Mùng 9 Tết Quý Mão (ngày 30-1), hàng ngàn du khách hành hương về đền ông Hoàng Mười (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) làm lễ cúng bái, cầu mong may mắn, tài lộc.

Nhìn những hình ảnh người dân đi cúng với vô số vật phẩm, đồ lễ hàng mã rồi xếp hàng chờ đợi đến lượt “đốt bỏ”, tôi thật sự ray rứt. Không biết một “ông ngựa” vàng mã có kích cỡ như ngựa thật có giá bao nhiêu nhưng chắc chắn đó là số tiền mà nhiều người lao động làm quần quật cả ngày vẫn không có được. Tôi ước số tiền dùng để hóa vàng đó nếu dành để cứu giúp người nghèo, người bệnh tật thì hữu ích và thiết thực biết bao.

Đây chỉ là một trong nhiều hình ảnh biến tướng, lộn xộn tại các điểm thờ tự, tâm linh tồn tại từ nhiều năm qua và chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi câu chuyện này, từ ngành văn hóa đến các điểm thờ tự, chính quyền địa phương, mà vẫn chưa có lối ra.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng khuyến nghị đồng bào Phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Việc đốt vàng mã mất thời gian và không có tác dụng gì về mặt tâm linh. Bên cạnh đó, ngành quản lý văn hóa cũng đã ban hành một số văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Tuy nhiên, để hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, đưa ra những khuyến nghị, hướng dẫn, chấn chỉnh, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, sâu sát và xử lý kiên quyết các vi phạm.

Vậy thay vì nhắc nhở, tốt nhất là chỉ nên xây lò đốt nhỏ gọn thì lễ vật hàng mã cũng sẽ nhỏ hơn, ít tốn kém hơn.

Xử lý tình trạng này không khó, quan trọng là thái độ xử lý kiên quyết của những người trong cuộc.

Thanh Vân