương về cho ta.
– Người này khéo đổ súc sắc, người kia nhảy giỏi hát hay, người đó đàn tuyệt! Cho người này một ngàn, cho người kia hai ngàn!
Ném tiền qua cửa sổ như thế, chẳng bao lâu anh đã phung phí hết gia sản tám trăm triệu của mình. Rồi tám trăm triệu của nhà vợ cũng tan như mây khói. Ðại Phú bán hết ruộng đất, vườn tược, xe cộ… luôn cả ly chén, khăn trải giường, áo khoác. Về già anh bán luôn căn nhà, dắt vợ ra đi và trọ ven tường nhà người khác, tay cầm mảnh sành ăn xin đầu đường xó chợ, kiếm chút cơm thừa canh cặn qua ngày.
Làm gì cụ thể để tạo phước cho chính mình
Ngày kia, đứng trước cửa một ngôi nhà nghỉ, anh nhận thức ăn thừa của mấy chú Sa-di và tập sự. Thế Tôn trông thấy thế mỉm cười. Trưởng lão A-nan hỏi và được Ngài giải thích:
– A-nan! Nhìn xem Ðại Phú, con của chưởng khố! Anh đã tiêu hết gia sản gấp hai lần tám trăm triệu để bây giờ dắt vợ đi ăn xin.
Nếu hồi trẻ anh biết sử dụng đồng tiền để kinh doanh thì đã thành vị chưởng khố đệ nhất của thành này; và nếu anh lìa bỏ thế gian thành Tỳ-kheo sẽ đắc quả A-la-hán, còn vợ anh chứng Tam quả.
Nếu ở tuổi trung tuần, anh không tiêu phí tài sản và biết làm ăn thì sẽ trở thành đệ nhị chưởng khố thành này; và nếu lìa bỏ thế gian thành Tỳ-kheo sẽ đắc Tam quả, còn vợ anh sẽ đắc Nhị quả.
Nếu cuối đời mình, anh mới biết chuyển hướng như đã kể, thì sẽ thành đệ tam chưởng khố, hoặc chứng Nhị quả còn vợ anh chứng Dự-lưu. Nhưng bây giờ anh đã đánh mất hết tài sản thuộc về cư sĩ, cũng như quả vị của đạo. Anh ta không khác gì con cò mắc cạn trong ao.
Rồi Phật đọc Pháp Cú:
“Lúc trẻ không phạm hạnh,
Không tìm kiếm tiền bạc,
Như cò già bên ao,
Ủ rũ, không tôm cá.
Lúc trẻ không phạm hạnh,
Không tìm kiếm bạc tiền,
Như cây cung bị gãy,
Thở than những ngày qua.”
(Trích “Tích Truyện Pháp Cú”)
Lạm bàn:
Đọc câu chuyện trên, ta không khỏi tiếc thay cho Đại Phú, phước báo có rất nhiều mà chẳng biết sử dụng, lại đốt phước vào những việc vô bổ, nhảm nhí để rồi cái gì cũng chẳng còn.
Vậy nên chúng ta phải hiểu rằng, có được phước báo là một chuyện, sử dụng phước báo như thế nào còn quan trọng hơn. Một khi không biết cách sử dụng phước báo cho hợp lý, thì tai họa sẽ cận kề. Vì rằng những phước báo như tiền tài, danh vọng, quyền lực, nhan sắc, thường sẽ thu hút những kẻ xấu nhòm ngó. Hãy tỉnh táo để nhận diện ra chúng.
Ở trong chuyện này là những kẻ xấu rủ rê Đại Phú ăn nhậu. Còn trong cuộc sống thời này thì còn vô vàn thể loại kẻ xấu khác: nào là cướp, nào là trộm, nào là lừa đảo, các công ty nhãn hàng mời gọi mua sắm vô tội vạ, những tên bạn đểu rủ rê vào con đường hưởng thụ xa xỉ, nhậu nhẹt bê tha, rồi casino, sòng bạc, gái gú, nghiện hút v.v…
Dù là cách nào đi nữa thì cái kết đều cay đắng cả, phước chẳng còn thì thân tài ma dại, tài sản khánh kiệt, thân bại danh liệt.
Nếu như bạn là một người đang có phước báo dồi dào, hãy lấy câu chuyện này để thường cảnh tỉnh chính mình. Một khi đã đốt phước một cách phí phạm thì bao nhiêu cũng không đủ.
Người có trí tuệ cần đem phước báo của mình, dù là tiền của hay sức lực, tài năng, dành phước báo vào những việc thiện, những việc công đức có ý nghĩa, đem lại lợi ích cho mọi người, chính là tích thêm phước lâu dài cho bản thân, để tương lai nhiều kiếp sau sẽ sinh ra nhiều phước báo khác. Mà việc công đức lớn lao, ý nghĩa nhất, là sự nghiệp Giác Ngộ Giải Thoát, giúp mình, giúp mọi người, mọi chúng sinh về nương tựa Phật Pháp, tinh tấn tu học mà sớm viên thành Phật đạo.
Quang Tử