Tiến sĩ Toán Lý Phan Quốc Việt đau đáu với trẻ tự kỷ
Tiến sĩ Phan Quốc Việt là một người có tài và đầy cá tính, những gì anh đang làm với trẻ tự kỷ đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Các cơ quan chức năng cần quan tâm, đánh giá khách quan, có kết luận rõ ràng để hoạt động của Trung tâm Tâm Việt mang lại lợi ích cho xã hội.
Anh Phan Quốc Việt là người có nhiều khả năng đặc biệt
Tôi biết anh Phan Quốc Việt từ thời sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Ngày đó, ngoài chuyện học giỏi ra, anh làm một chuyện được xem là “kỳ tích” vì dẫu không to cao đẹp trai, lại là nhà quê một cục nhưng “cưa đổ” một nữ sinh viên hoa khôi, lại là con một chính khách nổi tiếng lúc bấy giờ.
Rồi chuyện anh học Khoa Địa chất nhưng sau này lại trở thành Tiến sĩ (TS) Toán Lý cũng làm nhiều người thấy lạ. Tuy nhiên, với trí thông minh và sự ham học thì việc anh trở thành tiến sĩ trong khoa học cơ bản là điều không có gì phải ngạc nhiên.
Khi trở về nước công tác, ở tuổi ngoài 30, anh Phan Quốc Việt giữ chức Chánh văn phòng Tổng cục dầu khí. Đây là thời điểm ngành dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Bạn bè, người thân ai cũng nghĩ Phan Quốc Việt sẽ còn thăng tiến trong con đường quan lộ của mình. Nhưng không, anh lại rẽ ngang sang một hướng khác.
Hơn 20 năm trước, TS Phan Quốc Việt thành lập Trung tâm Tâm Việt và là người đầu tiên tại Việt Nam mở lớp dạy kỹ năng sống cho lớp trẻ. Những buổi dạy của anh chật kín hội trường. Nhiều học sinh, sinh viên nhịn ăn sáng để lấy tiền dự những buổi học kỹ năng sống của anh. Và họ hài lòng với những gì thu lượm được. Anh Phan Quốc Việt còn đến các trường học để thuyết trình và chứng minh về sự cần thiết phải biết kỹ năng sống. Anh Việt và cộng sự đã có hàng ngàn khóa đào tạo cho hàng chục ngàn người trẻ tuổi kỹ năng sống để họ tự tin làm chủ đời mình.
Anh Phan Quốc Việt dường như có một nguồn năng lượng bất tận. Anh có thể nói trước hàng trăm người suốt hàng chục tiếng đồng hồ mà không cần micro, học trò gọi anh với tên thân mật “Việt Tròn chém gió không qua loa”. Anh lại có năng khiếu sư phạm ở mức biến những bài thuyết trình thành một hoạt động trí tuệ – nghệ thuật, khiến người nghe như bị hút chặt vào đó. Thêm nữa, TS Phan Quốc Việt còn là chủ biên bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, đã in và đã bán nhiều triệu bản, đã tái bản nhiều lần.
Những tưởng TS Phan Quốc Việt chuyên tâm với việc dạy kỹ năng sống thì đúng 60 tuổi, cái tuổi uống rượu, chơi cờ, chờ chết, anh lại lao vào khởi nghiệp trong một lĩnh vực đầy khó khăn, phức tạp: Huấn luyện và cải tạo trí tuệ cho trẻ tự kỷ. Khó tin nổi ngày nào ông đồ Nghệ cũng đến cơ quan trước 6h15, không kể nắng mưa, thứ 7, chủ nhật. Với triết lý “thầy giáo tạo gương, lãnh đạo tạo gương, thầy giáo – lãnh đạo tạo gương bình phương”, ở tuổi 70 “xưa nay hiếm”, ông cũng lọ mọ tập tung bóng, đứng trên bóng… như con trẻ. Ở tuổi ông, mọi người thường than vãn khó ngủ, ông đồ xứ Nghệ lại biến cái “bất lợi thành rất lợi”, không ngủ được thì bật Youtube nghiên cứu khoa học thần kinh bằng tiếng Anh.
TS Phan Quốc Việt: Ước mong cùng Phật giáo tìm thấy lối thoát cho trẻ tự kỷ
TS. Phan Quốc Việt tìm lối đi riêng, đã và đang khẳng định mình
Tôi có hàng chục năm làm báo trong lĩnh vực trẻ em nên hiểu những thách thức mà chứng tự kỷ đặt ta. Tôi theo dõi hoạt động của TS Phan Quốc Việt với sự háo hức pha chút lo lắng. Tự kỷ (tiếng Anh – Autism) là một hội chứng rối loạn phát triển thần kinh có liên quan đến chức năng của não. Người mắc chứng tự kỷ có những khiếm khuyết trong nhận thức, trong giao tiếp xã hội; ngôn ngữ, hành vi, sở thích… bị hạn chế. Khi tức giận không kiểm soát được hành vi, gây tổn thương cho những người xung quanh và tự hại chính mình. Tự kỷ có nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau.
Các nhà khoa học trên thế giới chưa xác định được nguyên nhân của chứng tự kỷ và chưa có phương pháp điều trị hiệu nghiệm bệnh tự kỷ. Trong khi đó, số trẻ em sinh ra mắc chứng tự kỷ ngày càng tăng. Những gia đình có trẻ tự kỷ gặp muôn vàn khó khăn, kể cả những gia đình giàu có.
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị trẻ tự kỷ. Các trung tâm thường chỉ nhận trẻ tự kỷ nhẹ dưới 10 tuổi, điều trị chủ yếu bằng cách cải thiện chức năng khiếm khuyết ở trẻ cũng như giảm các rối loạn về hành vi.
TS Phan Quốc Việt đến với trẻ tự kỷ như là “một cái nghiệp”. Vì vậy anh tìm tòi và tạo ra lối đi riêng cho mình. Cách tiếp cận của ông đồ Nghệ khác hẳn với truyền thống, không dùng thuốc, không xâm lấn, chỉ tập luyện bằng các dụng cụ rẻ tiền, đã qua sử dụng các bài tập như đi xe đạp 1 bánh, tung hứng, luyện thăng bằng… Đến với Tâm Việt, chủ yếu là trẻ ở tuổi dậy thì, tự kỷ nặng, hung dữ, gia đình không thể quản lý nổi, khi đi tới các trung tâm khác bị trả về. Bố mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con mình tuổi dậy thì cực kỳ vất vả, thuê ôsin kèm cặp mà vẫn hư hỏng. Huấn luyện trẻ dậy thì tự kỷ nặng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”. Thế mà ông đồ Nghệ lại huấn luyện “bắt cóc biểu diễn xiếc phức hợp trên đĩa”.
Theo TS Phan Quốc Việt, mỗi đứa trẻ tự kỷ đều có một số phận và đều bị “dính mắc” một điều gì đó. Cần tạo lập cho các cháu môi trường sinh hoạt riêng; ở đó bọn trẻ có cộng đồng, có tình yêu thương, được hướng dẫn luyện tập và dạy bảo lẫn nhau.
Bằng cách làm như vậy, trong những năm qua, Tâm Việt đã làm được những điều mà nhiều người cho là rất ấn tượng, thậm chí có người dùng hai chữ “phi thường” để nói về điều này. Đó là một số trẻ tự kỷ nặng đã trở thành những người có khả năng đặc biệt khi đi xe đạp 1 bánh, chuyển động trên quả cầu tròn, đầu đội chai, đội bóng, tay tung bóng; có những lúc tung tới 8 quả bóng tennis. Điển hình là các cháu Nguyễn Đình Khánh Hưng, Nguyễn Khôi Nguyên, Triệu Khánh Phương, Nguyễn Khắc Hưng. Tài năng của các cháu này đã được công nhận rộng rãi, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Kỷ lục châu Á, Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới ghi nhận.
Đặc biệt, cháu Nguyễn Khắc Hưng bị tự kỷ nặng (thậm chí, trước khi đến Tâm Việt, Hưng không nói được), hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn (bố ốm đau, bệnh tật; mẹ vướng vòng lao lý từ khi cháu 2 tuổi) nhưng chỉ một thời gian ngắn đến với Tâm Việt, Nguyễn Khắc Hưng đã trở thành kỷ lục gia và không chỉ nói được, mà còn biết hát. Hiện nay, Nguyễn Khắc Hưng được mời biểu diễn ở nhiều nơi. Cháu đang là người truyền cảm hứng cho không chỉ là người khuyết tật, mà cả những người bình thường trong nỗ lực vượt khó để khẳng định bản thân mình.
Thành tựu đã được ghi nhận nhưng còn nhiều việc phải làm
Những hoạt động của Trung tâm Tâm Việt do TS Phan Quốc Việt sáng lập và điều hành đã được xã hội chú ý, được truyền thông phản ánh, đưa tin. Một số chính khách, chuyên gia đã đến thăm hoạt động của Trung tâm và có những đánh giá rất tích cực.
Nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn khi ông thăm Trung tâm đã nhận xét: “Trung tâm đã làm được một việc có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục, đào tạo và đưa các cháu tự kỷ tiếp cận dần với đời sống bình thường của các cháu”.
GS-TS Phan Toàn Thắng – Đại học Quốc gia Singapore, nhà khoa học hàng đầu thế giới về tế bào gốc – nhận định: “TS Việt đã dịch chuyển trẻ tự kỷ từ bị miệt thị, xã hội xa lánh lên được tôn vinh, từ những đứa bé đáng thương trở thành thần tượng, làm tấm gương khích lệ, tạo động lực cho người bình thường”.
PGS.TS.BS.Đại tá Hồ Bá Do – Phó chủ tịch hội Y học cổ truyền Việt Nam: “Trung tâm Tâm Việt chữa trị cho các cháu tự kỷ hoàn toàn không dùng thuốc Tây, thuốc Nam, không tác động xâm lấn, bấm huyệt mà trẻ tự kỷ hoàn toàn chủ động tập luyện vận động với kỹ năng tinh xảo như những nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp cao cấp…”.
NSND Tâm Chính – Nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: “Trung tâm Tâm Việt hướng dẫn các cháu rất giỏi, trẻ tự kỷ nặng làm được những việc phi thường. Như tôi là diễn viên xiếc, biểu diễn tiết mục cô hàng giải khát 1 con lăn, đứng trên 6, 7 tầng cốc, tung ba quả thôi. Các em tự kỷ ở đây rất giỏi, đứng 5 con lăn tung 5 bóng, đứng trên bóng tròn đội bóng tennis tung 5 bóng, tôi rất là phục. Đây là kỷ lục thực sự…”.
Những thành tựu mà thầy trò Phan Quốc Việt đạt được còn có tiếng vang quốc tế. Có thể kể ra đây một số sự kiện. Tại “Diễn đàn Nobel năm 2019”được tổ chức vào ngày 01/6/2019 tại Trường Đại học Y Hà Nội, GS. Lars Olsen – Chủ tịch Ủy ban xét tặng giải Nobel Y sinh đã bình luận về phương pháp của TS Phan Quốc Việt: “Đó thực sự là một trải nghiệm đầy xúc động. Các con biểu diễn trên những chiếc xe đạp 1 bánh. Các con cũng đi xe đạp 1 bánh vòng quanh hồ cùng với mọi người trong chương trình… thực sự là 1 kỳ tích…”.
Tháng 12/2021, tại Triển lãm quốc tế lần thứ 14 về các công trình sáng chế và thiết kế tại Kaohsiung, Đài Loan, công trình “Kiến tạo hệ sinh thái thực chứng – Huấn luyện dịch chuyển người tự kỷ” của TS Phan Quốc Việt được trao Huy chương vàng và giải Đặc biệt. Tháng 5/2022, tại Triển lãm Sáng tạo và Sáng chế châu Âu 14 tạ Romania, công trình “Kiến tạo hệ sinh thái y sinh thực chứng (Khoa học Neuron, thể thao, nghệ thuật, tâm linh); Huấn luyện dịch chuyển trẻ tự kỷ (Không dùng thuốc và không xâm lấn) của các tác giả Phan Quốc Việt, Vũ Văn Chức, Lưu Anh Chức được trao huy chương vàng.
Như vậy, hoạt động của TS Phan Quốc Việt trong lĩnh vực huấn luyện và cải tạo trí tuệ cho trẻ tự kỷ đã được một số tổ chức, cá nhân trong vào ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, để hoạt động của Tâm Việt được thừa nhận rộng rãi hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, cần có một hội đồng liên bộ (Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) khảo sát và đưa ra kết luận chính thức.
Về phần mình, Trung tâm Tâm Việt và cá nhân TS Phan Quốc Việt phải chuẩn bị đầy đủ lý luận và phương pháp thực hành để phân tích, giải thích, chứng minh cách huấn luyện của mình là có cơ khoa học, có liệu trình để đạt được mục đích.
Đây là việc khó và phức tạp đói với cả các cơ quan nhà nước cũng như đối với Tâm Việt. Song, xã hội đang đối mặt với chứng tự kỷ đặt ra, vì thế cần phải nỗ lực để làm việc khó.
Hồ Bất Khuất