Tiệc chúc mừng sinh nhật
Sự tôn nghiêm của sinh mạng không nằm ở chỗ rực rỡ tươi đẹp của nó, mà ở chỗ nó mang những tưởng nhớ đến cho người đời sau. Ý nghĩa của sinh mạng không ở chỗ sự trường cửu của nó, mà ở chỗ nó mang đến những mẫu mực cho người đời sau.
Bà chủ gia đình sắp tới ngày sinh 60 tuổi, và những người con muốn tổ chức một bữa tiệc chúc thọ cho mẹ, người hàng ngày vất vả cực nhọc chăm lo công việc gia đình. Cả gia đình tập hợp bàn bạc, muốn chọn một món quà gì đó tặng mẹ. Mọi người nghĩ rằng mấy mươi năm nay ai cũng sắm thêm vật phẩm áo quần, chỉ có mẹ luôn nói không cần những thứ đó. Lại muốn bày biện một mâm cơm ngon mời mẹ, nhưng cũng có người nói là mẹ không thích ăn nhiều món ăn thịnh soạn như thế. Mọi người đang suy đi nghĩ lại thì em trai nhỏ cho rằng: “Mẹ thích nhất là ăn những món ăn thừa! Vậy hôm sinh nhật mẹ, chúng ta chừa những món ăn thừa lại cho mẹ dùng là được rồi”. Đến hôm chúc thọ, chồng và con cái cười nói với mẹ rằng: “Mẹ mỗi lần đều nói thích nhất là được ăn những món ăn thừa, vì thế chúng con cũng chỉ có những món ăn còn sót lại này để cho mẹ vui, để mừng thọ cho mẹ”. Người mẹ ngân ngấn nước mắt nói với các con: “Mấy mươi năm nay, mẹ chính là thích ăn những món ăn còn sót lại này”.
Mỗi năm mỗi người đều có một sinh nhật nhỏ, và mỗi mười năm có một sinh nhật lớn. Mỗi lần gặp ngày sinh nhật này, mỗi người đều có cách tổ chức mừng sinh nhật khác nhau. Có người muốn đi du lịch, có người muốn thết đãi khách, bạn bè thâm giao cũng sẽ tặng quà kỷ niệm chúc mừng. Đặc biệt một số người có địa vị, vào mỗi dịp sinh nhật của họ, thì khách khứa đến biếu quà đầy nhà, thật là phát tài phát lộc, không vui sao được!
Tuy nhiên, “khánh sinh hội” (tiệc chúc mừng sinh nhật) nói chính xác là “mẫu nan nhật” (ngày vất vả của mẹ), bởi vì chính ngày này mẹ đã đau đớn sinh ra chúng ta. Những sự đau đớn lúc sinh đẻ nào có đáng để chúng ta đến chúc mừng? Cho nên bây giờ có người đổi gọi “khánh sinh hội” – ngày vất vả, đau đớn của mẹ là “báo ân nhật” (ngày báo ơn); hoặc tập thể tụ hội lại, gọi là “báo ân hội”.
Gọi là ngày vất vả của mẹ hay là gọi ngày báo ân cũng được. Chúc mừng sinh nhật cần phát huy những lời dạy bảo của cha và tình thương yêu của mẹ, bởi vì sinh mạng của chúng ta nhận được từ cha mẹ, nên lấy cha mẹ làm trung tâm. Xưa kia có một số hoàng đế tài đức, vì muốn báo đáp ơn sinh thành của mẹ mà nhân ngày vất vả – cực nhọc này đại xá thiên hạ, hoặc là mời các bậc trưởng lão trong thiên hạ đến chúc mừng chung, để bày tỏ cùng vui mừng với người dân. Cũng có một số ông chủ lớn, chọn ngày vất vả của mẹ để bố thí cháo cơm cứu trợ thiên tai, ban ân huệ cho những người nghèo khó – túng thiếu.
Chúc mừng sinh nhật cũng như chúc thọ, càng nên tránh sát sinh, bởi vì từ ngày sinh của mình nên nghĩ tới điều này, rằng bá tánh trong cõi đời này, thậm chí tất cả chúng sinh, không sinh linh nào không quý trọng sinh mạng. Mọi người đều có quyền sinh tồn, cho nên cần được hộ sinh, trợ sinh. Nếu cầu sống lâu cho bản thân mà đi giết chết sinh mạng khác, xét về lý có phù hợp chăng? Cho nên cầu sống lâu chưa chắc đã sống được lâu; chỉ hộ sinh – bảo vệ mạng sống cho hết thảy chúng sinh mới có thể sống được lâu dài.
(Nguồn: Tinh Vân (2017), Thế gian tối đại đích lực lượng thị nhẫn nại, NXB.Văn Nghệ Hồ Nam – Trường Sa, tr.75-76.)
HT.Tinh Vân – Nhã Tuệ dịch