Thượng tọa Thích Trí Chơn: 5 điều cần nhớ để bạn tránh khẩu nghiệp ngoài đời lẫn trên mạng

Để tránh khẩu nghiệp, thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN chia sẻ, mỗi chúng ta cần nhớ 5 điều: lời nói phải chân thật, ái ngữ, tâm từ bi, có lợi ích và nói đúng thời điểm.

Trong cuộc sống mỗi ngày, con người ứng xử với nhau, biểu hiện với nhau và thể hiện ý tứ của mình ngang qua ngôn ngữ và hành động. Tâm thức của chúng ta như thế nào thì thì sẽ phản ra lời nói, hành động như vậy. Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, trong đạo Phật hay dùng từ “nghiệp”. Nghiệp là một hành động có tác ý, tất cả những gì chúng ta nói, hành động, suy nghĩ sẽ đem lại kết quả do chính mình tạo ra.

Khẩu nghiệp hay còn được gọi là ngữ nghiệp. Hiểu đơn giản khẩu nghiệp chính là nghiệp do những lời nói của mình gây ra. Trong cuộc sống hàng ngày có không ít lần chúng ta lỡ lời hoặc dụng ý xấu vào lời nói gây nên tổn thương đối với người khác. Tất cả những điều này vô tình tích nghiệp cho bản thân mà không phải ai cũng nhận thức được.

Thực tế cuộc sống hằng ngày, chúng ta không chỉ nói chuyện trực tiếp với nhau mà suy nghĩ biểu đạt còn thể hiện bằng hình thức viết, phát ngôn, lan truyền thông tin trên mạng xã hội.

Để bổ sung thông tin cho bạn đọc nắm bắt, về mặt luật pháp Việt Nam, Bộ luật hình sự có các điều khoản để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mỗi cá nhân về danh dự, nhân phẩm và lợi ích.

Trong Bộ luật hình sự, điều 155 Tội làm nhục người khác quy định:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

  • Phạm tội 2 lần trở lên
  • Đối với 2 người trở lên
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
  • Đối với người đang thi hành công vụ
  • Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình
  • Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm

  • Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
  • Làm nạn nhân tự sát.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 156. Tội vu khống

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Người phạm tội phải có một trong các hành vi sau:

  • Bịa đặt những điều không có thực
  • Bịa đặt là tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có đối với người khác như: không quan hệ bất chính lại tố cáo là quan hệ bất chính, không nhận hối lộ lại tố cáo là nhận hối lộ…
  • Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt

Bên cạnh đó còn có điều 331 về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

  1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
  2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Quay trở lại với cuộc trò chuyện, thượng tọa Thích Trí Chơn cho biết:

Những điều cần nhớ để tránh khẩu nghiệp

Chia sẻ với Thanh Niên, thượng tọa cho hay, người xưa có câu “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” – chúng ta suy nghĩ như thế nào thì sẽ biểu hiện ra hành động như vậy. Đó là lý do tại sao Đức Phật hay chú trọng đến cái tâm và muốn con người cần huấn luyện.

Thượng tọa Thích Trí Chơn: 5 điều cần nhớ để tránh khẩu nghiệp - Ảnh 1.

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM – T.V.K.A

Theo thượng tọa, dân gian có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lợi lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Do vậy, chúng ta phải chọn lựa nói làm sao để đẹp ý nhau, vừa lòng nhau, để đem lại những hòa khí. “Nhưng nếu có chọn lựa là còn có tốt – xấu, còn có chọn lựa là còn có những cái nên – không nên. Còn với một người mà tâm ý đã hoàn toàn thanh tịnh, tâm ý là tất cả những cái tốt rồi đó thì mở lời là tốt, mở lời là thiện”, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN nói.

Cụ thể, thượng tọa Thích Trí Chơn phân tích, Đức Phật đã dạy 5 điều sau:

  1. Thứ nhất, khi đã mở lời, những lời nói của chúng ta phải chân thật.
  2. Thứ hai, đó là lời nói ái ngữ – tức là lời nói yêu thương, mềm mỏng, toát ra từ trong tình thương yêu của mình.
  3. Thứ ba là chúng ta phải nói bằng tâm từ bi. Tâm không sân giận – tức là từ. Tâm không làm hại đến bất cứ ai – đó là bi. “Khởi tâm nói mà sân thì đó là thiếu từ, nói mà gây tổn hại đến người khác đó là thiếu bi. Do vậy nên nói chân thật, nói ái ngữ, nói với tâm từ bi”, vị thượng tọa nhấn mạnh.
Thượng tọa Thích Trí Chơn: 5 điều cần nhớ để tránh khẩu nghiệp - Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Trí Chơn đã nêu 5 điều cần nhớ để tránh khẩu nghiệp

T.V.K.A

Bên cạnh đó, chúng ta phải hết sức thận trọng trong lời nói, nói có lợi ích hay không có lợi ích. Đúng là chân thật, đúng là ái ngữ, đúng là toát bằng tâm từ bi nhưng nó không đem lại lợi ích, dứt khoát không nói.

Có một đặc tính tưởng chừng như nó không liên quan nhưng cũng là đem lại kết quả hoặc hệ lụy rất lớn, đó là nói đúng thời, không đúng thời. Cũng là một lời nói thôi nhưng điểm rơi, nói đúng thời, nói đúng lúc thì kết quả rất lớn. Còn không đúng thời đôi khi thành phản tác dụng.

Thượng tọa Thích Trí Chơn kết luận: “Một lời nói được biểu hiện chân thật, ái ngữ, tâm từ bi, có lợi ích và nói đúng thời, nếu chúng ta nắm được những nguyên tắc sống như thế này, lời nói của chúng ta đó là hoa, là hương, là ngọc để đem lại lợi ích trong văn hóa ứng xử giữa mình với người”.

Đừng đặt mình là trung tâm của vũ trụ

Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM chia sẻ, ai cũng có quyền thích, không thích; Nhưng mình đừng đặt mình là trung tâm của vũ trụ. Đừng có đem cái thích hay không thích của mình áp đặt một cách quá đáng.

Đơn giản nhất, thượng tọa Trí Chơn cho rằng, chúng ta phải làm chủ cảm xúc, ví dụ khi mừng không quá cuống cuồng, buồn không quá sầu bi, hạnh phúc không thăng hoa thái quá, khổ đau không dằn vặt bất cập…. Tất cả đều là những cung bậc thăng trầm lên xuống mà chúng ta phải lặng lẽ để thấy nó một cách nhẹ nhàng và chuyển biến nó thành cái có thể mình chấp nhận được nó.

Thượng tọa Thích Trí Chơn

Sử dụng mạng xã hội, đôi khi chúng ta lạc giữa những điều vô bổ, vô tình ta lại phát ngôn  cho thỏa chí, để cho thỏa lòng thôi – những cái mà ta cho rằng ta có quyền tự do, quyền được nói. Nhưng đó lại là những điều gây tiêu cực cho cá nhân, gia đình và xã hội. Do vậy, sự tự do của mình phải được đặt trên những sự tự do của người khác; tôn trọng mình, chính là mình tôn trọng người khác. Còn những lời nói vô bổ, những lời nói thiếu trách nhiệm, nói thiếu văn hóa đó là tự phỉ nhổ chính mình và mình không tôn trọng lấy mình”

Khi đã nhìn mọi việc một cách trôi chảy như vậy thì gặp bất cứ chuyện gì chúng ta cũng nhẹ nhàng, dễ phản ứng, những tác động đến cũng không hề lay chuyển được mình. Từ đó, chúng ta có vững chãi trước những giông bão của cảm xúc và của tác động cuộc đời mà an nhiên, giúp cho cuộc đời an nhiên.

Phát ngôn tự do nhưng phải đúng và tôn trọng người khác!

Theo Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, chúng ta hiện đang “ngập lụt” trong thông tin trên mạng xã hội với tốt, xấu đủ kiểu. Trước đây, người lớn thường hay trách con cái bị nghiện game, nghiện trò chơi để rồi bỏ học, nhưng giờ nhiều người lớn đang quên rằng hình như mình cũng đang nghiện mạng xã hội một cách rất mặc nhiên theo thói quen.

Thượng tọa Trí Chơn lấy ví dụ: “Ta tưởng đâu rằng internet sẽ làm con người gắn kết vào nhau, thực ra nó làm cho tình cảm gia đình cách xa. Mỗi ngày bước chân ra đường lo công ăn việc làm, lo học hành, về đến nhà thì bố chiếc điện thoại của bố, mẹ chiếc điện thoại của mẹ, con chiếc điện thoại của con. Tuy là thân ngồi đó, nhưng tâm mỗi người một thế giới”.

Thượng tọa Thích Trí Chơn: 5 điều cần nhớ để tránh khẩu nghiệp - Ảnh 4.

Thượng tọa Trí Chơn cho rằng, tâm của chúng ta thế nào thì sẽ biểu hiện ra tướng như vậy

T.V.K.A

Vị thượng tọa giải thích, một người khôn ngoan là một người đi siêu thị mua những món hàng mình cần thiết mang về. Cho nên thông tin xã hội rất nhiều, nhưng cái gì lợi lạc thiết thực cho mình, thì mình học hỏi; còn lại phải tỉnh thức với chính mình.

“Sử dụng mạng xã hội, đôi khi chúng ta lạc giữa những điều vô bổ, vô tình ta lại phát ngôn cho thỏa chí, để cho thỏa lòng thôi – những cái mà ta cho rằng ta có quyền tự do, quyền được nói. Nhưng đó lại là những điều gây tiêu cực cho cá nhân, gia đình và xã hội. Do vậy, sự tự do của mình phải được đặt trên những sự tự do của người khác; tôn trọng mình, chính là mình tôn trọng người khác. Còn những lời nói vô bổ, những lời nói thiếu trách nhiệm, nói thiếu văn hóa đó là tự phỉ nhổ chính mình và mình không tôn trọng lấy mình”, thượng tọa Trí Chơn nói.

Theo Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, người ta vẫn thường nói: “Tâm tùng tứ hiện, tứ tự tâm sinh”. Tâm của chúng ta như thế nào thì nó sẽ biểu hiện ra cái tướng như vậy, trong trái tim của chúng ta chất chứa cái gì thì nó sẽ biểu hiện ra ngôn ngữ và lời nói như vậy, không che đậy được, cho dù chúng ta có diễn cỡ nào thì cũng chỉ là một thời gian ngắn thôi nhưng dần dần cái thật nó cũng thể hiện.

Vì vậy hãy huấn luyện tâm cho thật lành mạnh, huấn luyện tâm cho thật trong sáng, chân thật để nói những lời chân thật, trong sáng, yêu thương. Với một người có năng lượng tích cực, đôi khi họ chỉ cần nở một nụ cười họ có một ánh nhìn, đưa một cánh tay thôi nó sẽ biểu hiện ra điều tích cực. Những người có tâm hồn tiêu cực, đôi khi lời nói, ánh nhìn, biểu hiện đem lại cái khiến người ta nghi ngờ, thận trọng, khiến người ta không gần gũi lại nhau.

Sau cùng, thượng tọa Thích Trí Chơn nhận xét, xã hội ngày nay đang cần năng lượng tích cực, đang rất cần những lời nói chân thật kèm theo đó là ái ngữ từ bi có lợi ích và nói đúng lời đúng lúc.

Vũ Phượng báo Thanh Niên