Thưởng sen không khéo thành kẻ trộm
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Tỳ-kheo này bị bệnh mắt, vâng lời thầy thuốc dạy phải ngửi hoa bát-đàm-ma (sen). Sau khi Tỳ-kheo kia nhận lời dạy của thầy rồi, liền đến bờ ao hoa bát-đàm-ma, ngồi theo chiều gió bên bờ ao và theo gió mà ngửi hương. Khi đó có vị Thiên thần chủ hồ này nói với Tỳ-kheo:
Vì sao ngài trộm hoa?
Ngài là giặc trộm hương.
Bấy giờ, Tỳ-kheo nói kệ đáp:
Không phá cũng không đoạt,
Đứng xa ngửi hương bay.
Tại sao nay ông nói,
Ta là giặc trộm hương?
Lúc ấy, Thiên thần nói kệ:
Không xin mà tự lấy,
Thế gian gọi là giặc.
Ông, nay người không cho,
Thì thế gian gọi là,
Giặc trộm hương thật sự.
Lúc đó có một người nhổ ngó sen kia, vác cả đi. Bấy giờ Tỳ-kheo nói kệ cho Thiên thần kia:
Hiện tại, như người kia,
Bẻ gãy phân-đà-lợi (sen),
Nhổ rễ vác cả đi,
Mới là người gian xảo.
Vì sao ông không ngăn,
Mà nói ta trộm hương?
Lúc ấy, Thiên thần kia nói kệ đáp:
Người gian xảo cuồng loạn,
Giống như áo nhũ mẫu;
Đủ thiếu gì nói thêm!
Nên mới nói cùng ngài.
Áo đen, mực chẳng dơ.
Người hung ác gian xảo,
Thế gian không nói tới.
Chân ruồi dơ lụa trắng;
Kẻ sáng, thấy vết nhỏ.
Như mực dính hạt châu,
Tuy nhỏ nhưng thấy hết.
Thường theo kia cầu tịnh,
Không kết, lìa phiền não,
Ác tuy như lông tóc,
Người thấy như Thái sơn.
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia lại nói kệ:
Nói hay thay! Hay thay!
Dùng nghĩa an ủi tôi.
Ông hãy thường vì tôi,
Luôn luôn nói kệ này.
Lúc ấy, Thiên thần kia lại nói kệ:
Tôi chẳng phải nô lệ
Ngài mua, hay người cho;
Làm sao luôn theo ngài,
Lúc nào cũng nhắc nhở?
Nay ngài nên tự biết,
Mọi việc lợi ích kia.
Sau khi Thiên thần kia nói rồi, Tỳ-kheo này nghe những gì người ấy nói, hoan hỷ, tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về, một mình nơi chỗ thanh vắng, chuyên tinh tư duy, đoạn các phiền não, đắc A- la-hán.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1338)
Ảnh minh họa.
Lời bàn:
Thế mới biết, sen trong hồ, hương bay giữa trời tưởng chừng như vô chủ mà hóa ra lại có chủ, chủ của chúng là thiên nhiên. Thiên nhiên vốn rất hào phóng với con người và muôn loài nhưng muốn hưởng lộc cũng cần xin phép, nếu không là ăn trộm. Điều đó thể hiện lòng biết ơn, tâm quý trọng mà hưởng thọ chừng mực trong tinh thần muốn ít và biết đủ; không tàn phá, vắt kiệt lộc trời trong tự nhiên.
Điều thú vị là Thiên thần kia chỉ trách Tỳ-kheo ngửi hương mà không màng kẻ phàm cắt hoa, chặt cây, nhổ rễ vì họ là những kẻ “thế gian không nói tới”. Đây là điểm vi tế mà người tu cần lưu ý: Thứ nhất người tu hành thì không thể so với người phàm tục. Thứ hai dù không thể hiện ra hành vi bên ngoài nhưng trong tâm ý bộc lộ tham ái và dính mắc liền bị quở trách, quy tội ăn trộm.
Vết nhơ dù nhỏ nhặt như chân ruồi nổi bật trên lụa trắng, như hạt mực dính trên kim cương sẽ thấy rất rõ. Cũng vậy, người chuyên thanh lọc và tịnh hóa thân tâm cũng nên dè chừng với các thú tao nhã. Đã là bụi thì dù bụi đất hay bụi vàng cũng đều xót mắt như nhau. Cho nên cần lắng lòng trong sạch không đắm nhiễm các dục từ thô đến tế, từ thấp hèn cho đến thanh cao.